Nghiệm pháp Romberg là cách thức thăm khám thông qua tư thế, dáng bộ giúp đánh giá được chức năng của hệ thống tiểu não và tiền đình. Nghiệm pháp Romberg là một bước thăm khám quan trọng trong kiểm tra sức khỏe thần kinh toàn diện cũng như ở những bệnh nhân có dấu hiệu của hội chứng tiền đình.
1. Nghiệm pháp Romberg là gì?
Nghiệm pháp Romberg là một công cụ thích hợp để chẩn đoán nguyên nhân của chứng mất cảm giác tư thế, rối loạn tiền đình thay đổi dáng đi gây ra bởi sự nhận cảm bất thường liên quan đến thông tin về vị trí của khớp. Đồng thời, thực hiện khám nghiệm pháp Romberg cũng đã được chứng minh là phương thức có độ nhạy cao và tính chính xác để đo lường mức độ mất thăng bằng gây ra bởi hội chứng tiền đình chóng mặt trung tâm và hội chứng tiền đình ngoại biên và do các chấn thương đầu gây ra. Chính vì thế, phương thức này đã được sử dụng rất phổ biến trong hầu hết các phòng khám chuyên khoa thần kinh trong gần hai thế kỷ qua.
Có ba hệ thống cảm giác cung cấp thông tin trong đầu vào cho tiểu não để duy trì sự ổn định của cơ thể khi mắt mở là thị giác, cảm giác sâu và hệ tiền đình. Lúc này, sự cân bằng được tạo ra là nhờ vào sự điều khiển, chi phối ổn định của cả ba thành phần này.
Tuy nhiên, thực sự chỉ có hai trong số ba hệ thống đã nêu là cần thiết trong việc duy trì sự cân bằng. Chính vì vậy, khi đầu vào là thị giác bị loại bỏ, là cơ sở lý luận chính của nghiệm pháp Romberg, sự mất ổn định do thiếu tầm nhìn sẽ dễ bị bộc lộ, nhất là khi yêu cầu người bệnh đứng trong các tư thế đặc biệt. Thậm chí, nếu có tổn thương nặng hơn trong con đường cảm giác sâu hay tiền đình, bệnh nhân có thể sẽ không thể duy trì được tư thế đứng, ngay cả khi mắt mở.
Ngoài ra, trước khi thực hiện khám nghiệm pháp Romberg, bác sĩ cũng cần kiểm tra sự toàn vẹn của các cấu trúc khác giúp đảm bảo sự cân bằng của bệnh nhân trong tư thế đứng thẳng như đau khớp, yếu cơ, chứng run vô căn,... Những điều này là giúp loại trừ các yếu tố gây nhiễu có thể dẫn đến nghiệm pháp Romberg dương tính giả.
2. Các khám nghiệm pháp Romberg như thế nào?
Nghiệm pháp Romberg được thực hiện thông qua từng bước được trình bày như sau:
Bệnh nhân được yêu cầu tháo giày và đứng bằng hai chân khép sát nhau trên mặt phẳng cứng. Hai cánh tay được giữ ép sát hai bên cạnh cơ thể hoặc bắt chéo trước thân mình.
Thì 1: Bệnh nhân đứng yên tại vị trí và mở mắt.
Thì 2: Bệnh nhân đứng yên tại vị trí và nhắm mắt. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần phải cố gắng duy trì sự cân bằng của mình. Để an toàn, điều quan trọng là người quan sát phải đứng gần bệnh nhân để ngăn ngừa mắc phải thương tích tiềm ẩn nếu bệnh nhân bị ngã. Ngoài ra, khi bệnh nhân nhắm mắt lại, người khám cũng phải đảm bảo không có sự thay đổi tiếng động hay âm thanh trong phòng nhằm loại trừ được khả năng tự điều chỉnh hướng bằng ánh sáng, âm thanh, gây ra kết quả âm tính giả.
Ngoài ra, để làm cho nghiệm pháp Romberg trở nên khó khăn hơn, dễ bộc lộ sự mất cân bằng hơn, bác sĩ lâm sàng có thể cố gắng làm tăng tính phức tạp của tư thế, đòi hỏi cần có khả năng cao tự điều chỉnh vị trí tự thế, ví dụ đứng thẳng người kèm theo đưa hai tay về phía trước, các ngón tay xòe ra.
Hơn nữa, để tăng sự bộc lộ của tổn thương gây mất thăng bằng, nghiệm pháp Romberg còn có biến thể bằng cách đứng trên hai chân lệch nhau nhưng vẫn khép sát nhau. Trong đó, người bệnh đặt bàn chân này ở vị trí gót chân của bàn chân kia và vẫn trải qua hai thì với mở mắt, sau đó nhắm mắt. Trong lúc đó, bệnh nhân vẫn có thể khoanh tay trước ngực, đặt trên vai hay đưa ra phía trước nhằm tăng độ khó cho tư thế. Tuy nhiên, tư thế này lại có thể trở nên khó khăn đối với những người béo phì, người lớn tuổi nên có thể gặp phải các yếu tố gây nhiễu không mong muốn.
3. Nghiệm pháp Romberg dương tính khi nào?
Nghiệm pháp Romberg dương tính khi quan sát thấy người bệnh không giữ được sự thăng bằng và đứng theo tư thế ban đầu đúng vị trí trong cả thì mở mắt và nhất là trong thì nhắm mắt. Chính cảm giác mất thăng bằng đòi hỏi cơ thể người bệnh lắc lư, hai bàn chân phải di chuyển hoặc bệnh nhân bị té ngã.
Ngược lại, nếu bệnh nhân vẫn có thể đứng thẳng và chỉ lắc lư với mức độ tối thiểu thì vẫn được chấp nhận là nghiệm pháp Romberg âm tính.
4. Những nguyên nhân của nghiệm pháp Romberg dương tính là gì?
Nghiệm pháp Romberg dương tính chỉ là bằng chứng của sự khiếm khuyết gây ra mất khả năng điều hòa cảm giác tư thế và giữ cân bằng. Đây là hệ quả của rất nhiều vấn đề, bao gồm:
- Thiếu vitamin như vitamin B12
- Hội chứng tiền đình trung ương
- Hội chứng tiền đình ngoại biên
- Bệnh Ménière
- Hội chứng tiểu não
- Các tình trạng ảnh hưởng đến tủy sống, chẳng hạn như bệnh giang mai thần kinh
- Các tình trạng ảnh hưởng đến những dây thần kinh cảm giác như bệnh thần kinh ngoại biên tấn công dây cảm giác trong bệnh viêm đa dây thần kinh mãn tính
Tuy nhiên, tính chất dương tính của nghiệm pháp Romberg ứng với từng nguyên nhân là khác nhau. Cụ thể là người bệnh sẽ có xu hướng nghiêng về phía bên tổn thương do tiền đình trong khi đối với bệnh giang mai thần kinh, người bệnh sẽ bị lảo đảo ngay khi nhắm mắt mà không rõ lệch về hướng nào. Tương tự như vậy, người bệnh cũng sẽ có xu hướng dạng hai chân để mở rộng mặt chân đế, để tránh bị té ngã trong hội chứng tiểu não.
Tóm lại, nghiệm pháp Romberg được sử dụng rất phổ biến nhằm kiểm tra chức năng thần kinh trong việc duy trì tư thế và điều chỉnh cân bằng. Tuy nhiên, khả năng này cũng đòi hỏi sự phối hợp của nhiều hệ cơ quan khác nhau. Qua đó, khi khám nghiệm pháp Romberg, bác sĩ cần nắm rõ cơ chế và biết cách biện luận từng trường hợp để phát hiện nguyên nhân gây mất thăng bằng một cách chính xác.