Nếu tình trạng căng thẳng thần kinh xuất hiện quá thường xuyên với cường độ mạnh thì có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe. Trong một số trường hợp, bệnh nhân cần sử dụng thuốc trị căng thẳng thần kinh.
1. Khi nào người bệnh cần sử dụng thuốc điều trị căng thẳng thần kinh?
Căng thẳng thần kinh là phản ứng của não bộ và cơ thể trước các tác động của môi trường sống. Triệu chứng của căng thẳng là kết quả của một loạt chuỗi phản ứng khác nhau diễn ra trong cơ thể, gồm cả triệu chứng thực thể và triệu chứng tâm lý. Do vậy, không có một loại thuốc cụ thể nào dùng chung cho tất cả các trường hợp căng thẳng thần kinh. Thay vào đó, các bác sĩ sẽ kê đơn cho bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc khác nhau để giải quyết các triệu chứng cụ thể liên quan tới tình trạng stress.
2. Dùng thuốc trị căng thẳng thần kinh theo từng triệu chứng cụ thể
2.1 Thuốc kê toa
Căng thẳng thần kinh uống thuốc gì? Các thuốc kê toa có thể ảnh hưởng tới hành vi và sức khỏe của người sử dụng, thậm chí một vài loại thuốc có thể gây nghiện. Do đó, việc sử dụng thuốc cần tuân thủ đúng hướng dẫn, có sự theo dõi và giám sát của bác sĩ. Dưới đây là các thuốc kê toa thường được sử dụng:
Thuốc an thần
Thuốc an thần làm chậm hoạt động của não bộ, giúp làm dịu và điều hòa thần kinh. Thuốc có tác dụng trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, tạo sự kích thích hoặc ức chế thần kinh với mục đích phòng ngừa, điều trị bệnh. Các thuốc an thần thường được sử dụng để làm giảm triệu chứng căng thẳng thần kinh là:
- Nhóm thuốc Benzodiazepin bao gồm: Alprazolam (Xanax), lorazepam (Ativan), clonazepam (Klonopin), diazepam (Valium), triazolam (Halcion), temazepam (Restoril) và chlordiazepoxide (Librium). Bên cạnh đó là nhóm thuốc barbiturat. Các thuốc trên tạo ra tác dụng xoa dịu thần kinh bằng cách kích thích GABA - chất dẫn truyền thần kinh ức chế, có chức năng làm chậm các hoạt động của não bộ;
- Thuốc khác: Thuốc kháng histamin (thường sử dụng để giảm dị ứng như Atarax hoặc Vistaril), thuốc ngủ (gồm glutethimide, methyprylon và ethchlorvynol).
Khi sử dụng thuốc hoặc các chất an thần, người bệnh có thể bị nghiện. Khi ngừng dùng thuốc, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng cai nghiện như mất ngủ nghiêm trọng, bồn chồn, thậm chí tử vong. Ngoài ra, nếu uống các thuốc an thần cùng với rượu cũng có thể dẫn tới nguy cơ hôn mê hoặc tử vong.
Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có thể gặp các tác dụng phụ như: Mệt mỏi, lú lẫn, thực hiện các động tác không chính xác, suy giảm trí nhớ, miệng khô đắng, vô kinh ở nữ giới, suy giảm ham muốn tình dục, tăng cân nhanh và khó kiểm soát, viêm cơ tim và co giật (nếu dùng thuốc an thần Clozapine),...
Thuốc chống trầm cảm
Các thuốc chống trầm cảm cũng đồng thời có đặc tính chống lo âu. Trong nhiều trường hợp, đây là nhóm thuốc trị căng thẳng thần kinh được bác sĩ kê toa cho bệnh nhân có các triệu chứng stress. Hiện nay, nhóm thuốc SSRIs (chất ức chế tái hấp thu chọn lọc Serotonin), gồm Paxil, Prozac và Lexapro là thuốc chống trầm cảm được kê toa phổ biến cho mục đích chống lo âu, stress. Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế sự tái hấp thu của Serotonin, từ đó làm tăng nồng độ của Serotonin trong não. Điều này giúp cải thiện tâm trạng, giảm cảm giác lo lắng cho bệnh nhân.
Nhóm thuốc SSRI không gây nghiện nhưng có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, khô miệng, chóng mặt, tăng cân, rối loạn giấc ngủ và suy giảm ham muốn tình dục.
Thuốc chẹn beta
Đây là nhóm thuốc thường được sử dụng để kiểm soát cao huyết áp và điều trị một số vấn đề về tim mạch. Ngoài ra, bác sĩ cũng kê toa nhóm thuốc này để phòng ngừa và làm giảm các triệu chứng căng thẳng, lo âu. Thuốc chẹn beta như Inderal (propranolol) và Tenormin (atenolol) có tác dụng ngăn chặn hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh và hormone norepinephrine trong động mạch và cơ tim, giúp động mạch mở rộng, làm chậm hoạt động của tim, giảm lực co cơ tim. Thuốc giúp làm giảm các triệu chứng liên quan tới căng thẳng thần kinh như hồi hộp, nhịp tim nhanh.
Các tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc chẹn beta là bàn tay và bàn chân lạnh, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi. Tác dụng phụ ít gặp hơn gồm bất lực, chóng mặt, thở khò khè, khô mắt, phát ban da, các vấn đề về đường tiêu hóa,...
2.2 Thuốc trị căng thẳng thần kinh: Vitamin và khoáng chất
Việc bổ sung đầy đủ một số loại vitamin cũng được chứng minh là có tác dụng cải thiện tình trạng stress. Người bệnh có thể áp dụng một chế độ ăn uống hợp lý với các thực phẩm giàu vitamin C, D, E, vitamin nhóm B, sắt, mangan, kali, selen, kẽm, photpho, protein, Omega - 3, chất béo,... hoặc sử dụng các loại thuốc bổ sung những chất này nếu chế độ ăn không đáp ứng được nhu cầu của cơ thể. Đồng thời, bệnh nhân nên tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,... vì chúng có thể gây tổn thương các tế bào thần kinh, về lâu dài sẽ khiến tình trạng stress càng trầm trọng hơn.
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc trị căng thẳng thần kinh
Khi sử dụng các thuốc điều trị căng thẳng thần kinh, người bệnh cần lưu ý:
- Tuân thủ đúng liệu trình, liều lượng và thời gian dùng thuốc được bác sĩ khuyến nghị;
- Không dùng thuốc vào bất kỳ lúc nào bản thân cảm thấy khó chịu;
- Nếu lạm dụng thuốc có thể gây “nghiện” thuốc, khiến việc điều trị căng thẳng trở nên khó khăn hơn và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe thần kinh cùng các bộ phận khác trên cơ thể;
- Thận trọng khi dùng thuốc an thần cho người có tiền sử hoặc bệnh nền liên quan tới tim mạch, thần kinh, hô hấp, tiêu hóa,...;
- Nếu sử dụng đồng thời 2 - 3 loại thuốc trở lên, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh nguy cơ tương tác thuốc gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm;
- Sử dụng thuốc an thần để trị căng thẳng thần kinh có thể khiến hệ thần kinh phản ứng chậm hơn so với bình thường. Do đó, ngay sau khi dùng thuốc, người bệnh không nên thực hiện các công việc đòi hỏi phải tập trung cao độ như học tập, làm việc, điều khiển máy móc, lái xe,... mà nên thư giãn tâm trí, không nghĩ ngợi quá nhiều;
- Trong quá trình sử dụng thuốc giảm căng thẳng thần kinh, nếu gặp bất kỳ vấn đề bất thường nào như mệt mỏi, buồn nôn, khó chịu,... người bệnh nên ngưng dùng thuốc và báo cho bác sĩ để được theo dõi bệnh tình.
Người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc trị căng thẳng thần kinh khi chưa được bác sĩ cho phép để tránh gặp phải các tác dụng phụ của thuốc. Khi cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng hoặc có những phản ứng quá khích, hưng phấn,... hoặc dấu hiệu bất thường liên quan tới sức khỏe thần kinh khác, bệnh nhân hãy đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.