Làm thế nào để "cai" mút tay cho bé?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Khi trẻ mút tay sẽ kích thích não bộ sản xuất endorphin khiến trẻ cảm thấy thoải mái, thích thú, thư giãn. Tuy nhiên việc mút tay kéo dài sẽ mang lại nhiều tác hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

1. Vì sao trẻ mút tay?

Hầu hết trẻ sơ sinh khi đói sẽ mút tay, đây là một phản xạ tự nhiên của trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Trẻ mút tay sẽ cảm thấy dễ chịu, như tìm lại cảm giác của bầu sữa mẹ và đang được gần mẹ. Dần dần thói quen mút tay được hình thành kể cả khi trẻ không đói, trở thành một sở thích mang lại cảm giác sảng khoái, an toàn và thoải mái cho trẻ.

Khi trẻ mút tay sẽ kích thích não bộ sản xuất Endorphin, một chất giảm đau nội sinh giúp cơ thể trẻ thư giãn, tạo cho trẻ cảm giác thích thú. Việc đặt ngón tay vào miệng mút mang đến cho trẻ cảm giác an toàn khi gặp tình trạng khó khăn như bị tách rời với cha mẹ hoặc ở trong một môi trường xa lạ. Mút tay giúp trẻ ngủ ngon hơn nên trẻ mút tay thường xuyên vào buổi tối hoặc khi cảm thấy mệt mỏi.

Thông thường, sau 6 tháng đầu tiên trẻ mút tay sẽ giảm dần. Phần lớn trẻ sẽ bỏ mút tay khi được 1-2 tuổi, tuy nhiên khoảng 15% trẻ sẽ tiếp tục mút tay cho đến khi 4 tuổi.

Trắc nghiệm: Sự phát triển tinh thần, vận động của bé thế nào là đúng chuẩn?

Khi nào bé biết nói, biết hóng chuyện hay biết cầm cốc là "đúng chuẩn"? Điểm xem bạn biết được bao nhiêu mốc phát triển tinh thần, vận động "đúng chuẩn" của bé nhé!

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

Ma Văn Thấm
Ma Văn Thấm
Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa,
Nhi
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

2. Trẻ mút tay có ảnh hưởng gì không?

Mút tay có thể xem là bản năng bình thường ở trẻ nhỏ, tuy nhiên nếu trẻ mút tay trong một thời gian kéo dài và không bỏ được sẽ gây nhiều bất lợi cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

  • Mút ngón tay quá sâu làm trẻ dễ bị nôn trớ nhất là sau khi bú hoặc sau khi ăn.
  • Trẻ mút tay khi bàn tay chưa được rửa sạch sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tay- miệng như bệnh tay chân miệng, thủy đậu, cúm, các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa.
  • Những trẻ có động tác mút tay mạnh, nhai tay có thể gây các tổn thương ở da ngón tay, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng da.
  • Mút tay trong thời gian kéo dài có thể gây biến dạng xương ngón tay, ngón tay bị mút sẽ có hình dạng bất thường.
  • Nghiêm trọng hơn, ở những trẻ 5-6 tuổi đang trong giai đoạn thay răng vĩnh viễn, thói quen mút tay kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của vòm miệng và sự sắp xếp của răng, dẫn đến tình trạng một số tình trạng như lệch khớp cắn, khó phát âm, hô (răng và hàm bị đẩy ra ngoài), móm (một hàm bị tụt vào trong),...

Trẻ thường mút tay khi cảm thấy căng thẳng, lo lắng, bất an
Trẻ thường mút tay khi cảm thấy căng thẳng, lo lắng, bất an

3. Các phương pháp cai mút tay cho trẻ

Trẻ mút tay phải làm sao? là mối quan tâm của rất nhiều bậc cha mẹ. Để giúp trẻ bỏ tật mút tay, cha mẹ có thể tham khảo một số phương pháp sau:

  • Đối với những trẻ còn bú mẹ, nên đảm bảo cho bé bú đầy đủ để bé không bị đói, tránh để bé mút tay để giải tỏa vì bị đói.
  • Trẻ thường mút tay khi cảm thấy căng thẳng, lo lắng, bất an. Hãy luôn tạo cho trẻ cảm giác an tâm, thoải mái, chú ý đến các nguyên nhân gây lo lắng cho trẻ. Những lúc trẻ bị ốm, bị sốt, đau sau tiêm chủng, cha mẹ nên dành nhiều thời gian để gần gũi, chăm sóc để giúp trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn, đồng thời cũng giúp trẻ giảm thói quen ngậm mút tay.
  • Vào những lúc trẻ sắp mút tay, làm trẻ phân tâm bằng cách lôi cuốn trẻ vào chơi trò chơi phù hợp với lứa tuổi.
  • Khi trẻ lớn hơn một chút và đã biết nói, nếu trẻ mút tay khi đau, giận dữ,... cha mẹ hãy dạy trẻ cách bày tỏ cảm xúc bằng lời nói và dạy cho trẻ biết những tác hại khi trẻ mút tay.
  • Động viên, khen thưởng khi tình hình mút tay của trẻ có cải thiện. Cha mẹ có thể làm một cái lịch các ngày trong tuần nhiều màu sắc, trong đó đánh dấu những ngày trẻ không mút tay, khích lệ để trẻ bỏ mút tay dần dần.
  • Nếu những cách trên không hiệu quả, cha mẹ có thể dán băng cá nhân quanh ngón tay cho trẻ nhớ. Ngoài ra, cha mẹ có thể tìm mua găng tay bỏ mút tay (thumb sucking glove) hoặc tự may loại găng tay này để đeo cho trẻ.
  • Cách cuối cùng, cha mẹ có đưa trẻ đi nha sĩ để làm các khí cụ cố định trong miệng để trẻ không thể mút tay. Cách này thường chỉ dùng cho trẻ trên 6 tuổi mà không bỏ được tật mút tay.

Chú ý là trong giai đoạn cai mút tay, cha mẹ phải vệ sinh tay sạch sẽ cho trẻ, thường xuyên cắt móng tay, vệ sinh da, những đồ chơi thường ngày của con cũng cần giữ vệ sinh thật tốt để tránh nguy cơ lây bệnh.

Thạc sĩ. Bác sĩ. Nguyễn Minh Tuấn đã có trên 27 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhi khoa. Bác sĩ nguyên là Phó khoa Nhi Tổng hợp - Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng trước khi là Bác sĩ Nhi tại khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng như hiện nay.

Nếu có nhu cầu khám bệnh với các bác sĩ Nhi khoa giàu kinh nghiệm tại Vinmec, Khách hàng vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe