Khuyết tật học tập là thuật ngữ chỉ những rối loạn trong việc lĩnh hội và vận dụng những năng lực đọc, viết và làm toán ở trẻ. Rối loạn này là khuyết tật nội tại của cá nhân, có nguyên nhân được cho là do khiếm khuyết chức năng hệ thần kinh trung ương.
1. Khuyết tật học tập là gì?
Trẻ bị khuyết tật học tập là những trẻ có vấn đề về việc tiếp thu và vận dụng khả năng đọc, nói, viết, làm toán. Khuyết tật học tập bao gồm một loạt các rối loạn ảnh hưởng đến cách bộ não xử lý thông tin và gây khó khăn trong việc nắm bắt các khái niệm nhất định. Tình trạng này có thể ở mức độ nặng nhẹ khác nhau, tùy vào từng trường hợp cụ thể.
Trẻ em bị khuyết tật học tập thường có trí thông minh bình thường hoặc trên mức bình thường nhưng lại phải vật lộn với một số vấn đề về học tập. Trẻ có thể nhận dạng các chữ cái riêng lẻ một cách dễ dàng nhưng khi ghép chúng lại với nhau để đọc lại có thể gây nhầm lẫn. Việc buộc dây giày hoặc lắp các mảnh ghép lại với nhau đối với trẻ bị khuyết tật học tập có thể khiến bạn cảm thấy khó hiểu hoặc trẻ không thể vượt qua được một phép toán đơn giản.
Bởi vì trẻ em khuyết tật học tập gặp khó khăn trong việc hoàn thành một số công việc nhất định nên chúng thường cảm thấy thất vọng, tức giận hoặc chán nản, và chúng có thể có hình ảnh xấu về bản thân. Trẻ khuyết tật học tập có thể chỉ muốn biết những gì chúng muốn hoàn thành, những gì chúng muốn nói hoặc viết hoặc làm, nhưng không thể tìm thấy cách thức để thực hiện những điều đó.
2. Nguyên nhân nào gây ra khuyết tật học tập?
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng nguyên nhân gây ra khuyết tật học tập là do các vấn đề thần kinh trung ương ảnh hưởng đến cách bộ não tiếp nhận, giải thích và gửi thông tin. Các nhà khoa học hiện vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân, nhưng nhiều người tin rằng khuyết tật học tập có liên quan đến những bất thường nhỏ trong cách não bộ phát triển. Khuyết tật học tập có liên quan đến vấn đề di truyền. Trẻ cũng có thể bị khuyết tật học tập do người mẹ lạm dụng rượu hoặc ma túy trong khi mang thai hoặc mắc phải các vấn đề nghiêm trọng trong quá trình chuyển dạ và sinh nở.
3. Nhận diện khuyết tật học tập
Thật khó để khẳng định rằng khuyết tật học tập diễn ra phổ biến hay không bởi vì việc chẩn đoán khuyết tật học tập còn nhiều tranh cãi. Nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề được chẩn đoán quá mức và chỉ những trường hợp nặng mới được chẩn đoán chính thức. Họ cho rằng không có hệ thống não bộ nào hoạt động một cách hoàn hảo vì vậy trẻ em sẽ tiếp thu vấn đề với tốc độ khác nhau và nhiều vấn đề sẽ được giải quyết theo thời gian.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại tin rằng, ngay cả khi trẻ gặp những vấn đề nhỏ trong học tập cũng cần được chú ý ngay từ đầu nhằm mục đích kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ trẻ. Viện Y tế Quốc gia ước tính rằng 2,7 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học ( khoảng 6% tổng số trẻ em trong độ tuổi đi học) bị khuyết tật học tập. Một đứa trẻ có thể bị một loại khuyết tật hoặc kết hợp nhiều loại khuyết tật khác. Vì chẩn đoán khuyết tật học tập rất khó, nếu bạn lo lắng cho con mình, hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia.
4. Phân loại khuyết tật học tập
Khuyết tật học tập thường được phân thành ba loại: Rối loạn khả năng nói hoặc rối loạn ngôn ngữ; các vấn đề liên quan đến các kỹ năng như đọc, viết và toán học; và một loạt các rối loạn khác, chẳng hạn như khó khăn với khả năng phối hợp, kỹ năng vận động hoặc trí nhớ.
Một số trẻ mắc khuyết tật học tập với các biểu hiện rõ ràng, chẳng hạn như chứng khó đọc hoặc các chứng rối loạn làm suy giảm khả năng đọc và toán tương ứng. Nhưng một số trẻ khác có thể bị kết hợp các tình trạng rối loạn khác nhau.
Trẻ khuyết tật học tập gặp khó khăn khi làm theo hướng dẫn, đứng yên và làm theo vào các công việc cụ thể. Chúng cũng có thể lúng túng về thể chất, dễ bị vấp ngã hoặc va chạm vào mọi thứ.
Nhiều người nhầm lẫn giữa rối loạn thiếu tập trung với rối loạn học tập. Trẻ bị rối loạn chú ý thường xuất hiện các dấu hiệu như dễ bị phân tâm và bồn chồn. Đây không phải là khuyết tật học tập. Rối loạn chú ý là một vấn đề riêng biệt và cũng có liên quan đến những bất thường trong não bộ. Ước tính có khoảng 25 đến 35 % trẻ em vừa mắc chứng khuyết tật học tập vừa bị rối loạn thiếu tập trung.
5. Chẩn đoán khuyết tật học tập
Chứng khuyết tật về học tập thường được phát hiện ở trẻ trong những năm đầu tiên đi học, khi một đứa trẻ học nói, đọc và viết. Giáo viên thường là người đầu tiên nhận thấy vấn đề này. Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác cần có sự đánh giá chính thức của một bác sĩ chuyên khoa, tốt nhất là bác sĩ tâm lý nhi khoa, bác sĩ nhi khoa phát triển thần kinh, hoặc bác sĩ tâm thần có chuyên môn trong lĩnh vực này. Những đánh giá này thường không được thực hiện cho đến khi trẻ được 5 đến 7 tuổi và được lặp lại khi trẻ lớn hơn. Ngay cả khi bạn nhận thấy vấn đề sớm hơn ở trẻ, các chuyên gia thường đồng ý rằng không thể đưa ra kết luận chắc chắn khi trẻ còn học mẫu giáo, bởi vì cách học và tốc độ học rất khác nhau với mỗi trẻ trong những năm đầu đời.
6. Làm gì khi trẻ bị khuyết tật học tập?
Sau khi được chẩn đoán chính xác từ các chuyên gia, trẻ em mắc khuyết tật học tập thường đủ điều kiện để tiếp nhận các chương trình giáo dục đặc biệt. Điều này có thể bao gồm liệu pháp nói, vật lý và cải thiện kỹ năng vận động. Có những trường tư thục đặc biệt dành cho trẻ em khuyết tật học tập, nhưng những trường này thường khá tốn kém.
Khuyết tật học tập thường tồn tại vĩnh viễn và không biến mất. Nhưng có nhiều cách để giúp một đứa trẻ bù đắp khuyết tật và học cách giải quyết vấn đề. Các nhà giáo dục đã phát triển các phương pháp giảng dạy đặc biệt và chương trình giảng dạy phù hợp với nhu cầu của trẻ.
Ngoài ra, trẻ bị khuyết tật học tập cũng cần được giải quyết các nhu cầu về tình cảm và tâm lý. Trẻ em bị khuyết tật học tập thường cảm thấy "đơ", vụng về hoặc dễ bị thất bại. Nhiều phụ huynh, giáo viên và chuyên gia đồng ý rằng điều quan trọng là phải nhấn mạnh tới điểm mạnh của trẻ và cố gắng không tập trung quá nhiều vào vấn đề. Tất cả trẻ em đều có năng khiếu và khả năng thiên bẩm. Một đứa trẻ gặp khó khăn khi học đọc có thể giỏi vẽ, làm thơ, làm thí nghiệm khoa học hoặc đá bóng. Trẻ khuyết tật học tập cần được mọi người nâng cao lòng tự trọng, dành những lời khen ngợi về khả năng và cơ hội để tỏa sáng.
Trên thực tế ở Việt Nam hiện nay, trong một khảo sát gần nhất của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thì có từ 5 đến 8% học sinh được xác định có khó khăn học tập ở một hoặc nhiều hơn một trong số các kĩ năng học tập cốt lõi gồm đọc, viết và toán. Số liệu này tương thích với nghiên cứu quốc tế của Snowling cho thấy khoảng 4 - 7% trẻ em có tuổi học chậm từ 18 đến 24 tháng so với mong đợi.
Hiện nay ở Việt Nam còn thiếu các công cụ để xác định học sinh khuyết tật học tập. Để xác định chỉ số thông minh (IQ) của trẻ, các trắc nghiệm viên thường sử dụng bộ trắc nghiệm Raven hoặc WISC-IV phiên bản tiếng Việt chuẩn hóa.
Hầu hết các học sinh khuyết tật học tập có biểu hiện hoàn toàn bình thường về mặt trí tuệ (chỉ số thông minh - IQ), không có vấn đề với năng lực nhận thức, nhưng các em gặp những khó khăn đặc thù trong việc vận dụng các kỹ năng học đường để lĩnh hội kiến thức.
Các khó khăn này được biểu hiện ở những kỹ năng khác nhau như một học sinh có thể khó khăn với đọc nhưng không khó khăn với viết và toán hoặc ngược lại. Cũng có những trẻ em gặp khó khăn với hai kỹ năng trở lên. Về mức độ, không phải trẻ em nào cũng gặp khó khăn như nhau.
Chất lượng của việc đọc, viết và làm toán hoàn toàn phụ thuộc vào tình trạng của từng trẻ. Những trẻ bị khuyết tật học tập có thể không có khuyết tật/khó khăn đi kèm nhưng cũng có thể đi kèm các khuyết tật khó khăn khác. Đặc biệt, trẻ trong giai đoạn từ 6 tháng đến 3 tuổi rất dễ gặp phải các vấn đề về hệ hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp, bệnh lý về da và nhiễm trùng đường tiêu hóa...cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc và cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com