Bài được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Thị Hoàng Hà – Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Anti TPO (Thyroid Antibody) còn được gọi là Thyroid Peroxidase Antibody (TPO-Ab) – kháng thể kháng enzyme Thyroid Peroxidase. Thyroid peroxidase là một enzyme tham gia quá trình tổng hợp nội tiết tố của tuyến giáp, giúp gắn phân tử iod vào khung protein là thyroglobulin. Khi cơ thể xuất hiện tự kháng thể tấn công enzyme này sẽ gây giảm hoặc chấm dứt quá trình trên.
1. Khi nào nên thực hiện xét nghiệm Anti TPO?
Khi cơ thể bạn xuất hiện những triệu chứng bất thường sau thường được khuyến cáo đi khám và xét nghiệm tuyến giáp, khi đó bác sĩ lâm sàng sẽ quyết định chỉ định xét nghiệm thích hợp tùy thuộc vào các triệu chứng trên từng người bệnh, trong đó có cả xét nghiệm Anti TPO:
- Xuất hiện các triệu chứng của bệnh viêm giáp tự miễn Hashimoto (tuyến giáp sưng to, biểu hiện các dấu hiệu suy giáp như mệt mỏi, uể oải, chịu lạnh kém, da khô, sưng to lưỡi và mặt, rụng tóc, suy giảm trí nhớ, rong kinh...). Bệnh hay gặp ở nữ giới với tỷ lệ nhiều hơn nam gấp 7 lần, đặc biệt ở phụ nữ mang thai.
- Phụ nữ gặp khó khăn về khả năng sinh sản khi lâm sàng có nghi ngờ có liên quan đến bệnh lý tự miễn tuyến giáp.
2. Chỉ số Anti TPO cho biết điều gì?
Khoảng giá trị bình thường của xét nghiệm Anti TPO là < 34 U/ml, khi đó chỉ xuất hiện lượng kháng thể kháng enzyme Thyroid Peroxidase rất nhỏ trong máu, được coi là âm tính.
Trong quần thể vẫn có một lượng người có các bệnh về tuyến giáp tự miễn không xuất hiện các tự kháng thể trong máu, tuy nhiên kết quả xét nghiệm Anti TPO âm tính thường sẽ hướng đến các nguyên nhân khác nhiều hơn là các bệnh tự miễn dịch.
Khi xét nghiệm Anti TPO Dương tính (nồng độ Anti TPO trong máu ≥ 34 U/L) thường gặp trong các bệnh lý:
- Bệnh viêm giáp Basedow, viêm giáp tự miễn Hashimoto
- Một số bệnh lý ngoài tuyến giáp như viêm khớp dạng thấp, bệnh Addison, Lupus ban đỏ hệ thống, thiếu máu ác tính.
3. Yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm Anti TPO?
- Trong trường hợp hồng cầu bị vỡ (có thể do dung huyết vì bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng máu hoặc do kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm).
- Nồng độ Bilirubin huyết thanh quá mức cho phép (> 66 mg/dl).
- Huyết thanh nhiễm mỡ (nồng độ mỡ máu của người bệnh quá cao)
4. Ý nghĩa của chỉ số Anti TPO cao
Khi bác sĩ lâm sàng có nghi ngờ người bệnh có rối loạn tự miễn trong đó nồng độ kháng thể Anti TPO tăng dần theo thời gian sẽ tiến hành xét nghiệm lại 1-2 lần sau lần xét nghiệm đầu tiên (cách 1-2 ngày). Mức độ tăng theo thời gian sẽ có ý nghĩa lâm sàng hơn so với mức nồng độ ổn định vì nó phản ánh sự gia tăng hoạt động tự miễn của cơ thể.
Nồng độ Anti TPO tăng trong một số bệnh lý như viêm giáp tự miễn Hashimoto, Basedow, đái tháo đường, một số trường hợp ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên nồng độ Anti TPO trong máu người bệnh không phản ánh mức độ tình trạng bệnh.
Xét nghiệm Anti TPO cũng được khuyên làm trên những phụ nữ mang thai có tiền sử bản thân và gia đình có bệnh lý rối loạn chức năng tuyến giáp, nếu nồng độ Anti TPO trong máu người mẹ tăng cao cũng có ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Ngoài ra theo thống kê có 3-5% số người có xét nghiệm Anti TPO dương tính không có bệnh lý.
Xét nghiệm Anti TPO có thể thực hiện nhanh chóng và dễ dàng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Để được tư vấn chi tiết, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.