Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I - Chuyên khoa sản - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Rách âm đạo là tình huống sản khoa thường gặp trong quá trình chuyển dạ và sinh thường theo ngả âm đạo, đặc biệt là ở các thai phụ sinh con đầu lòng. Vết rách này làm kéo giãn âm đạo, giúp em bé có thể đi qua đường âm đạo dễ dàng hơn.
1. Rách âm đạo là gì?
Rách âm đạo là tình trạng xảy ra sau khi phụ nữ sinh thường hoặc sinh nhờ vào thủ thuật hỗ trợ như kẹp forceps, giác hút... Rách âm đạo thường đi kèm với rách tầng sinh môn. Những yếu tố khác cũng là nguyên nhân gây rách âm đạo bao gồm:
- Sản phụ thừa cân;
- Chuyển dạ nhanh;
- Thời gian chuyển dạ kéo dài;
- Thai ngôi mông với đầu hướng lên trên gây nhiều áp lực cho mẹ;
- Sản phụ lần đầu sinh con nên các mô cơ âm đạo chưa kịp thích ứng và kéo giãn đủ rộng.
2. Phân loại rách âm đạo
Tùy theo mức độ tổn thương, rách âm đạo được chia ra 3 loại:
- Rách âm đạo ở mức thấp: đây là loại rách ở 1/3 dưới âm đạo, thường kèm theo rách âm hộ và tầng sinh môn (khu vực giữa âm đạo và trực tràng).
- Rách âm đạo ở phần giữa: đây là trường hợp ít gặp hơn, gây tổn thương nặng và chảy máu nhiều hơn tuy nhiên nếu không bộc lộ rõ thì rất khó để phát hiện.
- Rách âm đạo cao: là loại rách ở 1/3 trên âm đạo, đây là trường hợp rách âm đạo hiếm gặp thường đi kèm với rách cùng đồ.
Rách âm đạo nếu không được phát hiện xử trí kịp thời có thể dẫn đến mất máu cấp, gây choáng và có khi tử vong cho sản phụ. Dù ở mức độ nào thì rách âm đạo cũng đều khiến bệnh nhân cảm thấy rất đau, thậm chí là khó có thể ngồi thẳng lưng. Trong trường hợp sản phụ chỉ bị rách âm đạo nhẹ, những triệu chứng khó chịu sẽ kéo dài từ 1 – 2 tuần. Trong thời gian này, những hành động gây áp lực xuống vùng dưới cơ thể như đi vệ sinh, ho hoặc hắt hơi... cũng gây đau cho sản phụ. Sang đến tuần thứ hai vết rách âm đạo sẽ dần liền lại và chỉ khâu tự tiêu, tuy nhiên sức cơ và các dây thần kinh vẫn cần thêm vài tuần để phục hồi hoàn toàn.
Khi sản phụ bị rách âm đạo ở mức độ nặng hơn thì quá trình phục hồi cũng mất nhiều thời gian hơn. Sản phụ sẽ có cảm giác đau nhức và khó chịu có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Nếu vết rách âm đạo quá nghiêm trọng còn có nguy cơ dẫn đến rối loạn các chức năng vùng khung chậu, sa tử cung và gây ra các vấn đề liên quan đến bài tiết và sinh hoạt tình dục.
3. Kỹ thuật khâu phục hồi rách âm đạo
Quy trình khâu và phục hồi sau rách âm đạo do rạch tầng sinh môn khi sinh thường hoặc dùng dụng cụ hỗ trợ được diễn ra như sau:
- Phụ tá giữ van bộc lộ âm đạo trong khi bác sĩ sản khoa hoặc nữ hộ sinh có kinh nghiệm sát trùng âm đạo, tầng sinh môn và thông tiểu;
- Gây tê tại chỗ bằng Lidocain 2% 2 ml + 3 ml nước cất để giảm đau, nhưng nếu sản phụ đã được gây tê ngoài màng cứng để giảm đau trong và sau khi sinh thì không cần áp dụng tăng thêm liều;
- Khâu lại vết rách âm đạo từ trên xuống dưới;
- Nếu rách âm đạo nông thì khâu 1 lớp khâu vắt bằng chỉ vicryl hoặc các loại chỉ tự tan khác; nếu rách sâu và phức tạp thì phải khâu nhiều lớp, mũi rời bằng chỉ tự tan;
- Sau khi khâu xong cần sát trùng lại âm đạo;
- Kiểm tra xem có khâu vào trực tràng không bằng cách cho 1 ngón tay vào hậu môn, nếu có cần phải cắt chỉ và khâu lại;
- Bước cuối cùng là sát trùng lại hậu môn.
Cần lưu ý trong quá trình khâu phục hồi rách âm đạo, lớp trên phải chồng lên lớp dưới để tránh máu tụ. Khâu lớp dưới đòi hỏi phải vừa sát qua đáy của tổn thương, điều này không chỉ giúp đề phòng máu tụ mà còn tránh khâu vào trực tràng.
4. Theo dõi và xử trí tai biến sau khi khâu phục hồi rách âm đạo
- Theo dõi toàn trạng: mạch, huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ.
- Theo dõi mức độ chảy máu âm đạo: nếu chảy máu phải tiến hành kiểm tra và khâu lại kịp thời.
- Theo dõi dấu hiệu tụ máu: có khối máu tụ, sản phụ thường có cảm giác tức vùng âm đạo, có cảm giác chèn ở vùng hậu môn trực tràng và có cảm giác mót rặn. Kiểm tra lại âm đạo và cắt chỉ lấy hết máu tụ, khâu lại cho hết phần đáy, khâu mũi rời nhiều lớp tránh để tạo khe hở.
- Theo dõi lượng máu mất và các xét nghiệm hồng cầu, hemoglobin khi cần thiết phải truyền máu.
- Dùng kháng sinh 5 ngày sau khi khâu chỗ rách âm đạo.
Với thể trạng tốt, tình trạng sản phụ bình thường vết khâu rách âm đạo sau sinh sẽ liền hoàn toàn trong khoảng 2 - 3 tuần, phục hồi cảm giác bình thường. Sau khi sinh khoảng 10 ngày âm hộ có thể ra khí hư, đây là diễn biến sinh lý bình thường, khoảng vài ngày sẽ hết. Nếu cơn đau kéo dài, có thể là nguyên nhân do nhiễm trùng hoặc do đường chỉ khâu quá chặt bạn nên đến bác sĩ phụ khoa để kiểm tra lại vết khâu rách âm đạo.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.