Kháng sinh là nhóm thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh gây ra bởi vi khuẩn nhờ tác dụng diệt trực tiếp vi khuẩn hoặc làm chậm sự phát triển của vi khuẩn giúp hỗ trợ cho hệ miễn dịch của cơ thể giải quyết tình trạng này. Trong một số bệnh lý nhiễm khuẩn cấp tính nghiêm trọng thì các kháng sinh mạnh, liều cao thường được sử dụng để cứu sống bệnh nhân, tuy nhiên vẫn có một số nguy cơ khi sử dụng cần được lưu ý.
1. Kháng sinh liều cao là gì?
Kháng sinh liều cao là phương pháp điều trị sử dụng các loại kháng sinh với liều lượng đủ lớn để điều trị những tình trạng nhiễm khuẩn nặng giúp giảm tình trạng viêm ở bệnh nhân. Có rất nhiều cách để phân loại kháng sinh, trong đó phổ biến là chia thành kháng sinh phổ rộng và kháng sinh phổ hẹp. Nếu kháng sinh phát huy tác dụng với nhiều dạng vi khuẩn gây bệnh khác nhau thì được xếp vào loại kháng sinh phổ rộng, còn kháng sinh chỉ hiệu quả cho một số chủng vi khuẩn nhất định thì được gọi là kháng sinh phổ hẹp.
Một số trường hợp điều trị kháng sinh mạnh có thể kể đến như:
- Bệnh nhân viêm phổi cộng đồng có các bệnh phối hợp như suy tim, suy hô hấp, suy thận, suy gan, đái tháo đường hoặc nghiện rượu, suy giảm miễn dịch thì có thể dùng Fluoroquinolon (moxifloxacin 400 mg/ngày) kết hợp với một beta-lactam (Amoxicillin liều cao 1g x 3 lần/ngày) để điều trị
- Bệnh nhân áp-xe phổi hay tràn mủ màng phổi điều trị nội khoa cũng cần sử dụng liều kháng sinh liều cao ngay từ đầu và phối hợp 2 loại kháng sinh theo đường tĩnh mạch hoặc tiêm bắp
- Bệnh nhân viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn cần điều trị sớm kháng sinh với mục đích là diệt khuẩn ở tổn thương sùi. Kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn, liều cao và phối hợp 2 kháng sinh đường tĩnh mạch trong 4-6 tuần
- Bệnh nhân viêm xương tủy nhiễm khuẩn cần dùng kháng sinh liều cao, đường tĩnh mạch, kết hợp kháng sinh kéo dài ít nhất 6 tuần
2. Những nguy cơ khi sử dụng kháng sinh mạnh
Hiện nay tác dụng không mong muốn của thuốc kháng sinh liều cao phổ biến nhất vẫn là buồn nôn và tiêu chảy. Tuy nhiên trên thực tế sử dụng kháng sinh liều cao vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác như:
- Nhiễm nấm: liều kháng sinh mạnh có thể làm thay đổi môi trường sống của các loại vi khuẩn trong cơ thể dẫn tới tình trạng nhiễm nấm dễ xảy ra ở một số bộ phận như miệng, da hoặc dưới móng tay
- Phản ứng dị ứng: người bệnh sử dụng kháng sinh liều cao có thể gặp các phản ứng dị ứng dẫn tới tình trạng như phát ban, ngứa mi mắt, môi sưng hay thậm chí là sốc phản vệ.
- Đổi màu răng: thuốc tetracyclin rất dễ dẫn tới hiện tượng thay đổi màu sắc răng đối với trẻ dưới 8 tuổi, trong khi đó thì phụ nữ mang thai nếu sử dụng loại thuốc kháng sinh này cũng có thể sinh ra em bé gặp phải vấn đề men răng trong tương lai
- Nhạy cảm với ánh sáng mặt trời: các thuốc kháng sinh tetracycline, fluoroquinolone và sulfone có thể tác động trực tiếp lên sự nhạy cảm của làn da với tia nắng mặt trời gây ra nguy cơ đỏ da hay cháy nắng
- Các vấn đề tim mạch: tác dụng phụ của kháng sinh liều cao đối có thể là các vấn đề tim mạch tuy không thường gặp như rối loạn nhịp tim hay huyết áp thấp.
Quý khách hàng có thể đến các nhà thuốc Vinmec trong hệ thống để được tư vấn sử dụng thuốc an toàn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.