Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Trong một số trường hợp đặc biệt, việc sử dụng phương pháp giục sinh là điều cần thiết để tránh những tai biến có thể xảy ra trong quá trình sinh em bé. Đây là phương pháp chỉ được dùng đến khi có chỉ thị của bác sĩ thông qua việc siêu âm, xét nghiệm lâm sàng khi có dấu hiệu bất ổn xảy ra với thai phụ hoặc thai nhi.
1. Kích thích chuyển dạ bằng thuốc là gì?
Kích thích chuyển dạ bằng thuốc hay còn gọi là dục sinh là phương pháp can thiệp bằng thuốc nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dạ để kết thúc thai kỳ thông qua ngả âm đạo.
Hiện có hai phương pháp khởi phát chuyển dạ bằng thuốc chủ yếu và an toàn là truyền oxytocin tĩnh mạch và đặt cerviprim - là một Prostaglandin E2.
Sau khi được tiêm thuốc giục sinh, mẹ bầu sẽ cảm nhận được một số dấu hiệu sau đây:
- Những cơn co thắt mạnh xuất hiện dồn dập và mạnh mẽ, đồng thời những dấu hiệu chuyển dạ khác như đau lưng, chuột rút... ập đến khiến mẹ cảm thấy đau đớn, toát mồ hôi lạnh và khó thở.
- Cổ tử cung của mẹ sẽ mở nhanh hơn và khi đạt đến mức 10cm thì cũng đồng nghĩa với việc em bé đã sẵn sàng ra ngoài.
2. Rủi ro có thể gặp khi giục sinh bằng thuốc
Nhìn chung, các biện pháp giục sinh khá an toàn nhưng nó vẫn có thể gây ra một số rủi ro nhất định:
- Nguy cơ sinh mổ cao: Nếu các phương pháp giục sinh không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ.
- Ở lại bệnh viện lâu hơn: Nếu giục sinh, bạn phải ở lại bệnh viện lâu hơn khi chuyển dạ và sinh nở. Nếu bạn phải sinh mổ sau khi giục sinh thì thời gian ở lại bệnh viện của bạn sẽ càng lâu.
- Con cơ thắt mạnh: Giục sinh có thể khiến các cơn co thắt mạnh và liên tục hơn so với chuyển dạ tự nhiên. Do đó, nhiều khả năng bạn phải gây tê ngoài màng cứng hoặc một số loại thuốc khác để kiểm soát các cơn đau.
- Nhiễm trùng thai nhi: Sau khi dùng thuốc giục sinh, nếu vỡ túi ối có thể dẫn đến nhiễm trùng nếu bạn không sinh trong vòng một hoặc hai ngày.
3. Khi nào nên kích thích chuyển dạ bằng thuốc?
Chỉ định giục chuyển dạ bằng thuốc khi:
- Kích thích chuyển dạ bằng thuốc khi thai phụ quá ngày dự sinh 2 tuần (thai già tháng) nhưng không có dấu hiệu chuyển dạ hoặc có nhưng diễn ra quá chậm.
- Khi túi ối đã vỡ, nhưng cơn chuyển dạ vẫn chưa đến, bạn cần sử dụng thuốc giục sinh để giảm nguy cơ lây nhiễm từ dạ con qua cơ thể bé, đặc biệt là khi màng ối bị rách.
- Người mẹ bị tiền sản giật trong thời gian mang thai có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của cả mẹ, hạn chế máu và chất dinh dưỡng truyền sang cho bé.
- Người mẹ mắc phải bệnh mãn tính hoặc cấp tính như bệnh cao huyết áp, tiểu đường hoặc bệnh về thận.
- Người mẹ bị đa ối hoặc gặp phải một số vấn đề ở tử cung.
- Có những trường hợp khác cần phải sử dụng đến thuốc kích đẻ như thai chậm phát triển hoặc không phát triển; thai bất thường nhiễm sắc thể; thiếu ối mạnh; thai lưu.
Phương pháp giục chuyển dạ bằng thuốc giục sinh chống chỉ định trong trường hợp:
- Khung xương chậu người mẹ hẹp; có sẹo mổ ở tử cung; herpes sinh dục đang hoạt động.
- Những phụ nữ đã từng sinh mổ hoặc đã từng phẫu thuật tử cung trước đây. Các cơn co thắt mạnh có thể khiến nhau thai tách ra khỏi thành tử cung (bong nhau thai).
- Người mẹ có bệnh lý mạn tính trầm trọng, ung thư cổ tử cung.
- Mang đa thai và đã sinh nở nhiều lần.
- Thai nhi có ngôi ngang, ngôi mông, thai to.
- Nhau tiền đạo và nhau bám thấp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.