Sức khỏe tinh thần là cụm từ được nhiều người quan tâm đến hiện nay. Nó quan trong ngang tầm với sức khỏe thể chất của bạn. Nói cách khác, cả hai đều ảnh hưởng đến nhau, khi bạn bị xúc động mạnh, chắc chắn nhịp tim của bạn sẽ tăng lên ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Để có một sức khỏe toàn diện, ngoài việc tăng sức khỏe thể chất, bạn cần chú ý cải thiện sức khỏe tinh thần, giữ cho mình sự lạc quan trong mọi tình huống trong cuộc sống.
1. Tại sao nâng cao sức khỏe tinh thần lại quan trọng?
Một số nghiên cứu đã khám phá ra rằng những người mang một tình trạng sức khỏe tâm lý tốt hơn thường sẽ có cuộc sống khỏe mạnh và lâu dài hơn. Với những người này cũng sẽ có xu hướng trải nghiệm một cuộc sống có chất lượng hơn. Khi tâm lý tốt cũng đi kèm với việc sẽ ít bị vấp phải những vấn đề xã hội.
Điển hình, nghiên cứu đã cho thấy, những người có tình trạng tâm lý tốt thường sẽ ít tham gia vào những hành vi phạm tội hoặc lạm dụng ma túy và các loại đồ uống có cồn. Ngoài ra, những người có xu hướng tình trạng tâm lý tốt hơn thường có thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, họ rất tích cực tham gia vào các hoạt động cộng đồng hơn, ví dụ như các hoạt động thiện nguyện.
Khi mà những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống được đáp ứng thì con người sẽ dễ dàng mang 1 trạng thái tâm lý tốt. Sinh sống trong một khu vực an toàn, có đầy đủ lương thực thực phẩm và họ có một mái ấm ổn định. Tất cả đều là những nhân tố quan trọng cho sự phát triển về mặt cảm xúc của một con người.
Nếu bạn đang mong muốn cải thiện sức khỏe tinh thần thì bạn có thể thực hành một vài điều sau để cải thiện trạng thái tâm lý của mình.
2. Một số cách để cải thiện sức khỏe tinh thần
2.1 Tập trung đi tìm giải pháp cho vấn đề
Tập trung tìm kiếm giải pháp cho vấn đề là một trong những cách tăng sức đề kháng cho sức khỏe tinh thần trước tác nhân gây căng thẳng. Ví dụ, nếu thời gian hoàn thành công việc sắp tới khiến bạn phải lo lắng. Bạn hãy tìm hiểu chiến lược quản lý thời gian để sắp xếp công việc hiệu quả hơn. Tương tự với một số tình huống khác, việc tập trung vào giải pháp bao giờ cũng hiệu quả hơn so với việc bạn chỉ tập trung vào vấn đề.
2.2 Ngồi thiền
Một nghiên cứu cho thấy để chống lại suy giảm nhận thức do tuổi già, bạn có thể sử dụng phương pháp ngồi thiền. Mỗi ngày, bạn chỉ cần khoảng 5 phút ngồi hoặc nằm để tĩnh tâm là đủ giúp ích. Mức stress của bạn sẽ được giảm xuống, não được thư giãn. Bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và sẵn sàng đối phó với những thách thức trong cuộc sống.
2.3 Ngủ đủ giấc, không ngủ muộn
Ngủ đủ giấc và không ngủ muộn là cách tốt nhất để cải thiện sức khỏe tinh thần. Bởi vì khi não được nghỉ ngơi đủ giấc nghĩa là não bộ của bạn đang được chăm sóc khỏe mạnh, từ đó mà tinh thần của bạn cũng trở nên tốt hơn mỗi ngày. Bạn hãy bắt đầu thư giãn ít nhất một giờ trước khi đi ngủ, để có thể cải thiện được giấc ngủ của mình. Một số cách giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ như:
- Tắt đèn hoặc hạ độ sáng đèn.
- Không sử dụng điện thoại.
- Hạn chế các âm thanh, tiếng ồn bên ngoài.
- Ngồi thiền trước khi đi ngủ.
- Giữ không khí trong phòng ngủ luôn thoáng mát, thơm tho,sạch sẽ.
- Không nên bữa tối quá no và tuyệt đối không uống các loại đồ uống có chứa caffeine vào buổi tối.
Bạn không nên ngủ quá muộn, khoảng thời gian thích hợp bạn nên đi ngủ là từ lúc 9-10 giờ đêm. Và ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày, đây là cách để cải thiện sức khỏe tinh thần tuyệt vời, giúp bạn có được tinh thần sảng khoái và cơ thể khỏe mạnh.
2.4 Thiết lập các mối quan hệ gần gũi
Kết nối và giao tiếp với những người khác trong xã hội sẽ là điều cần thiết để giúp bản thân vui vẻ, hạnh phúc mỗi ngày. Chính vì vậy, bạn hãy dành thời gian để kết nối với bạn bè và người thân trong gia đình hoặc đồng nghiệp tại nơi làm việc. Nhưng, bạn nên lưu ý, tăng cường giao lưu với những người có lối sống và tư duy tích cực, điều này sẽ lan tỏa đến cho bạn những điều tích cực.
Bất cứ khi nào có thể, bạn nên chủ động liên lạc để kết nối với mọi người xung quanh bạn. Đây cũng là một trong những cách làm rất thiết thực để tăng sức đề kháng cho tinh thần của bạn trước những căng thẳng.
2.5 Định hình những điểm mạnh của bạn
Khi biết được những điểm mạnh của bản thân, bạn sẽ cảm thấy bản thân tự tin hơn trong cuộc sống. Bạn hãy tự điểm lại những lĩnh vực mà bạn giỏi hay những tố chất mạnh mẽ mà bạn sử hữu. Sau đó, viết xuống những điều này là để tự nhắc nhở về những điều bạn phải cống hiến cho thế giới. Ngoài ra, nếu có những lĩnh vực mà bạn cảm thấy mình cần phải cải thiện thì cũng ghi lại ngay vào danh sách. Không ngừng cố gắng để phát triển bản thân là một cách tốt để có được sức khỏe tâm lý được phát triển một cách toàn diện.
2.6 Suy nghĩ tích cực
Suy nghĩ tích cực sẽ giúp cải thiện sức khỏe tâm lý của bạn. Khi sức khỏe tâm lý của bạn được cải thiện thì cảm xúc tổng thể của bạn sẽ được ổn định hơn. Dưới đây là một số điều bạn có thể làm để tạo ra một cuộc sống tích cực hơn.
- Hãy học cách tha thứ
Hãy buông bỏ những quá khứ đau lòng. Chính sự giận dữ sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm lý của bạn. Tha thứ chính là giải thoát cho bản thân khỏi sự giận dữ đã khống chế và ràng buộc bạn với một ai đó.
Tha thứ cho ai đó sẽ giải thoát bạn và tạo ra năng lượng tích cực cho bạn. Thay vì chỉ khiến bạn nhớ lại những kỉ niệm buồn, những tổn thương và sự xúc phạm trong quá khứ. Nếu người đã làm bạn bị tổn thương vẫn là mối đe dọa cho sức khỏe tổng thể của bạn thì hãy tha thứ, điều đó sẽ giúp bạn tạo ra một vài ranh giới để bảo vệ bạn khỏi những tổn thương không đáng có.
- Bạn hãy luôn hướng về một tương lai tốt đẹp
Bạn hãy luôn nghĩ về những điều tốt có thể xảy ra trong tương lai với bạn. Bạn hãy tưởng tượng rằng nếu bạn đang sống một cuộc sống tuyệt vời thì bạn sẽ dành thời gian để trải nghiệm nó như thế nào và trải nghiệm nó cùng với ai. Hãy thiết lập những mục tiêu nhỏ và vừa, nó sẽ giúp bạn đạt được tương lai mà bạn đã đề ra, kế hoạch của bạn sẽ hành động. Khi mà bạn làm việc để hướng đến một tương lai tốt hơn, kể cả khi đó là những bước tiến nhỏ, nó cũng sẽ giúp bạn tự ý thức được mục đích của những điều mà bạn muốn hướng tới.
3. Một số chất dinh dưỡng có thể hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho bạn
Đã có một số nghiên cứu về "mối quan hệ giữa thức ăn và tâm trạng". Tuy nhiên, các nghiên cứu đưa ra những kết quả rất khác nhau, còn nhiều vấn đề chưa được giải đáp. Điển hình, việc thay đổi chế độ dinh dưỡng không được khuyến khích sử dụng như là một phương pháp thay thế cho việc điều trị những bệnh lý tâm thần như trầm cảm. Nhưng vẫn có một số bằng chứng cho thấy một vài chất dinh dưỡng có thể hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho bạn. Những chất dinh dưỡng này là một phần trong chế độ ăn uống cân bằng. Chính việc ăn uống hợp lý sẽ giúp bạn cảm thấy vui vẻ và khoẻ khoắn hơn mỗi ngày.
- Acid béo omega-3 giúp cải thiện sức khỏe tim mạch: Bằng cách giảm lượng cholesterol xấu và tăng lượng cholesterol tốt trong cơ thể. Omega-3 còn có tiềm năng cải thiện sức khỏe tinh thần. Một vài nghiên cứu cho thấy với những người được bổ sung omega-3 báo cáo có sự chuyển biến trong tâm trạng. Các nhà nghiên cứu đã tin rằng acid béo omega-3 có thể ảnh hưởng tích cực đến cách não bộ gửi tín hiệu đến toàn cơ thể. Acid béo omega-3 thường được tìm thấy trong hải sản, ví dụ như cá thu, cá hồi, cá trích và cá mòi. Ngoài ra, nó còn có trong các loại hạt, hạt lanh, dầu hạt lanh và quả óc chó.
- Tryptophan là một loại acid amin (thành phần chủ yếu của chất đạm) mà cơ thể bạn cần để sản xuất một chất hoá học có tên gọi là serotonin. Với những người bị trầm cảm họ thường có lượng serotonin rất thấp. Đã có một vài nghiên cứu đã và đang xem xét về việc dùng tryptophan để trị bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, hiện giờ chưa có đủ bằng chứng khoa học để khuyến khích việc sử dụng này. Tryptophan có thể được tìm thấy trong các loại thịt đỏ, gà tây, các sản phẩm từ sữa và đậu nành.
- Magie là một chất dinh dưỡng giúp cơ thể bạn có thể sản sinh năng lượng. Nó còn giúp cho các cơ bắp, động mạch và tim của bạn hoạt động tốt hơn. Một số nhà nghiên cứu đã và đang tìm hiểu liệu những bệnh nhân bị trầm cảm được bổ sung magie có hồi phục nhanh hơn không? Magie có thể được tìm thấy trong các loại hạt, trái bơ và các loại rau xanh lá.
- Acid folic và vitamin B12 là những loại vitamin B đóng vai trò rất quan trọng trong việc trao đổi chất của cơ thể (tốc độ của những quá trình trao đổi chất) và việc sản xuất của các tế bào máu. Ngoài ra, chúng cũng liên quan đến những chất hoá học gọi là dopamin và noradrenalin. Trong một số trường hợp, bệnh nhân bị trầm cảm thường thiếu những chất này. Việc bổ sung acid folic và vitamin B12 cho bệnh nhân trầm cảm có thể làm tăng khả năng đáp ứng thuốc trị trầm cảm. Acid folic có thể được tìm thấy trong các loại rau xanh và trái cây. Vitamin B-12 thì chủ yếu có trong các loại cá, tôm, cua, thịt và các sản phẩm làm từ sữa.
Có rất nhiều cách để cải thiện sức khỏe tinh thần, ngoài việc tạo tâm lý thoải mái thì bạn nên điều chỉnh lối sống, chế độ dinh dưỡng cân bằng vừa nâng cao sức khỏe tổng thể, vừa cải thiện sức khỏe tinh thần tốt.
Mời bạn theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.