Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm - Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Khi nào nên xông khí dung cho trẻ tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh lý đường hô hấp mà trẻ mắc phải. Việc áp dụng loại thuốc nào cho khí dung cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, tránh các trường hợp sử dụng bừa bãi kháng sinh và corticoid khiến cơ thể trẻ suy yếu và xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn.
1. Khí dung (xông mũi) là gì?
Khí dung (xông mũi) qua mặt nạ còn được gọi là khí dung, đây là một biện pháp hỗ trợ điều trị các bệnh lý đường hô hấp như viêm phế quản, viêm xoang, hen suyễn bằng cách biến thuốc từ dạng lỏng thành dạng sương mù để tác động trực tiếp lên niêm mạc đường hô hấp.
Cụ thể, khí dung thường được chỉ định với những trẻ không chịu hợp tác dùng thuốc qua đường tiêm hoặc đường uống. Ngoài ra, nó còn được chỉ định để điều trị bệnh tại chỗ, hạn chế việc sử dụng các loại thuốc điều trị toàn thân.
Sau khi được xông mũi trẻ sẽ cảm thấy dễ thở hơn nhờ tác động giãn phế quản, làm loãng đờm khi thuốc vào sâu trong các phế nang. Tuy nhiên, thời gian tác dụng kéo dài không lâu nên trẻ có thể được chỉ định nhiều lần liên tục trong ngày khi mắc bệnh cấp tính tùy theo vào tình trạng bệnh.
2. Khi nào trẻ cần xông mũi?
Xông khí dung được chỉ định đối với trẻ mắc các bệnh đường hô hấp kèm theo khó thở như viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm phế quản. Loại dung dịch được sử dụng để xông mũi là khác nhau tùy thuộc vào bệnh lý mắc phải.
Đối với trẻ bị dị ứng với tác nhân môi trường cụ thể, hen suyễn, viêm mũi dị ứng thì loại dung dịch xông mũi thường được sử dụng là corticoid. Với trường hợp bị co thắt khí quản, phế quản như viêm phế quản cấp thì thường sử dụng ventolin để xông mũi cho trẻ trong cơn cấp tính.
Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi thì thường được xông bằng nước muối để làm loãng đờm, giúp trẻ hô hấp dễ dàng hơn, đặc biệt là dễ ho và tống đờm ra ngoài khi bị viêm tiểu phế quản. Không nên xông mũi cho trẻ ở độ tuổi quá nhỏ từ 1 đến 2 tháng tuổi.
Các loại tinh dầu xông mũi không nên được sử dụng trên đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì có thể gây kích ứng hô hấp, nếu lạm dụng có thể gây giảm khứu giác của trẻ.
3. Cần lưu ý gì khi xông mũi cho trẻ?
Tuân thủ liều lượng thuốc và tỷ lệ pha loãng theo chỉ định của bác sĩ, việc pha không đúng liều lượng gây loãng hoặc đặc quá sẽ không tác động hiệu quả sâu trong các phế quản gây giảm hiệu lực của thuốc.
Vệ sinh máy xông, dây và mặt nạ thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn sau khi sử dụng để đảm bảo vệ sinh, vì vi khuẩn đọng lại khi máy chưa được vệ sinh sạch có thể đi vào phổi cùng với thuốc khiến tình trạng bệnh nặng thêm.
Tuyệt đối không tự ý xông thuốc cho trẻ mà chưa có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là các thuốc corticoid và kháng sinh. Việc không hiểu rõ bệnh tình của trẻ và cách chia liều phù hợp có thể khiến tình trạng bệnh nặng thêm sau khi sử dụng thuốc.
Việc lạm dụng corticoid và kháng sinh quá mức cần thiết có thể gây kháng thuốc và giảm miễn dịch của trẻ. Thậm chí đối với các loại thuốc có tác dụng giãn phế quản nếu sử dụng liều cao hoặc tần suất nhiều quá mức cũng có thể gây ra một số phản ứng phụ như tim đập nhanh, run chân tay.
Với những trẻ bị hen suyễn, xông mũi được cho phép thực hiện tại nhà qua các dụng cụ đã được chứng minh là có tác dụng tương đương với máy khí dung được bán ở hiệu thuốc là bình xịt định liều qua ống hít. Tuy nhiên, việc sử dụng bình xịt cần thông qua đơn thuốc của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị.
Trước khi xông mũi cho trẻ, phụ huynh cần làm thông thoáng đường mũi của trẻ để giúp hơi thuốc vào sâu bên trong phế quản tốt hơn. Thời gian xông mũi là khác nhau tùy thuộc vào liều lượng thuốc và tình trạng bệnh của trẻ, thời gian trung bình từ 10 - 15 phút, không nên xông quá nhanh khiến thuốc chưa kịp ngấm vào, cũng không nên xông quá lâu gây tổn thương niêm mạc mũi của trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.