Răng sữa được hình thành trong những năm đầu đời, có chức năng giúp trẻ thực hiện hoạt động nhai nuốt, nhằm đảm bảo cung cấp chất dinh dưỡng cho quá trình phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nếu trẻ không vệ sinh răng miệng tốt và có thói quen xấu có thể ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng và làm cho răng sữa bị mòn. Vậy, cha mẹ cần làm gì để phòng tránh và điều trị trị khi răng sữa của trẻ bị mòn?
1. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mòn chân răng sữa ở trẻ
Răng sữa mọc khi trẻ bắt đầu bước vào khoảng 6 tháng tuổi, sau đó răng sữa sẽ hoàn thiện dần trong những năm tiếp theo với vai trò giúp trẻ ăn uống và học nói dễ dàng hơn. Ngoài ra, răng sữa mọc còn có vai trò định hình cung hàm, giữ vị trí để răng vĩnh viễn mọc lên đúng và đủ. Do vậy dù là răng sữa nhưng trẻ vẫn cần chăm sóc răng miệng tốt ngay từ những ngày đầu tiên.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mòn chân răng sữa, đồng thời làm mất dần lớp men răng bọc bên ngoài của răng sữa khiến trẻ dễ có nguy cơ cao bị sâu răng sữa hơn. Trong đó, nguyên nhân thường gặp của tình trạng sâu răng sữa do vệ sinh răng miệng kém, trẻ lười đánh răng hoặc cha mẹ không chú ý giám sát trẻ đánh răng.
Ngoài ra, việc trẻ sử dụng nhiều thực phẩm, đồ uống có hàm lượng acid cao cũng là nguyên nhân khiến men răng sữa bị mòn. Những trẻ bị mòn răng ở trẻ em thường bị thiếu florua - một khoáng chất tự nhiên giúp tăng cường men răng, ngăn ngừa ăn mòn răng và sâu răng.
2. Dấu hiệu nhận biết tình trạng mòn chân răng sữa ở trẻ
Tình trạng ăn mòn chân răng sữa ở trẻ nhỏ thường xảy ra trong một thời gian dài. Giai đoạn đầu rất khó để nhận biết bằng mắt thường với những chiếc răng sữa bị mòn. Khi mòn chân răng sữa đã thấy rõ thì thường men răng sữa đã bị ăn mòn nhiều, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và sức khỏe răng miệng. Do vậy, các chuyên gia khuyên rằng khi trẻ vừa mọc chiếc răng sữa đầu tiên, cha mẹ nên đưa trẻ tới bác sĩ nha khoa để được kiểm tra cũng như được hướng dẫn cách chăm sóc răng cho trẻ thật tốt.
Một vài dấu hiệu cho thấy răng sữa của trẻ bị mòn như:
- Đau răng: men răng sữa mòn khiến răng không còn lớp bảo vệ tốt. Chân răng sữa mòn còn ảnh hưởng đến vùng nướu xung quanh dẫn đến đau răng.
- Xỉn màu ở bề mặt răng sữa. Tại vị trí răng sữa bị mòn, lớp men răng mất đi lộ ra dải màu trắng xỉn nằm ở vị trí bề mặt răng sữa gần đường viền nướu. Khi tình trạng mòn răng sữa nặng hơn, dải màu trắng xỉn màu này sẽ chuyển sang màu vàng, màu nâu hoặc thậm chí là màu đen. Điều này cho thấy mòn răng sữa còn đang tiến triển thành sâu răng.
- Răng sữa nhạy cảm hơn. Men răng sữa bị mòn khiến răng sữa trở nên nhạy cảm hơn, trẻ cảm thấy đau buốt khó chịu nhiều hơn nếu ăn thức ăn hoặc uống nước quá lạnh hoặc nóng.
- Nướu răng sữa bị sưng tấy. Bên cạnh răng sữa bị mòn thấy rõ, nướu răng sữa quanh răng cũng bị ảnh hưởng trở nên sưng tấy, thậm chí là chảy máu.
3. Răng sữa của trẻ bị mòn phải làm thế nào?
Răng sữa của trẻ bị mòn cần điều trị để khắc phục các triệu chứng bệnh cũng như ngăn ngừa tình trạng này tiếp tục tiến triển. Phương pháp điều trị mòn răng ở trẻ còn phụ thuộc vào mức độ răng bị ăn mòn. Cha mẹ nên đưa trẻ đến nha sĩ để được thăm khám, hướng dẫn điều trị thích hợp.
Trong trường hợp răng sữa mới bị ăn mòn nhẹ, phương pháp điều trị phù hợp có thể áp dụng bao gồm: sử dụng kem đánh răng có chứa fluor, tái khoáng hóa men răng và ngà răng, bạc diamin florua, dùng nước súc miệng,...
Bên cạnh các biện pháp điều trị khắc phục tại chỗ răng sữa bị mòn, men răng sữa có thể hồi phục tạo thành lớp bảo vệ răng sữa qua các biện pháp phòng ngừa đồng thời sử dụng florua. Các biện pháp phòng ngừa tình trạng mòn răng sữa ở trẻ:
- Không nên cho trẻ ngậm bình sữa khi ngủ như thế có thể làm cho mảng bám được hình thành và phá huỷ răng sữa của trẻ. Nếu trẻ khó ngủ, có thể cho trẻ sử dụng núm vú giả
- Sau khi trẻ bú xong, cha mẹ nên cho trẻ uống nước và dùng khăn ẩm, hoặc gạc chuyên dụng để làm sạch nướu, răng cho trẻ.
- Vệ sinh núm vú giả thường xuyên để tránh nhiễm khuẩn đường miệng cho trẻ.
- Không sử dụng đồ uống ngọt cùng với sữa để trẻ uống.
- Hạn chế cho trẻ uống nước ngọt, nước hoa quả đóng sẵn bời những loại thực phẩm này có hàm lượng đường và acid cao.
- Trẻ nên được hướng dẫn uống bằng cốc sớm và có thói quen uống nước thường xuyên, nhất là uống nước súc miệng sau khi ăn và uống sữa để giúp cho răng miệng được sạch, không tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
- Cha mẹ có thể hướng dẫn hoặc làm vệ sinh răng miệng cho trẻ từ sớm. Với trẻ từ 6 tháng tuổi có thể dùng khăn ướt hoặc bàn chải đánh răng mềm để vệ sinh răng miệng cho trẻ. Còn với trẻ lớn hơn từ 18 tháng tuổi nên được học cách chải răng nhẹ nhàng với bàn chải mềm và kem đánh răng chứa florua.
- Ngoài việc thực hiện đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, trẻ cần được vệ sinh tốt đường viền nướu cũng như sử dụng chỉ nha khoa làm sạch mảng bám ở các kẽ răng.
- Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám nha sĩ định kỳ 6 tháng/lần. Với trẻ bị mòn chân sữa răng đang điều trị thì nên đi khám thường xuyên hơn để kiểm tra quá trình tiến triển của bệnh.
Răng sữa của trẻ bị mòn có ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn hay không? Dù là răng sữa bị mòn hay bị sâu thì răng vĩnh viễn vẫn mọc bình thường, nhưng sẽ gặp nguy cơ răng vĩnh viễn mọc lệch hoặc mọc sai vị trí rất cao. Vì vậy, ngay từ đầu cha mẹ cần có kế hoạch chăm sóc răng sữa cho trẻ thật tốt để tạo điều kiện thuận lợi cho răng vĩnh viễn mọc đều đẹp.
Để được tư vấn chi tiết răng sữa của bé bị mòn phải làm thế nào? Tốt nhất cha mẹ nên cho trẻ đến cơ sở nha khoa để được thăm khám cụ thể. Với những trường hợp trẻ phát hiện sớm tình trạng mòn răng sữa thì có thể hồi phục men răng cho trẻ bằng sử dụng florua và các biện pháp chăm sóc phù hợp. Còn với trường hợp răng của trẻ bị nghiêm trọng hơn, bác sĩ cũng sẽ tư vấn lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.