Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có kinh nghiệm trên 13 năm trong lĩnh vực khám chữa bệnh Sản phụ khoa.
Hiện tượng kích cỡ tinh hoàn bên to bên nhỏ hay bìu to 1 bên có thể gặp ở cả trẻ nhỏ và người trưởng thành. Thực tế một số bộ phận của cơ thể mặc dù có tính đối xứng nhưng có thể có đôi chút khác biệt và không gây nguy hiểm. Tuy nhiên nếu sự chênh lệch tinh hoàn quá lớn và đi kèm với các triệu chứng khác thường như căng tức hoặc đau sưng thì có thể là biểu hiện của một bệnh lý cần được can thiệp.
1. Thế nào là tinh hoàn không đều?
Tinh hoàn không đều là tình trạng kích cỡ tinh hoàn hai bên không bằng nhau có thể do nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý. Tình trạng này khá phổ biến ở trẻ trai với tỷ lệ 1/1000.
Nếu là nguyên nhân bệnh lý thì căn nguyên thường do tinh hoàn một bên phát triển ngoài bìu, ở trong cơ thể dù trẻ vẫn chưa chào đời. Việc can thiệp phẫu thuật đối với các trường hợp này rất quan trọng vì tinh hoàn lạc chỗ rất dễ bị hư hại do nhiệt độ bên trong cơ thể quá nóng, từ đó dễ dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng như vô sinh nam hoặc thậm chí ung thư tinh hoàn.
Trẻ mắc chứng tinh hoàn ẩn này có nguy cơ ung thư tinh hoàn cao gấp 2,5 lần cùng với giảm khả năng có con đến 20% nếu không được điều trị kịp thời. Nguyên nhân do tinh trùng bị làm nóng trong cơ thể có khả năng bị hư hại hoặc đột biến gen, thời gian tích lũy càng lâu thì di chứng càng nặng.
2. Chẩn đoán và can thiệp tinh hoàn không đều
Vấn đề tinh hoàn không đều cần được kiểm tra định kỳ nhất là 24 giờ sau sinh để được điều trị kịp thời. Thực tế thì không dễ để phát hiện tình trạng tinh hoàn bên to bên nhỏ ở trẻ sơ sinh vì các lý do sau:
- Bản thân vùng kín của trẻ sơ sinh có kích cỡ rất nhỏ, khó phát hiện bất thường cùng với tâm lý ngại ngùng của cha mẹ khi đề cập đến vấn đề bộ phận sinh dục nên dễ dẫn đến việc bỏ sót triệu chứng.
- Có những trường hợp trẻ sinh ra không có tinh hoàn cũng dễ khiến cho việc xác định tinh hoàn bên to bên nhỏ trở nên khó khăn như: tĩnh mạch thừng tinh phát triển chậm so với tốc độ tăng trưởng của cơ thể.
Tinh hoàn ẩn là lo lắng hàng đầu ở trẻ nam với việc tinh hoàn không xuống bìu mà nằm trong ổ bụng gây tổn hại nghiêm trọng đến chức năng sinh lý và sinh dục của bộ phận này. Triệu chứng rõ ràng có thể thấy là sờ thấy tinh hoàn ở ngoài bìu, còn nếu thấy cả 2 tinh hoàn và thả ra tinh hoàn không co rút lên cao thì không phải là tinh hoàn ẩn.
Ngoài ra còn có một số bệnh lý cũng khiến tinh hoàn không đều như thoát vị bẹn hoặc tràn dịch tinh mạc:
- Thoát vị bẹn là tình trạng các tạng ổ bụng hay mạc treo di chuyển vào vùng bẹn của trẻ theo ống bẹn. Triệu chứng chính là phồng rộp một bên bìu, cứng, sưng và đau, phẫu thuật là phương pháp điều trị chính để đóng lại ống bẹn theo đúng cấu trúc giải phẫu.
- Tràn dịch tinh mạc là tình trạng ống bẹn của trẻ không đóng được khiến dịch từ bụng tích tụ vào ở túi bìu làm tinh hoàn sưng nhưng không đau, một số trường hợp tràn dịch tinh mạc sẽ tự biến mất nhưng có khi vẫn phải phẫu thuật để loại bỏ dịch thừa
Trẻ bị lệch tinh hoàn nên được các bác sĩ chuyên khoa theo dõi sớm nhất có thể. Khuyến cáo phẫu thuật cố định tinh hoàn là khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.