Kinh nguyệt thưa - biểu hiện của buồng trứng đa nang?

Kinh nguyệt thưa là một trong những biểu hiện phổ biến của hội chứng buồng trứng đa nang, một bệnh lý nội tiết ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ. Việc nhận diện sớm kinh nguyệt thưa giúp chị em phụ nữ chủ động trong việc kiểm soát sức khỏe sinh sản và tìm phương pháp điều trị phù hợp.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Thành - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

1. Kinh nguyệt thưa là gì?  

Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ kéo dài từ 21 đến 35 ngày. Tuy nhiên, không ít trường hợp gặp phải tình trạng chu kỳ kéo dài trên 35 ngày, thậm chí có khi vài tháng mới có kinh một lần. Đây là hiện tượng kinh nguyệt thưa, một dạng rối loạn kinh nguyệt khá phổ biến.

Khi xuất hiện kinh nguyệt thưa, nhiều chị em thường lo lắng rằng liệu tình trạng này có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không, hay liệu có thể có con được không và có cần điều trị không?

Với những trường hợp trong độ tuổi dậy thì, nếu chu kỳ kinh nguyệt thưa chỉ xảy ra trong 1 - 2 năm đầu, thì đây là điều bình thường, vì cơ thể chưa hoàn thiện và chu kỳ sẽ dần ổn định theo thời gian. Tuy nhiên, khi đã có kinh nguyệt hơn hai năm mà vẫn xuất hiện tình trạng kinh nguyệt thưa và những bất thường khác trong chu kỳ kinh nguyệt, người phụ nữ nên chú ý và tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này. Điều này giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị kinh nguyệt thưa hiệu quả. 

Rối loạn kinh nguyệt là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ.
Rối loạn kinh nguyệt là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ.

2. Kinh nguyệt thưa có con được không?

Kinh nguyệt thưa có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ, nhưng không có nghĩa là không thể mang thai. Kinh nguyệt thưa thường làm giảm khả năng thụ thai, đặc biệt khi nguyên nhân là do số lần rụng trứng ít. Nếu không có sự rụng trứng trong chu kỳ kinh nguyệt, thì quá trình thụ thai sẽ không thể diễn ra.

Một trong những nguyên nhân phổ biến gây kinh nguyệt thưa là hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), bệnh lý này làm rối loạn sự rụng trứng và có thể dẫn đến hiếm muộn hoặc vô sinh. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa, phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt thưa từ 25 đến 35 tuổi vẫn có khoảng 60% khả năng mang thai tự nhiên. Những trường hợp còn lại có thể cần sự can thiệp của các phương pháp hỗ trợ sinh sản.

Với phụ nữ bị mắc hội chứng PCOS, khả năng mang thai tự nhiên có thể giảm và việc điều trị thường đòi hỏi thời gian dài, từ vài tháng đến vài năm, để ổn định chu kỳ và tăng cơ hội có con. 

Trắc nghiệm: Sự hiểu biết của bạn về kinh nguyệt

Kinh nguyệt có vai trò quan trọng đối với sức khỏe sinh sản, do đó nữ giới cần chủ động trang bị kiến thức để theo dõi và kiểm soát tình trạng sức khỏe. Bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về chu kỳ kinh nguyệt của bản thân.
Rối loạn kinh nguyệt (kinh nguyệt thưa, vô kinh,...) là những biểu hiện thường gặp khi mắc buồng trứng đa nang.
Rối loạn kinh nguyệt (kinh nguyệt thưa, vô kinh,...) là những biểu hiện thường gặp khi mắc buồng trứng đa nang.

3. Buồng trứng đa nang là gì?  

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một rối loạn nội tiết, là nguyên nhân phổ biến gây vô sinh do trứng không rụng hoặc rối loạn phóng noãn.

Bệnh này ảnh hưởng đến khoảng 7-10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và thường bắt đầu xuất hiện vào tuổi dậy thì, nhưng cũng có thể xuất hiện ở phụ nữ từ 20 đến 25 tuổi.

Phụ nữ mắc PCOS thường có nồng độ TestosteroneLH (hormone luteinizing) tăng cao bất thường. Những hormone này làm gián đoạn quá trình phát triển của nang noãn. Kết quả là buồng trứng có nhiều nang nhỏ (6-10 nang có kích thước dưới 10mm) vì nang noãn không thể phát triển, khiến trứng không trưởng thành và không rụng được.

4. Nguyên nhân gây hội chứng buồng trứng đa nang  

Nguyên nhân buồng trứng đa nang hiện vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, hội chứng này thường đi kèm với các vấn đề sinh sản như tăng androgen máu và rối loạn rụng trứng. Đồng thời, người bệnh cũng gặp phải các rối loạn chuyển hóa như kháng insulin và béo phì. Sự kết hợp giữa các yếu tố này khiến khó xác định nguyên nhân nào là yếu tố chính, vì các vấn đề này có thể ảnh hưởng lẫn nhau, làm cho PCOS trở nên phức tạp và không có một nguyên nhân đơn lẻ nào giải thích được tất cả những bất thường của bệnh của bệnh.

5. Dấu hiệu của buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang được đặc trưng bởi các triệu chứng cường androgen (tăng hormone nam) trên lâm sàng và/hoặc qua xét nghiệm sinh hóa, cùng với hiện tượng không rụng trứng mạn tính. Hầu hết các biểu hiện của PCOS xuất hiện ở thời điểm dậy thì và có mức độ nghiêm trọng khác nhau, từ tình trạng rậm lông nhẹ đến các vấn đề về kinh nguyệt như kinh nguyệt thưa, vô kinh và thậm chí là vô sinh. Vô sinh thường là lý do khiến bệnh nhân tìm đến bác sĩ để được khám và điều trị.

5.1 Rối loạn kinh nguyệt

Bất thường chu kỳ kinh nguyệt là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để xác định hội chứng buồng trứng đa nang và có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Các vấn đề về kinh nguyệt phổ biến trong hội chứng này bao gồm kinh nguyệt thưa (dưới 8 lần mỗi năm hoặc chu kỳ dài hơn 35 ngày), kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh.

Phụ nữ mắc hội chứng thường có nồng độ estrogen bình thường nhưng thiếu progesterone. Điều này dẫn đến sự tăng sản nội mạc tử cung, gây ra hiện tượng chảy máu tử cung bất thường do sự kích thích của estrogen kéo dài, làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Một số ít phụ nữ mắc PCOS (khoảng 24%) có thể bị vô kinh thứ phát, họ sẽ có nồng độ estrogen thấp hơn, nồng độ testosterone và androgen tự do cao hơn và đáp ứng với điều trị kém hơn.

5.2 Vô sinh

Phụ nữ mắc hội chứng PCOS có thể gặp khó khăn trong việc thụ thai do rối loạn rụng trứng, khiến quá trình rụng trứng không diễn ra đều đặn. Nếu mang thai, những phụ nữ này cũng đối mặt với nguy cơ cao bị các vấn đề như tăng huyết áp do thai nghén, tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, sảy thai và sinh non. Một nhóm phụ nữ mắc hội chứng có thể không rụng trứng liên tục và gặp phải tình trạng vô sinh.

5.3 Béo phì

Béo tạng trung tâm (béo bụng) ảnh hưởng đến 40% đến 50% phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Mặc dù béo phì không phải là yếu tố khởi phát của hội chứng, nhưng lại là yếu tố nguy cơ độc lập đối với các biến chứng về sinh sản và chuyển hóa. Kiểu hình cơ thể béo bụng (tăng tỷ số eo-hông) có liên quan đến nguy cơ kháng insulin cao hơn và đã có nghiên cứu cho thấy cả phụ nữ mắc hội chứng có béo phì hay gầy đều có nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường type 2.

5.4 Tăng insulin máu và kháng insulin

Tăng insulin máu và kháng insulin có thể xảy ra ngay cả ở những phụ nữ không bị béo phì. Nhưng tình trạng này xuất hiện có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của PCOS.

Phụ nữ mắc hội chứng dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe như:

  • Vô sinh hiếm muộn do rối loạn rụng trứng.
  • Đái tháo đường, chủ yếu là đái tháo đường type 2, do rối loạn điều hòa hormone estrogen và insulin trong cơ thể.
  • Tăng huyết áp.
  • Mỡ trong máu cao, đặc biệt là mỡ xấu (LDL-cholesterol), dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ cao hơn.
Nếu có những biểu hiện nêu trên, chị em cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và tư vấn cụ thể
Nếu có những biểu hiện nêu trên, chị em cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và tư vấn cụ thể

6. Điều trị buồng trứng đa nang như thế nào?  

Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho hội chứng buồng trứng đa nang và phương pháp điều trị thường thay đổi tùy thuộc vào mục tiêu điều trị: giảm triệu chứng cường androgen hoặc điều trị vô sinh.

  • Một trong những biện pháp quan trọng trong điều trị là giảm cân.
  • Ngoài ra, thuốc kích thích sự phát triển nang noãn có thể được sử dụng để hỗ trợ quá trình rụng trứng. Trong một số trường hợp, mổ nội soi đốt điểm trên bề mặt buồng trứng có thể được thực hiện bên cạnh cái phương pháp điều trị nội khoa.
  • Nếu các phương pháp điều trị này không hiệu quả, bác sĩ có thể tư vấn sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Hội chứng buồng trứng đa nang là một tình trạng phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, thường gây kinh nguyệt thưa, rậm lông và béo phì. Đối với những phụ nữ chưa có gia đình và chỉ gặp tình trạng kinh nguyệt thưa, việc theo dõi định kỳ mỗi 6 tháng hoặc 1 năm là đủ. Tuy nhiên, nếu đã kết hôn và sau 1-2 năm chưa có con, bệnh nhân nên đi khám để được tư vấn điều trị, nhưng không cần quá lo lắng vì tình trạng này có thể điều trị hiệu quả. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ