Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Chuyên khoa sản - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Hở eo tử cung là tình trạng eo tử cung mỏng dần và mở ra trước khi thai đủ lớn để em bé chào đời. Đây là một trong những nguyên nhân gây sảy thai đột ngột ở sản phụ. Khâu vòng cổ tử cung là thủ thuật xâm lấn giúp giảm nguy cơ sảy thai, đẻ non do nguyên nhân hở eo tử cung.
1. Khâu vòng cổ tử cung là gì?
Khâu vòng cổ tử cung là thủ thuật khâu một đường vòng tròn quanh cổ tử cung để thu hẹp lỗ trong cổ tử cung, bảo vệ an toàn cho thai nhi trong bụng, tránh sảy thai và sinh non. Khâu vòng cổ tử cung được thực hiện khi mang thai từ 14 – 18 tuần, có thể từ 13 đến dưới 20 tuần.
Thai phụ được chỉ định khâu vòng cổ tử cung sau khi được khám tiền sử sản khoa, chẩn đoán bằng hình ảnh.
Tiền sử sản khoa hoặc siêu âm:
- Sảy thai to hoặc sinh non trước 28 tuần ≥ 2 lần liên tiếp với đặc điểm chuyển dạ sinh nhanh mà không gây đau.
- Có tiền sử sảy thai hoặc sinh non (từ 14 - 36 tuần) với đặc điểm chuyển dạ sinh nhanh mà không gây đau kèm theo yếu tố nguy cơ của hở eo tử cung: nong nạo buồng tử cung, khoét chóp, cắt đoạn cổ tử cung, rách cổ tử cung, bệnh lý collagen, bất thường ở tử cung hoặc cổ tử cung.
- Đo chiều dài cổ tử cung qua siêu âm đường âm đạo < 25mm và/hoặc có sự thay đổi cổ tử cung qua thăm khám ở tuổi thai trước 24 tuần kèm theo yếu tố nguy cơ hở eo tử cung.
Hình ảnh siêu âm cổ tử cung ngả âm đạo:
- Lỗ trong cổ tử cung hình phễu.
- Sự tương quan giữa chiều dài cổ tử cung và hình dạng lỗ trong cổ tử cung với các dạng T, Y, V, U.
- Chiều dài cổ tử cung < 25 mm.
- Hiện diện phần thai ở cổ tử cung hoặc âm đạo.
2. Khâu vòng cổ tử cung chỉ định trong trường hợp nào?
- Sẩy thai liên tiếp do hở eo tử cung.
- Trong các trường hợp tiền sử sảy thai từ hai lần trở lên mà nguyên nhân không rõ.
- Trong các trường hợp đặc biệt như song thai mà siêu âm đo chiều dài cổ tử cung dưới 25mm
3. Chống chỉ định
Những trường hợp dưới đây chống chỉ định với khâu vòng cổ tử cung:
- Tuổi thai trên 14 tuần.
- Viêm nhiễm âm đạo, cổ tử cung.
- Thai chết.
4. Các bước tiến hành khâu vòng cổ tử cung
- Bộc lộ cổ tử cung. Sát trùng vùng âm hộ, âm đạo và cổ tử cung.
- Tiến hành thủ thuật khâu vòng
- Kiểm tra nút chỉ. Sát trùng âm đạo và cổ tử cung.
5. Theo dõi sau phẫu thuật khâu vòng cổ tử cung
- Bệnh nhân được cho nghỉ lại giường sau 3 ngày để theo dõi chảy máu, cơn co tử cung, vỡ ối.
- Nhân viên y tế sẽ rút gạc sau 4-6 giờ.
- Điều trị kháng sinh (uống) và chống co tử cung.
- Bình thường thai phụ sẽ được xuất viện sau 3 ngày và được hướng dẫn vào viện lại khi có: cơn co tử cung, ra máu đường âm đạo, ra nước ối đường âm đạo, ngày cắt chỉ tính vừa đủ thai 37 tuần.
6. Tai biến có thể gặp sau khâu vòng cổ tử cung
- Ra máu: thường hết ra máu (trừ trường hợp bị bệnh về máu không phát hiện trước) sau khi chèn gạc cầm máu từ 3-4 giờ.
- Nhiễm trùng: do thủ thuật tiến hành không vô trùng, hoặc do ổ nhiễm trùng đường sinh dục chưa điều trị ổn định.
- Gây sẩy thai hoặc đẻ non: do có cơn co.
- Vỡ ối, hoặc rỉ ối.
- Gãy kim vào trong cổ tử cung.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Hướng dẫn Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Phụ Sản - Bộ Y tế