Kiểm tra thính giác cho trẻ em

Các bài kiểm tra thính giác định kỳ được cung cấp cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể giúp phát hiện sớm bất kỳ vấn đề nào trong quá trình phát triển của chúng. Mặc dù các vấn đề nghiêm trọng về thính lực trong thời thơ ấu của trẻ là rất hiếm khi xảy ra, nhưng việc xét nghiệm sớm có thể đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời các tình trạng về thính giác cho trẻ.

1. Tầm quan trọng của kiểm tra thính giác cho trẻ em

Các bài kiểm tra thính giác có thể được thực hiện ngay sau khi sinh nhằm giúp chẩn đoán các tình trạng mất thính lực đáng kể ở trẻ em cũng như phát hiện ra bất kỳ vấn đề thính giác nào đang trở nên tồi tệ hơn.

Việc kiểm tra thính lực cho bé định kỳ có thể giúp phát hiện ra sớm một vấn đề về thính giác không được chẩn đoán trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm ở trẻ. Do đó, bạn nên cho trẻ đi kiểm tra thính giác càng sớm càng tốt vì những tình trạng phát hiện muộn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ, lời nói, các kỹ năng xã hội và học tập của trẻ.

2. Khi nào nên cho trẻ đi kiểm tra thính giác?

Khả năng nghe của trẻ có thể được kiểm tra theo các mốc sau đây:

  • Trong vòng 2 tuần đầu sau khi sinh: Đây được gọi là kiểm tra thính giác trẻ sơ sinh, thường được thực hiện trước khi bạn xuất viện sau khi sinh con.
  • Trẻ từ 9 tháng – 2.5 tuổi: Trong quá trình đánh giá sức khoẻ cũng như sự phát triển của trẻ trong độ tuổi này, bạn nên cho trẻ đi khám thính giác nhằm kiểm tra bất kỳ vấn đề thính lực nào có thể làm cản trở đến sự phát triển của trẻ.
  • Trẻ từ 4 – 5 tuổi: Hầu hết trẻ em sẽ được kiểm tra thính giác khi chúng bắt đầu đi học. Các bài kiểm tra này có thể được tiến hành ngay tại trường học hoặc phòng khám tai mũi họng.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng có thể kiểm tra thính lực cho bé vào bất kỳ thời điểm nào mà bạn cảm thấy lo ngại. Tốt nhất, hãy trao đổi với bác sĩ đa khoa nếu bạn lo lắng về khả năng nghe của con mình.


Kiểm tra thính giác trẻ sơ sinh được thực hiện trong vòng 2 tuần đầu sau khi sinh
Kiểm tra thính giác trẻ sơ sinh được thực hiện trong vòng 2 tuần đầu sau khi sinh

3. Các bài kiểm tra thính lực cho trẻ em

Dưới đây là những bài kiểm tra thính giác phổ biến dành cho trẻ sơ sinh, trẻ em và trẻ nhỏ, bao gồm:

3.1.Đo thính lực củng cố thị giác (VRA)

VRA thường được sử dụng để kiểm tra thính lực cho bé từ 6 tháng đến 2 tuổi rưỡi. Trong quá trình đo thính lực củng cố thị giác, trẻ sẽ được dạy cách liên kết âm thanh với các phần thưởng trực quan, chẳng hạn như màn hình máy tính sáng hay đồ chơi.

Khi trẻ có thể liên kết âm thanh với phần thưởng trực quan, âm lượng và cao độ của âm thanh sẽ thay đổi để xác định được những âm thanh yên tĩnh nhất mà trẻ có thể nghe được.

3.2.Đo thính lực khi chơi

Trẻ nhỏ từ 1.5 – 5 tuổi có thể được kiểm tra thính giác khi chơi. Trong quá trình kiểm tra, âm thanh sẽ được phát qua tai nghe hoặc loa, sau đó trẻ sẽ được yêu cầu thực hiện một nhiệm vụ đơn giản khi chúng nghe thấy các âm thanh, chẳng hạn như đặt bóng vào thùng để hoàn thành một câu đố.

Tương tự như phương pháp VRA, âm lượng và cao độ của âm thanh phát ra sẽ được thay đổi để có thể xác định được âm thanh yên tĩnh nhất mà trẻ có thể nghe thấy.

3.3.Đo thính lực âm thanh thuần tuý

Những trẻ lớn hơn có thể thực hiện đo thính lực âm thanh thuần tuý nhằm kiểm tra thính giác trước khi trẻ bắt đầu đi học. Nó cũng tương tự như một bài kiểm tra thính lực cho người lớn.

Trong quá trình đo thính lực âm thanh thuần tuý, máy sẽ tạo ra âm thanh ở các âm lượng và tần số khác nhau. Âm thanh được phát qua tai nghe và bác sĩ sẽ yêu cầu trẻ trả lời bằng cách nhấn nút khi chúng nghe thấy bằng. Thông qua việc thay đổi mức độ của âm thanh, bác sĩ có thể tìm ra những âm thanh yên tĩnh nhất mà trẻ có thể nghe được.

3.4.Thử nghiệm dẫn truyền âm thanh qua xương

Bên cạnh việc sử dụng tai nghe hoặc loa, hầu hết các thử nghiệm trên cũng có thể được thực hiện bằng cách dùng một thiết bị rung nhỏ đặt ở sau tai. Thiết bị này sẽ truyền âm thanh trực tiếp đến tai thông qua các xương ở đầu, giúp xác định phần nào của tai không hoạt động bình thường nếu trẻ đang có các vấn đề về thính giác.

3.5.Đo màng nhĩ

Đo màng nhĩ là một bài kiểm tra thính giác giúp đánh giá mức độ linh hoạt của màng nhĩ.

Để có thính giác tốt, màng nhĩ của trẻ cần phải linh hoạt để cho phép âm thanh đi qua nó. Nếu màng nhĩ quá cứng do có chất lỏng phía sau (tai keo), nó có thể khiến cho âm thanh bị dội ngược lại thay vì truyền qua màng nhĩ.

Trong quá trình kiểm tra màng nhĩ, bác sĩ sẽ đặt một ống cao su mềm ở lối vào tai của trẻ. Không khí nhẹ nhàng thổi xuống ống và âm thanh được phát qua một chiếc loa nhỏ bên trong ống, sau đó ống đo âm thanh bị dội ngược lại từ tai.


Kiểm tra thính giác giúp phát hiện sớm bất kỳ vấn đề nào về khả năng nghe của trẻ
Kiểm tra thính giác giúp phát hiện sớm bất kỳ vấn đề nào về khả năng nghe của trẻ

4.Nguyên nhân gây ra các vấn đề về thính giác ở trẻ em

Thực tế, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ gặp phải các vấn đề về thính giác, bao gồm mất thính lực tạm thời do cảm lạnh. Ngoài ra, một số nguyên nhân gây mất thính lực khác ở trẻ cũng có thể được phát hiện trong các cuộc kiểm tra thính giác định kỳ, bao gồm:

  • Keo tai: Sự tích tụ nhiều của các chất lỏng trong tai giữa, thường xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ.
  • Tình trạng nhiễm trùng: Phát triển ngay khi trẻ còn trong bụng mẹ hoặc khi sinh, chẳng hạn như cytomegalovirus và rubella, gây mất thính lực tiến triển ở trẻ
  • Các tình trạng di truyền: Chẳng hạn như chứng xơ cứng tai, khiến cho các dây thần kinh thính giác không hoạt động hiệu quả như bình thường.
  • Tổn thương ốc tai hoặc dây thần kinh thính giác: Điều này có thể xảy ra do chấn thương nghiêm trọng ở đầu, phẫu thuật đầu hoặc tiếp xúc với tiếng ồn lớn.
  • Ngạt khi sinh: Trẻ bị thiếu oxy khi sinh.
  • Một số bệnh lý nhất định: Chẳng hạn như viêm não hoặc viêm màng não.

5. Phát hiện các dấu hiệu của vấn đề thính giác ở trẻ

Mặc dù trẻ có thể được kiểm tra thính giác định kỳ khi chúng lớn lên, tuy nhiên các bậc phụ huynh vẫn nên để ý đến các dấu hiệu khi trẻ có sự bất thường về thính lực, bao gồm:

  • Trẻ kém tập trung hoặc thiếu sự chú ý
  • Nói to và nghe ti vi ở âm lượng lớn
  • Không phản hồi khi tên của trẻ được gọi bởi người khác
  • Phát âm sai từ
  • Khó xác định và nhận biết được nơi phát ra âm thanh

Bạn nên trao đổi với bác sĩ đa khoa nếu lo lắng về khả năng thính lực của con mình. Các bài kiểm tra thính lực cho bé có thể được thực hiện ở mọi lứa tuổi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: medlineplus.gov, nhs.uk

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe