Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Thị Cẩm Vân - Bác sĩ lab IVF, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Giống như gieo hạt vào đất, hạt mầm tốt được gieo trên mảnh đất màu mỡ thì hạt sẽ nảy mầm và phát triển thành cây khỏe mạnh. Người mẹ có khả năng mang thai cao nhất khi được chuyển phôi tốt vào buồng tử cung với niêm mạc ở trạng thái tốt để đón nhận phôi vào làm tổ.
Vậy thế nào là phôi tốt và làm thế nào để chọn được phôi tốt vẫn là câu hỏi được quan tâm đối với các cặp vợ chồng đang và sẽ bước vào hành trình tìm con yêu nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
1. Thế nào là phôi tốt?
Ngay từ khi kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm ra đời, phôi tốt được nhận diện và chọn lựa qua hình thái. Phôi tốt vào ngày 3 là phôi có 7 – 8 tế bào, các tế bào đồng đều, không có hoặc có rất ít mảnh vỡ bào tương và không có hiện tượng đa nhân trong các tế bào.
Còn đối với phôi ngày 5 hay còn gọi là phôi nang, phôi phải hình thành được hai khối tế bào là khối tế bào nụ phôi sau này phát triển thành thai và khối tế bào lá nuôi, sau này phát triển thành phần phụ của thai (nhau, bánh nhau) để nuôi thai. Phôi nang tốt là phôi có khối tế bào nụ phôi to, rõ, gồm nhiều tế bào nén chặt với nhau và khối tế bào lá nuôi gồm nhiều tế bào tạo thành lớp liên kết chặt chẽ.
Đánh giá hình thái phôi dưới kính hiển vi để chọn lựa phôi tốt là phương pháp truyền thống được áp dụng ở tất cả các lab thụ tinh ống nghiệm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hình thái phôi không thể hiện được hết toàn bộ quá trình phát triển của phôi và không cho biết được bộ nhiễm sắc thể của phôi có mang bất thường hay không.
Vấn đề này hiện nay đã được khắc phục bằng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiên tiến đang được áp dụng tại các IVF lab trên thế giới, trong đó có IVF lab Vinmec. Hai kỹ thuật chuyên sâu đã được triển khai và được chứng minh làm tăng khả năng thành công chính là kỹ thuật theo dõi phôi liên tục Time-lapse và kỹ thuật xét nghiệm di truyền phôi tiền làm tổ PGT.
2. Hệ thống IVF lab tại Vinmec
IVF lab Vinmec đã triển khai kỹ thuật theo dõi phôi liên tục bằng hệ thống Time-lapse từ tháng 12/2018. Kỹ thuật này có thể theo dõi sự phát triển của phôi 24/7 nhờ vào hệ thống camera lắp đặt sẵn trong tủ nuôi cấy.
Do đó, phôi không cần đưa ra kính hiển vi để chụp ảnh và đánh giá, phôi sẽ được phát triển trong môi trường hoàn toàn ổn định và an toàn cho đến khi chuyển phôi. Một điểm ưu việt nữa của hệ thống tủ nuôi cấy Time-lapse chính là việc tủ có tích hợp phần mềm trí tuệ nhân tạo AI, tất cả các sự kiện trong quá trình phát triển của phôi sẽ được ghi nhận và đánh giá ngay lập tức.
Phần mềm trí tuệ nhân tạo sẽ sử dụng các thuật toán để đưa ra tiên lượng khả năng làm tổ của phôi nhờ vào kho dữ liệu khổng lồ được tổng hợp từ rất nhiều nghiên cứu tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản trên thế giới. Nhờ vậy, hệ thống có thể chọn lựa phôi có quá trình phát triển bình thường nhất, đồng nghĩa với tiềm năng làm tổ cao nhất.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây thất bại sau chuyển phôi là do phôi mang bộ nhiễm sắc thể bất thường. Khi phôi mang bất thường di truyền thì không chỉ gây thất bại làm tổ, mà còn có nguy cơ cao sảy thai, thai lưu và thai mang dị tật bẩm sinh.
Chính vì vậy, kỹ thuật xét nghiệm di truyền tiền làm tổ PGT ra đời, giúp sàng lọc tất cả 24 nhiễm sắc thể để chọn được phôi mang bộ nhiễm sắc thể bình thường để chuyển vào buồng tử cung người mẹ. IVF lab Vinmec đã triển khai kỹ thuật PGT ngay từ thời điểm thành lập trung tâm và chúng tôi đã chào đón hàng trăm em bé đã ra đời khỏe mạnh nhờ phương pháp này.
Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, với sự kết hợp giữa kinh nghiệm lâu năm của các chuyên gia IVF với các phương pháp hỗ trợ sinh sản tiên tiến bậc nhất hiện nay để đồng hành cùng các cặp vợ chồng hiếm muộn trong hành trình đi tìm được “hạt mầm” tốt của mình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.