Làm gì khi trẻ sơ sinh bị tưa lưỡi?

Bệnh nấm lưỡi (thường gọi là tưa lưỡi) là một bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vậy tưa lưỡi là gì? Tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không? Và làm gì để xử lý hiện tượng tưa lưỡi cho bé? Đánh tưa lưỡi có thực sự giải quyết được tình trạng nấm lưỡi không? Bài viết này sẽ giải đáp các câu hỏi trên.

1. Tưa lưỡi là gì?

Tưa lưỡi hay còn gọi là bệnh nấm lưỡi là tình trạng niêm mạc miệng, lưỡi, họng và có thể là cả thực quản bị nhiễm nấm candida gây nên tình trạng xuất hiện những màng giả mạc màu trắng bám chắc trên bề mặt lưỡi họng, khó bong ra khi lau rửa gây đau rát, chảy máu khi cọ xát.

Bệnh nấm lưỡi có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và những người nhiều tuổi.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh:

  • Có hệ thống miễn dịch bị suy yếu, có thể là bẩm sinh hoặc do mắc các bệnh lý về hệ miễn dịch như HIV, ung thư...;
  • Đang sử dụng kháng sinh hay corticoid để điều trị bệnh;
  • Mẹ bị nấm vùng bộ phận sinh dục trong thời kỳ mang thai hay bị nấm vú trong thời gian cho con bú;
  • Trẻ thường xuyên bị khô miệng.

Trắc nghiệm: các chỉ số cần chú ý về sự phát triển thể chất của trẻ

Chiều cao, cân nặng của bé ở từng giai đoạn nên là bao nhiêu là bình thường, bao nhiêu là bất thường? Cùng ThS.BS Ma Văn Thấm điểm lại xem bạn đã nắm được các chỉ số phát triển thể chất của bé chưa nhé!

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

Ma Văn Thấm
Ma Văn Thấm
Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa,
Nhi
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

2. Làm gì khi trẻ bị tưa lưỡi?

2.1.Với trường hợp nấm lưỡi nhẹ

Đối với những trường hợp bị tưa lưỡi nhẹ, chưa bắt buộc phải dùng đến thuốc, có thể tiến hành chăm sóc vệ sinh vùng miệng và đánh tưa lưỡi theo tư vấn của bác sĩ thì tình trạng sẽ nhanh chóng được khắc phục. Trong vấn đề vệ sinh cho trẻ bị nấm lưỡi, đánh tưa lưỡi là một trong những kỹ thuật quan trọng giúp bệnh được đẩy lùi một cách nhanh chóng.Các bước đánh tưa lưỡi cho bé:

  • Rửa tay sạch bằng dung dịch sát khuẩn để đảm bảo vô trùng;
  • Cho trẻ nằm cố định trên giường hoặc bế trẻ nếu như trẻ không hợp tác;

Trẻ bị tưa lưỡi luôn thấy khó chịu
Trẻ bị tưa lưỡi luôn thấy khó chịu

  • Sử dụng miếng gạc mềm quấn quanh đầu ngón tay trỏ một lượt hoặc đeo miếng gạc tưa lưỡi dạng ống vô trùng;
  • Nhúng ngón tay có gạc vào dung dịch Nystatin 500.000 đơn vị đã được pha sẵn chuẩn bị trước đó rồi chạm nhẹ vào môi dưới của trẻ để trẻ mở miệng. Đưa nhẹ ngón tay quấn gạc vào mặt trên của lưỡi, lau từ trong ra ngoài một lượt rồi thay miếng gạc khác. Làm lặp lại lần 2 nếu như trẻ có nhiều mảng tưa lưỡi;
  • Thay miếng gạc khác để lau mặt trong 2 bên má, trên vòm miệng, vùng nướu với các vị trí khác trong khoang miệng của trẻ;

Lưu ý khi đánh tưa lưỡi cho trẻ:

  • Không để các tưa rơi vào miệng trẻ, không đưa ngón tay vào quá sâu sẽ gây kích thích cổ họng, nôn trớ, thậm chí tổn thương họng;
  • Đánh tưa lưỡi bằng dung dịch chứa hoạt chất chống nấm, hoặc dung dịch muối NaCl 0,9% ngày 4 lần;
  • Rơ lưỡi bằng thuốc cho trẻ trước mỗi bữa ăn 30 phút để tránh trẻ bị nôn trớ;
  • Không sử dụng mật ong để đánh tưa lưỡi cho trẻ dưới 12 tháng tuổi;
  • Không tự ý đánh tưa lưỡi cho trẻ bằng thuốc khi chưa có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ;
  • Không cậy tưa lưỡi bằng mọi hình thức vì sẽ gây chảy máu, có thể có nguy cơ nhiễm khuẩn;

Ở những trường hợp trẻ bị nấm lưỡi ở mức độ nhẹ có thể dùng nước muối sinh lý hoặc dung dịch iod povidine 1% để súc miệng hằng ngày. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa biết súc miệng, mẹ sử dụng gạc thấm dung dịch để lau sạch khoang miệng cho trẻ hàng ngày nhất là sau khi ăn.

2.2.Điều trị dùng thuốc

Tưa lưỡi là do nấm gây ra nên khi điều trị những trường hợp nấm nặng cần phải sử dụng các dòng thuốc kháng nấm với liều lượng phù hợp với lứa tuổi cũng như tình trạng bệnh hiện tại. Các thuốc phổ biến được sử dụng để điều trị nấm lưỡi như nystatin, mycostatin, miconazol,...

  • Nystatin:
    • Là thuốc kháng nấm rất tốt và an toàn ở những trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị nấm lưỡi;
    • Thời gian điều trị dùng liên tục trong 7 ngày bằng cách rơ miệng cho trẻ;
    • Liều sử dụng: Dạng viên bao đường 500.000 đơn vị, mỗi lần dùng 1/5 viên pha với 1ml nước muối sinh lý NaCl 0,9% hoặc nước nấu chín để nguội. Sau đó dùng miếng gạc sạch quấn quanh ngón tay trỏ đánh tưa lưỡi cho trẻ.
  • Miconazol:
    • Thuộc nhóm thuốc imidazol tổng hợp, có tác dụng chống nhiều loại nấm khác nhau.
    • Cách dùng: bôi tại chỗ dưới dạng gel rơ miệng có nồng độ 2%.
    • Lưu ý khi sử dụng miconazol:

Điều trị dùng thuốc cho trẻ bị tưa lưỡi
Điều trị dùng thuốc cho trẻ bị tưa lưỡi

  • Không dùng với trường hợp trẻ bị dị ứng với miconazol hay có bệnh lý về gan;
  • Tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc: rối loạn tiêu hóa (nôn, buồn nôn, đôi khi bị tiêu chảy) viêm gan, mẩn ngứa...;
  • Dùng một lượng gel vừa phải để tránh tắc nghẽn ở cổ họng của trẻ gây nghẹt thở;
  • Hỏi bác sĩ khi trẻ có đang sử dụng kèm các loại thuốc khác.

Với những trường hợp nhiễm nấm nặng, trẻ bỏ bú và đau nhiều, bị nấm trên diện rộng, cần kết hợp sử dụng kháng nấm toàn thân bằng đường uống như fluconazole hoặc itraconazole.

Lưu ý khi điều trị thuốc:

  • Không được cố cậy tưa lưỡi bằng mọi hình thức vì sẽ gây tổn thương chảy máu;
  • Sau khi đã điều trị ổn, do bệnh dễ tái phát nên phải tiếp tục rơ lưỡi cho trẻ trong ít nhất 2 ngày, vệ sinh miệng thường xuyên cho trẻ;
  • Nên điều trị cho cả mẹ và bé trong quá trình điều trị;

Tưa lưỡi không phải là một bệnh lý nguy hiểm nhưng nếu kéo dài không điều trị sẽ gây ảnh hưởng đến các bộ phận xung quanh đặc biệt ở vùng hầu họng và hệ tiêu hóa. Trong điều trị bệnh nấm lưỡi, ngoài việc dùng thuốc, vấn đề vệ sinh cũng giữ vai trò quan trọng không kém. Vệ sinh đúng cách, đánh tưa lưỡi đúng kỹ thuật kết hợp với dùng thuốc theo đúng chỉ định bác sĩ thì sức khỏe của bé sẽ luôn được đảm bảo.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe