Khi nào nên cho bé ăn cháo?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Bác sĩ Nhi - Sơ Sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Ngoài sữa mẹ, các bữa ăn dặm rất quan trọng cho bé phát triển thể chất và trí tuệ. Khi bé lớn dần, nhiều bố mẹ thắc mắc thời điểm khi nào cho bé ăn cháo là thích hợp, mấy tháng thì cho bé ăn cháo xay và khi nào cho bé ăn cháo hạt. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc đó, giúp bé có những bữa ăn phù hợp và đầy chất dinh dưỡng.

1. Khi nào nên cho bé ăn cháo?

Tuỳ theo độ tuổi của bé mà bố mẹ cần thay đổi các bữa ăn cho phù hợp. Khi tới giai đoạn 6 tháng tuổi, bé bắt đầu tập ăn dặm với bột từ loãng đến đặc, lượng từ ít đến nhiều. Thời gian cho bé ăn bột kéo dài từ lúc bé 6 tháng đến lúc 8 tháng tuổi. Bố mẹ nên tập cho bé ăn bột bắt đầu từ bột có vị ngọt với các loại rau củ quả, sau đó tới bột có vị mặn hơn bằng cách bổ sung thêm thịt, cá, tôm.

Khi bé lớn dần, nhiều bố mẹ thắc mắc thời điểm khi nào cho bé ăn cháo là thích hợp, mấy tháng thì cho bé ăn cháo xaykhi nào cho bé ăn cháo hạt. Câu trả lời là nên bắt đầu cho bé chuyển sang giai đoạn ăn cháo từ 8 tháng tuổi, nghĩa là khi kết thúc giai đoạn ăn bột. Vào 8 tháng tuổi, một số bé bắt đầu mọc những chiếc răng sữa đầu tiên, bé có thể tập nhai các loại thức ăn thô với kích thước nhỏ như hạt đậu. Vì vậy lúc này cho bé ăn cháo cần phải xay nhuyễn vì kỹ năng nhai của bé chưa tốt, bé có thể nôn ói do cháo lợn cợn khó nuốt. Hơn nữa, ở giai đoạn này, dạ dày của bé yếu, thành ruột non của bé còn mỏng nên chưa thể tiêu hóa thức ăn thô được. Lợi ích của việc bắt đầu ăn cháo nhuyễn là giúp bé dễ ăn, dễ nuốt, dễ tiêu hoá và hấp thu chất dinh dưỡng. Do đó, cho cháo ăn xay nhuyễn từ lúc 8 đến 9 tháng tuổi là hợp lý.

Cháo xay nhuyễn chỉ là bước thăm dò khởi đầu để tập cho bé ăn cháo hạt. Vì vậy, bố mẹ chỉ nên cho bé ăn cháo xay nhuyễn trong 1 - 2 tháng để bé tập làm quen với thức ăn lợn cợn. Sang tháng thứ 10, khi bé đã ăn được kha khá, bố mẹ nên bắt đầu tập cho bé ăn cháo vỡ hạt cùng với những loại thực phẩm xay nhuyễn có độ thô nhất định. Cháo không nên chỉ nấu bằng nước hầm xương, vì như vậy sẽ không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng, mà bé cần ăn cả phần thịt, cá và rau củ. Bố mẹ nên hầm riêng một nồi cháo riêng. Mỗi bữa ăn của bé, cháo được múc ra và nấu chín từng bữa cùng với thịt, cá, rau củ, thêm dầu ăn cho đủ dưỡng chất.

Khi bé đến tuổi thôi nôi, nghĩa là bé được 1 tuổi, bố mẹ nên bắt đầu tập cho bé ăn cháo nguyên hạt để dịch vị dạ dày tiết ra tiêu hóa thức ăn và kích thích bé ăn ngon miệng. Một số phụ huynh vẫn có thói quen xay nhuyễn cháo dù bé đã hơn 1 tuổi, mặc dù cách này sẽ giúp bé ăn nhanh và ăn dễ dàng hơn nhưng khiến dạ dày tiết dịch vị không đủ, bé không có cảm giác ngon miệng, chỉ nuốt nên kỹ năng nhai kém, lâu dần dẫn đến bé biếng ăn, kén ăn.

Xem ngay: Nấu cháo gì ngon, giàu dinh dưỡng?


Giải đáp khi nào cho bé ăn cháo thì thích hợp?
Giải đáp khi nào cho bé ăn cháo thì thích hợp?

2. Những lưu ý khi tập cho bé ăn cháo

Để bé thích nghi dần với việc ăn cháo và giúp việc ăn uống của bé trở nên dễ dàng hơn, bố mẹ hãy tập cho bé quen dần với những món ăn mới lạ. Nghĩa là bắt đầu từ bột hương vị ngọt trước rồi sẽ thay thế dần bằng bột vị mặn hơn một chút với nhiều thành phần dinh dưỡng hơn, tiếp theo là cháo xay và sau đó tập cho bé ăn cháo hạt từ cháo vỡ hạt đến cháo nguyên hạt. Việc tăng dần độ thô của thức ăn giúp bé không bị phản ứng khi ăn những thức ăn lạ và hệ tiêu hóa của bé có thể kịp bắt nhịp với quá trình tiêu hóa và hấp thu những loại thức ăn phức tạp hơn.

Để cho hệ tiêu hóa của bé thích nghi dần với lượng thức ăn và thành phần dinh dưỡng ngày càng phong phú thì cha mẹ nên cho bé ăn với lượng ít rồi từ từ tăng dần, từ 1/3 chén cháo đến nửa chén và sau đó là một chén cháo...Như vậy sẽ đảm bảo giúp bé có hệ tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng tốt, cung cấp đầy đủ nhu cầu năng lượng cũng như dưỡng chất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ của bé.

Mỗi bữa ăn cháo của bé phải đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm quan trọng giúp bé phát triển tốt. Nhóm đường bột bao gồm gạo, ngô, khoai... Nhóm chất đạm bao gồm thịt, cá, tôm, trứng, sữa, các sản phẩm từ đậu nành và các loại đậu khác... Nhóm chất béo bao gồm dầu, mỡ, pho mát, bơ và các loại hạt có dầu như dầu oliu. Nhóm vitamin và khoáng chất có trong rau củ và các loại trái cây. Theo đó, cần chú ý không nên cho bé dưới 8 tháng tuổi ăn các loại thịt như thịt gà, thịt bò, các loại hải sản,... vì bé ở giai đoạn này chưa đủ men tiêu hóa để tiêu hoá các loại thức ăn này, đồng thời có một số bé lúc nhỏ dễ bị dị ứng với hải sản. Thay vào đó, nên cho bé ăn những loại thực phẩm lành tính như thịt nạc heo, các loại cá đồng,... Ngoài ra, đối với trẻ nhỏ, các chuyên gia về dinh dưỡng khuyến cáo không nên cho thêm mắm hoặc muối vào món ăn của bé, vì thận của bé vẫn còn yếu. Khi nêm thêm mắm hoặc muối vào món ăn sẽ khiến cho thận của bé phải làm việc quá sức gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe sau này.


Nên cho bé ăn những loại thực phẩm lành tính như thịt nạc heo
Nên cho bé ăn những loại thực phẩm lành tính như thịt nạc heo

Cách chuẩn bị và chế biến nguyên liệu thực phẩm cũng cần lưu ý:

  • Với các loại thịt như thịt heo và thịt bò tươi thì xay nhuyễn, ướp chút dầu ăn trẻ em rồi cho vào tủ lạnh dùng trong ngày. Không nên nấu thịt quá kỹ, thậm chí hầm cho thịt nhừ vì sẽ mất dưỡng chất và không còn thơm ngon.
  • Với các loại tôm, cá, cua, lươn thì phi hành tăm (loại hành củ nhỏ màu trắng, có tác dụng khử mùi tanh), xào cùng gia vị cho vừa chín tới, sau đó xay nhuyễn cho vào tủ, dùng trong ngày.
  • Với rau tươi nên được xay với nước hoặc băm nhỏ, bảo quản trong tủ lạnh và dùng trong ngày.
  • Với các loại củ nên cắt nhỏ, luộc chín sau đó lấy cả phần nước lẫn phần củ cho vào máy xay sinh tố, bảo quản trong tủ lạnh và dùng trong ngày. Ví dụ, với bí đỏ, cà rốt, súp lơ có thể nấu chín rồi xay lợn cợn không cần nhuyễn để bé tập nhai và xử lý thức ăn thô vì lúc này, dạ dày của bé cũng đang quen dần và có thể tiêu hóa được.
  • Với cháo hạt thì không cần xay nhuyễn mà chỉ cần cơm nấu thật chín và đánh cho nhuyễn hoặc lợn cợn là được.
  • Nấu cháo chín riêng, thức ăn riêng, sau đó xay từng loại. Đến bữa ăn có thể trộn chung cháo và thức ăn với nhau hoặc chia từng khẩu phần nhỏ cho bé.
  • Không nên nấu phối hợp các loại thịt, cá với nhau như thịt heo với thịt bò, cá đồng với cá biển, tôm với cua,... Các phụ huynh cũng cần lưu ý không nên kết hợp nhiều loại rau với nhau vì sẽ làm mất đi hương vị riêng của từng loại rau và có thể làm bé khó tiêu hóa.
  • Tỷ lệ tốt nhất cho phối hợp giữa các loại đạm có nguồn gốc động vật và thực vật là 50/50, ví dụ như bữa trưa bé ăn cháo thịt, cá, trứng,... thì buổi chiều cho bé ăn cháo với đậu, rau,...

Dù có thể chuẩn bị thức ăn cho một ngày nhưng tốt nhất bé ăn bữa nào thì cha mẹ nấu thịt và rau bữa đó để đảm bảo các chất dinh dưỡng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe