Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hồng Phúc - Bác sĩ Hồi Sức cấp cứu, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong Hồi Sức cấp cứu.
Không chỉ là một bộ phận của hệ miễn dịch, lá lách còn đóng vai trò tạo ra kháng thể chống lại vi khuẩn, virus tấn công cơ thể. Lách to là dấu hiệu cơ thể đang bị nhiễm trùng. Bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng nên rất khó chẩn đoán.
1. Lá lách là gì?
Lá lách là một cơ quan nhỏ, nằm ở vị trí ngay dưới lồng xương sườn trên bên trái của bụng. Đây là bộ phận nhỏ, kích thước lá lách của mỗi người là không giống nhau. Thông thường một lá lách dài khoảng 7 – 14cm nặng khoảng 200g, kích thước tựa bàn tay và có màu đỏ thẫm.
Lá lách bao gồm các bộ phận: lớp vỏ bao bọc bên ngoài; thân. Bên trong thân có tủy đỏ chứa các mô liên kết và mạch máu. Tủy đỏ của lá lách có tác dụng lọc máu, thay thế các tế bào hồng cầu già. Bên trong tủy đỏ có tủy trắng với nhiệm vụ tạo ra kháng thể.
Lá lách là một cơ quan quan trọng của hệ miễn dịch, có vai trò tạo ra hoặc nuôi dưỡng các tế bào lympho B, lympho T và tế bào máu. Máu khi đi vào lá lách qua động mạch lách sẽ được chia nhỏ thành nhiều nhánh. Mỗi nhánh này được bao bọc bởi một nang bạch huyết. Tức là mỗi một giọt máu đi vào bên trong lá lách sẽ được loại bỏ mầm bệnh, tác nhân lạ.
Lá lách thực hiện nhiều chức năng quan trọng như:
- Lọc máu
- Lưu trữ những sản phẩm như sắt còn sót lại hữu ích khi tế bào hồng cầu bị phá vỡ.
- Lưu trữ máu
- Đóng vai trò quan trọng trong phản ứng miễn dịch.
- Lưu trữ bạch cầu lympho.
- Loại bỏ tiểu cầu cũ khỏi máu và hoạt động giống như một hồ chứa cho tiểu cầu.
- Tạo hồng cầu cho thai nhi, sau khi trẻ ra đời thì chức năng này được dừng lại.
Với nhiều vai trò quan trọng như vậy, nhưng con người có thể sống khi cắt bỏ lá lách.
2. Nguyên nhân của lách to
Lách to hay còn gọi là cường lách xảy ra do một số vấn đề từ các bệnh nhiễm trùng gan, bệnh tật và một số bệnh ung thư. Sự bất thường của lá lách khiến nó to lên có thể nặng đến 2kg, thậm chí nặng hơn. Các nguyên nhân gây ra lách to có thể kể đến như:
- Bạch cầu đơn thân do phản ứng nhiễm virus
- Lá lách bị nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra các bệnh như: giang mai, viêm nội tâm mạc
- Nhiễm ký sinh trùng gây ra các bệnh về lá lách
- Các bệnh lý về gan như: xơ gan
- Các loại thiếu máu tán huyết, tiêu hủy sớm của tế bào hồng cầu.
- Ung thư máu
- Rối loạn chuyển hóa.
Ngoài ra, lách to còn do một số bệnh khác gây ra như:
- Lá lách phụ
- Tăng lách – Splenomegaly: Nguyên nhân của bệnh tăng lách có thể do ung thư máu, nhiễm trùng, bệnh gan. Khi lá lách hoạt động quá sức dẫn đến phá hủy tế bào tiểu cầu, hồng cầu.
- Lá lách dập hoặc vỡ: Lá lách là bộ phận rất dễ tổn thương, khi người bệnh bị tai nạn hay chấn thương mạnh, lá lách cũng có thể bị dập hoặc vỡ.
- Sốt rét do tình trạng nhiễm ký sinh trùng cũng làm lá lách sưng lên.,
- Giảm tiểu cầu
- Hồng cầu hình liềm
- Nhồi máu lách (splenic infarction)
- Ung thư lá lách
Lách to có thể xảy ra ở bất kì ai, độ tuổi nào nhưng có một nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn như:
- Trẻ em và thanh thiếu niên với bệnh truyền nhiễm
- Người gốc Phi, người có thể phát triển lách to như là một biến chứng của bệnh hồng cầu hình liềm - rối loạn máu di truyền.
- Người gốc Do Thái Ashkenazi, người có nguy cơ cao mắc bệnh Gaucher, Niemann - Pick và các rối loạn chuyển hóa di truyền ảnh hưởng đến gan và lá lách.
- Khách du lịch đến các khu vực có dịch bệnh sốt rét.
3. Các triệu chứng của lách to
Các triệu chứng của lách to thường không rõ ràng, nhưng phần lớn người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng như:
- Đau bụng trên bên trái có thể lan lên vai trái.
- Đầy bụng
- Thiếu máu
- Mệt mỏi
- Thường xuyên bị nhiễm trùng
- Dễ chảy máu
Lá lách thực hiện nhiều vai trò và có thể dễ dàng bị tổn thương. Lách to ảnh hưởng đến mỗi một trong các chức năng quan trọng. Thông thường, lá lách có vai trò sản xuất các tế bào bạch huyết nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng, chống lại tác nhân gây bệnh xâm nhập. Giúp đông máu bằng cách tập hợp tế bào hồng cầu và tiểu cầu.
Nhưng khi lá lách to hơn, nó bắt đầu lọc các tế bào hồng cầu bình thường cũng như những bất thường, giảm số lượng các tế bào khỏe mạnh trong máu. Các tế bào hồng cầu và tiểu cầu vượt quá có thể làm tắc nghẽn lá lách, cản trở hoạt động bình thường.
Lách to nếu không được chẩn đoán và điều trị sẽ xảy ra các biến chứng như:
- Nhiễm trùng, thiếu máu và tăng tan huyết.
- Vỡ lá lách: Đây là biến chứng rất dễ xảy ra, vỡ lách có thể gây chảy máu ổ bụng và đe dọa tính mạng.
4. Chẩn đoán lách to
Khi phát hiện bất thường nào lá lách, bác sĩ có thể thực hiện chẩn đoán. Ban đầu bác sĩ sẽ thực hiện hỏi về lịch sử các triệu chứng người bệnh gặp phải, kiểm tra vùng bụng trên bên trái, ngay dưới lồng xương sườn. Để có kết quả về tình trạng lá lách chính xác, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm như:
- Xét nghiệm máu: Với xét nghiệm công thức máu kiểm tra số lượng tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu trong hệ thống.
- Siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT scan) cho phép chẩn đoán hình ảnh, xác định kích thước của lá lách.
- Cộng hưởng từ (MRI).
Ngoài ra, trong một số trường hợp, người bệnh được yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm như: xét nghiệm chức năng gan và tủy xương, sinh thiết tủy xương... để xác định nguyên nhân gây bệnh.
Nếu không tìm thấy nguyên nhân gây lách to, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt bỏ lá lách. Sau khi phẫu thuật cắt bỏ, lá lách được kiểm tra dưới kính hiển vi để kiểm tra ung thư hạch có thể có của lá lách.
4. Phương pháp điều trị lách to
Dù lá lách đóng vai trò quan trọng trong cơ thể nhưng con người có thể sống khi cắt bỏ lá lách. Do vậy, trong trường hợp, lách to gây ra các biến chứng mà không thể điều trị được thì cắt bỏ lá lách được coi là phương pháp điều trị ưu việt.
Tuy nhiên, sau khi cắt bỏ lá lách người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng về nhiễm trùng gây nguy hiểm cho tính mạng. Do vậy, phương pháp xạ trị nhằm thu nhỏ lá lách sẽ hạn chế được tình trạng nhiễm trùng lá lách sau phẫu thuật.
Nhiễm trùng sau phẫu thuật khiến quá trình điều trị lách to không đem lại hiệu quả, thậm chí gây ra các biến chứng khôn lường. Vì vậy, thực hiện các biện pháp ngăn ngừa và giảm nguy cơ nhiễm trùng lá lách sau phẫu thuật là rất cần thiết. Dưới đây là một số biện pháp giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng sau phẫu thuật cắt bỏ lá lách:
- Một loạt các chủng ngừa cả trước và sau khi cắt lách như: vắc xin phế cầu khuẩn (Pneumovax), viêm màng não và Haemophilus influenzae (Hib), bảo vệ chống lại bệnh viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng máu, xương và khớp.
- Sử dụng kháng sinh
- Tránh dịch sốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.