Khi nào nên niềng răng cho người lớn?

Niềng răng vốn thường được chỉ định trong thời thơ ấu hoặc đầu tuổi vị thành niên để nắn lại các răng khấp khểnh, mọc chen chúc. Tuy nhiên, người trưởng thành vẫn có thể niềng răng vì sức khỏe răng miệng hay đơn giản vì lý do thẩm mỹ.

1. Khi nào nên niềng răng cho người lớn?

Một số người thắc mắc rằng 30 tuổi niềng răng được không? Niềng răng vốn thường được chỉ định trong thời thơ ấu hoặc đầu tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, việc niềng răng cho người trưởng thành hiện đã phổ biến hơn rất nhiều. Trên thực tế, 20 phần trăm số người niềng răng ngày nay là người lớn. Các dấu hiệu cho thấy một người trưởng thành cần niềng răng có thể thay đổi tùy theo độ tuổi và sức khỏe răng miệng tổng thể. Các triệu chứng có thể cho thấy bạn cần niềng răng bao gồm:

  • Răng khấp khểnh hoặc răng mọc chen chúc, không thẳng hàng
  • Khó dùng chỉ nha khoa và chải quanh răng khấp khểnh
  • Thường xuyên cắn lưỡi
  • Răng không khít vào nhau khi miệng bạn đang nghỉ ngơi
  • Khó phát âm một số âm thanh nhất định do vị trí của lưỡi dưới răng của bạn
  • Hàm phát ra tiếng động khi bạn nhai hoặc khi thức dậy
  • Bạn có cảm giác mỏi và hơi căng trên đường viền hàm của bạn sau khi nhai thức ăn

Niềng răng cho người lớn ngày càng trở nên phổ biến và kết quả niềng răng ở người lớn hầu hết là khả quan. Nhưng có một số người không thể tiến hành điều trị bằng niềng răng khi còn nhỏ. Lý do có thể là vì chi phí, sự bất tiện, hoặc thiếu chẩn đoán, nhiều người đã phải tạm dừng điều trị chỉnh nha cho đến khi trưởng thành. Thực ra, bạn không bao giờ quá già để tiến hành niềng răng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn nên tiếp tục trì hoãn việc điều trị. Bất cứ khi nào bạn sẵn sàng cho việc điều trị răng mọc chen chúc hoặc khấp khểnh, bạn có thể đặt lịch hẹn với nha sĩ. Hàm của bạn sẽ tiếp tục phát triển khi bạn già đi, điều này có thể gây ra tình trạng chen chúc hoặc thu hẹp các răng của bạn. Do đó, bạn có thể nói chuyện với chuyên gia về việc niềng răng càng sớm thì càng tốt.

2. Lợi ích của việc niềng răng cho người lớn là gì?

  • Dịch chuyển răng đúng vị trí: dù bạn đã niềng răng khi còn nhỏ cũng không có nghĩa là răng bạn hoàn toàn thẳng tắp, không xê dịch. Răng thường có xu hướng di chuyển một chút trong suốt cuộc đời của bạn.
  • Làm thẳng răng khấp khểnh: Niềng răng có thể làm thẳng hàng các răng bị uốn cong theo nhiều hướng khác nhau.
  • Sức khỏe răng miệng tốt hơn: răng thẳng sẽ dễ chải và dùng chỉ nha khoa hơn, nhờ đó giúp ít sâu răng hơn và nướu khỏe mạnh hơn.
  • Niềng răng cũng có thể giúp bạn kiểm soát một số vấn đề nghiêm trọng chẳng hạn như các vấn đề về khớp cắn gây đau hàm. Đôi khi bạn cũng có thể cần phải niềng răng để thay đổi vị trí của răng trước khi lấy cầu, mão răng hoặc cấy ghép mới.

Niềng răng cho người trưởng thành giúp sức khỏe răng miệng được tốt hơn
Niềng răng cho người trưởng thành giúp sức khỏe răng miệng được tốt hơn

3. Các loại niềng răng

Niềng răng cho người trưởng thành ngày nay khác rất nhiều so với trước đây. Nhiều người khó có thể nhận bạn đang niềng răng. Hiện nay, có rất nhiều lựa chọn niềng răng phù hợp với nhu cầu và sở thích của khách hàng như:

  • Niềng răng thông thường: trước đây dụng cụ niềng răng bao gồm một dải kim loại xung quanh mỗi hoặc hầu hết mọi răng. Ngày nay, niềng răng mắc cài thông thường chỉ với một giá đỡ duy nhất được gắn ở mặt trước của răng. Một vài dải ở phía sau neo các dây.
  • Niềng răng sứ: Chúng được làm bằng vật liệu màu trắng nên ít bị nhận ra hơn so với mắc cài kim loại truyền thống.
  • Bộ chỉnh răng: Bộ chỉnh răng là những khay trong suốt được thay ra hai tuần một lần để thích ứng với sự di chuyển của răng. Chúng lưu lại trong miệng từ 20 đến 22 giờ mỗi ngày, được loại bỏ khi ăn và làm sạch răng. Những bộ căn chỉnh ít dễ thấy hơn, nhưng chúng vẫn không hoàn toàn vô hình. Bộ chỉnh răng sẽ không ảnh hưởng đến cách bạn dùng bàn chải hay dùng chỉ nha khoa. Tuy nhiên, cần đòi hỏi kỹ thuật để giữ bộ căn chỉnh trong mọi thời điểm và chuyển khay ra đúng lịch trình.
  • Niềng răng mắc cài mặt trong: tương tự như niềng răng thông thường, tuy nhiên các mắc cài sẽ được gắn vào mặt sau của răng. Niềng răng mắc cài mặt trong hầu như không thể nhìn thấy và cho hiệu quả nhanh chóng như các phương pháp niềng răng thông thường. Tuy nhiên, chúng được làm theo yêu cầu riêng của khách hàng và thường có giá cao hơn các lựa chọn khác.

4. Những lưu ý sau khi niềng răng cho người lớn

  • Bạn sẽ cần phải cẩn thận hơn khi làm sạch răng sau khi niềng răng. Một số nha sĩ khuyên bạn nên đánh răng sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ. Dùng chỉ nha khoa sẽ khác khi bạn niềng răng và nha sĩ sẽ chỉ cho bạn cách thực hiện.
  • Nước súc miệng sát khuẩn cũng có thể xâm nhập vào những nơi mà bàn chải đánh răng không thể chạm tới, và nó giúp chống lại mảng bám và viêm nướu.
  • Sau khi tháo bỏ niềng răng, nha sĩ có thể yêu cầu bạn đeo một loại mắc cài. Nó là một ống ngậm làm bằng nhựa và kim loại vừa khít với răng của bạn và giúp cố định răng ở vị trí mới.

Sau khi tháo niềng răng cho người lớn, bác sĩ sẽ chỉ định đeo hàm duy trì
Sau khi tháo niềng răng cho người lớn, bác sĩ sẽ chỉ định đeo hàm duy trì

5. Giải pháp thay thế cho niềng răng là gì?

Niềng răng mắc cài kim loại, mắc cài sứ và niềng răng vô hình là những loại điều trị làm thẳng răng phổ biến nhất. Hiện nay, phẫu thuật làm thẳng răng là giải pháp thay thế duy nhất cho niềng răng chỉnh nha. Phẫu thuật này có thể chỉ là một thủ thuật đơn giản để thay đổi vị trí của răng bị lệch trong miệng. Khi đó, hàm của bạn sẽ được phẫu thuật viên thiết kế và điều chỉnh lại để thích ứng với việc nói và nhai tốt hơn.

Răng khấp khểnh và mọc chen chúc là dấu hiệu cho thấy bạn có thể cần niềng răng. Niềng răng là một khoản đầu tư tốn kém với nhiều người. Có thể bạn cần niềng răng vì sức khỏe răng miệng hoặc đơn giản là niềng răng vì lý do thẩm mỹ. Hãy liên hệ với nha sĩ để được tư vấn khi có bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê ở trên.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe