Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Sản Phụ Khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Sổ rau là giai đoạn được coi là nguy hiểm nhất trong một cuộc đẻ vì nguy cơ biến chứng xảy ra cao nhất. Kiểm soát tử cung được thực hiện sau khi sổ rau hay sau bóc rau nhân tạo để kiểm tra xem có sót rau hoặc sót màng và sự toàn vẹn của tử cung.
Sót rau hay sót màng dẫn tới băng huyết sau sinh, nhiễm khuẩn hậu sản rất nguy hiểm, nên sản phụ cần được kiểm soát tử cung nếu có nguy cơ sót rau, sót màng.
1. Kiểm soát tử cung là gì?
Kiểm soát tử cung là thủ thuật y khoa được thực hiện sau khi rau đã sổ hoặc ngay sau khi bóc rau nhân tạo để kiểm tra xem có còn sót rau hoặc sót màng, sự toàn vẹn của tử cung và lấy hết máu cục làm sạch tử cung.
2. Khi nào cần kiểm soát tử cung?
Kiểm soát tử cung được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Sản phụ chảy máu đỏ tươi sau khi sổ rau.
- Kiểm tra rau thấy nghi ngờ còn sót một phần của rau, thì cần kiểm soát tử cung để kiểm tra rau còn thiếu rau sau khi sổ.
- Sót màng rau.
- Rau sổ kiểu múi mặt múi ra trước trường hợp sổ rau kiểu này hay gây sót rau, nên cần kiểm soát tử cung.
- Kiểm tra sự toàn vẹn của tử cung xem có vỡ tử cung không sau các thủ thuật khó khăn như: Forceps, nội xoay thai, cắt thai trong trường hợp thai chết trong buồng tử cung...hoặc trên tử cung có sẹo phẫu thuật lấy thai cũ.
Chú ý: Sản phụ đang choáng, phải hồi sức sau đó mới kiểm soát tử cung.
3. Các bước kiểm soát tử cung
3.1 Chuẩn bị
- Vật tư y tế: Găng vô khuẩn, khăn vô khuẩn, thông tiểu, sát khuẩn.
- Thuốc: Hồi sức, trợ tim đề phòng choáng, thuốc co bóp tử cung
- Sản Phụ: Giải thích cho sản phụ hiểu, động viên sản phụ nên nằm thoải mái, không co cứng thành bụng , được dùng thuốc giảm đau và sát khuẩn âm hộ.
- Nhân viên y tế: Y sỹ hay bác sỹ sản khoa rửa tay, đội mũ, đeo găng vô khuẩn.
3.2 Các bước tiến hành
Nếu kiểm soát tử cung sau khi bóc rau nhân tạo: sau khi bóc rau, không rút bàn tay phải ra khỏi tử cung âm đạo, mà dùng luôn bàn tay đó để kiểm soát tử cung.
Bước 1: Một tay đặt trên bụng giữ đáy tử cung, mục đích để cố định tử cung.
Bước 2:
- Tay còn lại cho vào âm đạo, qua cổ tử cung, vào buồng tử cung tới tận
đáy tử cung, rồi kiểm tra lần lượt: Đáy tử cung, mặt trước, mặt sau, hai bờ và hai sừng tử cung bằng các đầu ngón tay. Bình thường, buồng tử cung không sần sùi. Nếu thấy các mảnh rau, màng rau thì vét nhẹ nhàng, đồng thời kiểm tra xem tử cung rạn nứt không. Sau khi kiểm tra và lấy hết rau còn sót mới rút tay ra tránh đưa tay vào nhiều lần dễ choáng và nhiễm khuẩn và tăng nguy cơ choáng cho thai phụ.
- Trường hợp nếu không thể cho tay vào buồng tử cung vì eo tử cung bóp chặt, phải chờ, nong dần cổ tử cung bằng tay, tiêm thuốc giảm co bóp tử cung.
Bước 3: Sau khi kiểm soát nếu tử cung co hồi chưa tốt thì dùng tay trong buồng tử cung nâng đáy tử cung lên sát thành bụng để người phụ tiêm 5 đơn vị Oxytocin vào cơ tử cung qua thành bụng, sau đó mới rút bàn tay ra.
Bước 4: Để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn sau kiểm soát tử cung, sản phụ được chỉ định dùng kháng sinh 5 ngày.
4. Theo dõi và xử lý tai biến sau khi kiểm soát tử cung
- Theo dõi toàn trạng mạch, nhiệt độ, huyết áp của sản phụ.
- Co hồi tử cung, lượng máu và tính chất máu chảy từ tử cung ra.
- Nếu sau khi kiểm soát tử cung vẫn thấy máu đỏ tươi chảy ra từ âm đạo cần kiểm tra những tổn thương ở cổ tử cung, âm đạo, tầng sinh môn, tử cung có co hồi tốt không hay sản phụ có mắc bệnh về rối loạn đông máu không?
- Nếu sản phụ choáng cần xử lý hồi sức tích cực nhanh chóng bằng thuốc và các phương tiện.
Kiểm soát tử cung là cần thiết khi sản phụ bị chảy máu sau khi sổ rau, sót rau, sót màng, trên những người có nguy cơ rách tổn tử cung. Sau thủ thuật sản phụ cần được theo dõi và được xử lý kịp thời những biến cố xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.