Viêm da cơ địa là bệnh ngoài da khá phổ biến, thường gặp nhiều nhất ở trẻ nhỏ. Khi thời tiết chuyển mùa, nhất là mùa lạnh, hanh khô là thời điểm bệnh viêm da cơ địa xuất hiện nhiều hơn. Vậy nên làm gì khi trẻ sơ sinh bị viêm da cơ địa?
1. Viêm da cơ địa là gì?
Viêm da cơ địa còn gọi là bệnh chàm thể tạng (eczema), một bệnh viêm da tái phát mãn tính, chủ yếu gặp ở trẻ em và có liên quan tới cơ địa dị ứng.
Làn da bình thường sẽ có một lớp màng bảo vệ, giúp ngăn nước trong da không bị bốc hơi và bảo vệ da khỏi các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Khi bị viêm da cơ địa, lớp màng bảo vệ bị tổn thương, da bị khô, mất nước, các vi khuẩn bên ngoài xâm nhập và làm xuất hiện các nốt mẩn đỏ, mụn nước ngứa ngáy trên da.
2. Triệu chứng viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh
Trẻ bị viêm da cơ địa có biểu hiện khác nhau tùy theo từng giai đoạn bệnh.
Ở giai đoạn cấp tính, mụn nước dập vỡ trên nền dát đỏ, rỉ dịch, tạo thành vảy tiết... thường hay gặp ở trán, má, cằm và nếu nặng hơn có thể lan ra các chi và thân mình.
Sang giai đoạn bán cấp, triệu chứng bệnh nhẹ hơn, các dát sần trên nền da đỏ, tập trung thành mảng hoặc rải rác, thường thấy ở mặt duỗi các chi.
Tới giai đoạn mạn tính, da trẻ dày khô, vết nứt da đau, thường ở các nếp gấp lớn, lòng bàn tay, lòng bàn chân, cổ tay, cổ chân...
Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết tình trạng viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh mà mẹ cần quan tâm:
- Vùng da miệng, trán, cổ, chân tay hoặc trên người của bé có xuất hiện những tổn thương hình móng ngựa.
- Vùng tổn thương có nhiều mụn nước liti, có thể thấy hiện tượng chảy dịch.
- Biểu hiện phù nề, trẻ có cảm giác đau, ngứa ngáy.
- Có thể xuất hiện mụn mủ và có hiện tượng đóng vảy tiết màu vàng.
- Sau đó khoảng 1 thời gian đa sẽ bị khô ráp, bong tróc và đỏ hơn những vùng da lân cận.
3. Nguyên nhân viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh
Hiện nay nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh chưa được xác định rõ, tuy nhiên có 1 số yếu tố chính gây bệnh sau:
- Trẻ không được bú sữa mẹ
- Trẻ gặp phải tác dụng phụ sau khi tiêm phòng
- Trẻ thường xuyên mặc quần áo có chất liệu len hay dạ gây bí bách
- Môi trường sống: Thời tiết, khí hậu hanh khô, nhiệt độ thấp, các dị nguyên hô hấp như mạt bụi nhà, phấn hoa, lông súc vật hoặc dị nguyên thức ăn như trứng, sữa, lạc, tôm, cua... là những nguyên nhân có thể khiến trẻ bị viêm da cơ địa.
Ngoài ra, yếu tố di truyền là một trong những căn nguyên bệnh sinh của bệnh viêm da cơ địa.
4. Viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm?
Viêm da cơ địa ở trẻ nếu được khắc phục sớm sẽ không có gì đáng lo ngại vì phần lớn nó đều là những tổn thương ngoài da và không ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến sức khỏe.
Phần lớn trẻ mắc bệnh sẽ khó chịu, bứt rứt và mệt mỏi, có thể bỏ bú, thường xuyên quấy khóc và mất ngủ.
Trong những trường hợp không điều trị sớm, đúng cách, bệnh có thể dẫn tới những biến chứng sau:
- Viêm da cơ địa bội nhiễm: Hệ miễn dịch của trẻ kém vì thế khi mắc viêm da cơ địa, nguy cơ bội nhiễm của trẻ sẽ cao hơn những đối tượng khác. Tốt nhất, mẹ hãy đưa con đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị hiệu quả.
- Hoại tử da: Khi thấy con có những biểu hiện của viêm da cơ địa, nhiều mẹ đã vội vàng điều trị cho con bằng những mẹo truyền miệng dân gian hoặc tự ý mua thuốc bôi. Đây là nguyên nhân dẫn đến biến chứng của bệnh là hoại tử da khi sử dụng loại thuốc không đúng, không phù hợp.
5. Làm gì khi trẻ sơ sinh bị viêm da cơ địa?
5.1. Điều trị bằng thuốc
Trẻ cần được điều trị để phục hồi hàng rào của da, kiểm soát nhanh đợt cấp bằng thuốc chống viêm đồng thời duy trì tình trạng ổn định của bệnh bằng việc giữ ẩm da.
Việc giữ ẩm da là rất cần thiết, vừa có tác dụng chống khô da, vừa tránh ngứa và hạn chế tái phát. Việc dưỡng ẩm cần thực hiện hàng ngày và sau khi triệu chứng bệnh đã được cải thiện. Tùy vào mức độ của bệnh để lựa chọn các chế phẩm giữ ẩm, có thể là dạng lỏng, dạng kem hoặc dạng mỡ.
Thuốc chống viêm corticosteroid dạng bôi rất hiệu quả trong điều trị viêm da cơ địa, tuy nhiên nếu dùng lâu dài, không đúng liều lượng, nồng độ và độ mạnh của thuốc thì sẽ xảy ra 1 số tác dụng phụ không mong muốn như teo da, giãn mạch... Do vậy, khi dùng thuốc nhóm này cần có sự chỉ định chặt chẽ của bác sĩ.
Ngoài ra, tùy thuộc vào tình trạng bội nhiễm hay mức độ ngứa mà bác sĩ sẽ có những chỉ định thuốc phối hợp kèm theo như: thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus, thuốc chống nấm, thuốc chống ngứa...
Các mẹ không nên tự ý điều trị viêm da cơ địa cho con khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
5.2. Chăm sóc da cho trẻ
- Cha mẹ nên cho trẻ mặc quần áo chất liệu cotton, mềm, dễ thấm hút, hạn chế để đồ len, dạ tiếp xúc trực tiếp vào da của trẻ. Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cũng cần hạn chế mặc đồ len, dạ thô ráp khi bế ẵm trẻ.
- Khi thời tiết hanh khô, mẹ cần giữ ấm cho trẻ và không nên cho trẻ ra ngoài.
- Nên cho con bú mẹ để đảm bảo sức khỏe và nâng cao hệ miễn dịch cho trẻ.
- Cha mẹ không nên bôi, tắm cho trẻ bằng các nước lá không rõ nguồn gốc vì đây chính là nguyên nhân làm tình trạng bệnh của trẻ nặng thêm.
- Giữ vệ sinh cho trẻ, đồng thời thường xuyên vệ sinh không gian sống, đảm bảo trẻ được vui chơi trong bầu không khí trong lành.
- Luôn luôn chú ý loại bỏ các yếu tố kích ứng làm cho tình trạng của bệnh nặng lên, ví dụ như bụi, mạt nhà, phấn hoa, lông súc vật,..
- Không nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng hoặc thực phẩm lạ.
- Nếu tình trạng viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh tiến triển dai dẳng và khiến trẻ vô cùng ngứa ngáy thì mẹ có thể đưa con đi khám để các bác sĩ chỉ định loại thuốc bôi phù hợp.
- Ngoài ra, những trẻ bị viêm da cơ địa nên tắm bằng những loại sữa tắm dịu nhẹ, ít kích ứng và có tính chất dưỡng ẩm, tắm nước không quá nóng và không nên ngâm trẻ quá lâu.
Bác sĩ khuyến cáo, khi thấy trẻ có biểu hiện mẩn đỏ, khô da nhiều ngày không khỏi, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và xác định căn nguyên, điều trị kịp thời, tránh xảy ra biến chứng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.