Nhiều nghiên cứu mới cho thấy thuốc kháng sinh có thể làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai. Vậy có nên sử dụng phương pháp ngừa thai dự phòng (chẳng hạn như bao cao su) trong khi bạn dùng đồng thời thuốc kháng sinh với một thuốc tránh thai bằng nội tiết tố không?
1. Liệu thuốc kháng sinh có gây ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc tránh thai?
Trong nhiều năm, phụ nữ đã được tư vấn rằng biện pháp tránh thai của họ có thể trở nên kém hiệu quả hơn nếu họ cũng dùng một đợt kháng sinh cùng lúc. Lời khuyên thông thường từ các bác sĩ là dùng thêm một hình thức kiểm soát sinh sản vào biện pháp tránh thai (chẳng hạn như bao cao su), và có thể dùng trong 7 ngày sau khi kết thúc thuốc kháng sinh, để giúp tránh thai.
Ngày nay, hầu hết các nghiên cứu đều tuyên bố rằng thuốc kháng sinh, ngoại trừ thuốc trị lao rifampicin (còn được gọi là Rifadin và Rimactane) và có thể là các rifamycins khác như rifabutin, không làm thay đổi hiệu quả của các hình thức ngừa thai nội tiết như thuốc viên. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng nhiều nghiên cứu thiếu dữ liệu về tương tác thuốc và do đó không có khả năng phát hiện ra các tương tác không thường xuyên.
Ngược lại, một nghiên cứu cơ sở dữ liệu lớn mang tính quan sát từ BMJ Evidence-Based Medicine được công bố vào tháng 8 năm 2020 cho thấy khả năng mang thai khi kết hợp biện pháp ngừa thai và kháng sinh. Tuy nhiên, nghiên cứu này không thể chứng minh nguyên nhân và kết quả dựa trên thiết kế hồi cứu và những hạn chế của nghiên cứu.
Bởi vì nhiều nghiên cứu hiện nay đang mâu thuẫn với nhau, do đó bạn nên thảo luận về chủ đề này với bác sĩ của mình nếu bạn được kê đơn thuốc kháng sinh khi bạn sử dụng hình thức ngừa thai bằng nội tiết tố.
2. Các nghiên cứu hiện nay về ảnh hưởng của thuốc kháng sinh đối với thuốc tránh thai
- Theo Tiến sĩ Mitchell Kramer, Bệnh viện Northwell Health's Huntington ở Huntington, New York, một số loại thuốc kháng sinh sẽ ảnh hưởng đến sự chuyển hóa của hormone tránh thai. Do đó, họ khuyên những bệnh nhân đang dùng thuốc tránh thai nên sử dụng các biện pháp tránh thai bổ sung, chẳng hạn như bao cao su hoặc thuốc diệt tinh trùng, trong suốt thời gian dùng thuốc kháng sinh như một biện pháp phòng ngừa.
- Vào tháng 8 năm 2020, các nhà nghiên cứu từ Vương quốc Anh đã công bố một nghiên cứu quan sát trên Tạp chí Y học dựa trên bằng chứng BMJ, cho rằng các nghiên cứu trước đây về tương tác giữa thuốc kháng sinh và thuốc tránh thai đã mang lại nhiều kết quả khác nhau. Để làm rõ, Ferner và nhóm của ông đã theo dõi các báo cáo về các tác dụng không mong muốn của thuốc đã được các chuyên gia y tế và bệnh nhân báo cáo cho cơ quan quản lý thuốc và thiết bị y tế của Vương quốc Anh. Cụ thể, họ so sánh số ca mang thai ngoài ý muốn là khoảng 75.000 trường hợp tác dụng phụ đối với thuốc kháng sinh nói chung, khoảng 33.000 ca đối với thuốc cảm ứng enzym và hơn 65.500 loại thuốc khác. Có 46 trường hợp mang thai ngoài ý muốn trong các báo cáo về tác dụng phụ đối với thuốc kháng sinh (tỷ lệ 62 trên 100.000), 39 trường hợp trong các báo cáo về thuốc gây cảm ứng enzym (119 trên 100.000) và 6 trong các báo cáo về các loại thuốc khác. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người dùng thuốc kháng sinh có nguy cơ mang thai ngoài ý muốn cao gấp 7 lần so với các loại thuốc không liên quan khác. Mang thai ngoài ý muốn cũng phổ biến hơn 13 lần trong các báo cáo về các loại thuốc cảm ứng enzym, trong đó có một số loại thuốc kháng sinh. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng việc tính toán rủi ro tuyệt đối từ dữ liệu là không thể, và nguy cơ rủi ro sẽ khác nhau ở mỗi phụ nữ, tùy theo hoàn cảnh và tình trạng tâm sinh lý của cô ấy. Tuy nhiên, hầu hết đều đồng ý rằng nếu một phụ nữ đang sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết tố và một loại thuốc kháng sinh, cô ấy nên dùng thêm các biện pháp phòng ngừa tránh thai khi dùng một đợt ngắn thuốc kháng khuẩn.
- Theo kinh nghiệm lâm sàng, các chuyên gia y tế cho rằng chỉ một loại kháng sinh - rifamycin (nhãn hiệu: Rifadin và Rimactane) và ở mức độ thấp hơn là rifabutin - đã được chứng minh là làm cho thuốc tránh thai kém hiệu quả hơn. Rifampicin làm giảm hiệu quả bằng cách giảm nồng độ hormone kiểm soát sinh sản (ethinyl estradiol và progesterone) ở phụ nữ dùng thuốc tránh thai. Đây là mức nồng độ hormone cần thiết để ngăn chặn sự rụng trứng. Bên cạnh đó, Rifampicin là thuốc cảm ứng enzym trong gan, gây phá vỡ estrogen nhanh hơn bình thường. Giảm nồng độ hormone có thể làm giảm hiệu quả của việc kiểm soát sinh sản của bạn. Rifampin cũng có thể làm giảm hiệu quả của miếng dán ngừa thai qua da (Ortho Evra) và vòng âm đạo (NuvaRing), vì vậy nên sử dụng một hình thức ngừa thai khác với các sản phẩm này. Nên sử dụng phương pháp ngừa thai không dùng thuốc - ví dụ như bao cao su, màng ngăn hoặc vòng tránh thai bằng đồng, nếu dùng đồng thời với rifampin. Depo-Provera, thuốc ngừa thai, có thể là một lựa chọn khác.
- Một đánh giá năm 2018 được công bố trên Tạp chí Sản phụ khoa Hoa Kỳ cũng đồng tình với thông tin này. Các nhà nghiên cứu đã hoàn thành một đánh giá về nhiều nghiên cứu đáp ứng các tiêu chí, họ tìm cách xác định xem liệu tương tác giữa thuốc kháng sinh không phải rifampicin và thuốc tránh thai nội tiết tố có làm giảm hiệu quả hoặc tăng độc tính của một trong hai liệu pháp hay không. Các tác giả không tìm thấy bằng chứng ủng hộ sự tồn tại của tương tác thuốc giữa các biện pháp tránh thai bằng hormon và thuốc kháng sinh (không bao gồm rifamycins). Trong đó, hai nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt về tỷ lệ mang thai ở những phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai có và không có kháng sinh. Không có sự khác biệt nào về ức chế rụng trứng hoặc ra máu đột ngột đã được thấy trong bất kỳ nghiên cứu nào kết hợp thuốc tránh thai nội tiết tố với bất kỳ loại kháng sinh nào. Không có sự giảm đáng kể nào về thông số dược động học của progestin hoặc ethinyl estradiol xảy ra khi sử dụng bất kỳ loại kháng sinh nào. Từ đó, các tác giả kết luận rằng hầu hết phụ nữ không bị giảm hiệu quả tránh thai khi sử dụng đồng thời các biện pháp tránh thai nội tiết và kháng sinh (ngoại trừ rifamycins).
- Một đánh giá từ Tạp chí của Học viện Da liễu Hoa Kỳ nói rằng bằng chứng dược động học chứng minh mức độ steroid tránh thai uống không thay đổi khi sử dụng kết hợp kháng sinh, bao gồm: Ampicillin, ciprofloxacin, clarithromycin, doxycycline, metronidazole, ofloxacin, roxithromycin, tetracycline
Ngoại trừ thuốc rifampicin thì ảnh hưởng của những thuốc kháng sinh khác lên thuốc tránh thai vẫn chưa được chứng minh rõ ràng, do đó nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc kháng sinh nào, hãy sử dụng bao cao su như một phương pháp dự phòng. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về việc chuyển sang một phương pháp ngừa thai khác (ví dụ: vòng tránh thai bằng đồng hoặc màng ngăn) nếu bạn sẽ sử dụng các loại thuốc kháng sinh trong một thời gian dài. Bạn cũng cần biết rằng, nguyên nhân chính khiến phụ nữ có thai khi sử dụng thuốc tránh thai là do họ uống không đúng cách. Thuốc tránh thai thất bại trong ít nhất 1% trường hợp trong điều kiện hoàn hảo và lên đến 9% trường hợp sử dụng thuốc thông thường, vì vậy uống thuốc theo chỉ dẫn hoặc trung thành sử dụng các biện pháp tránh thai đáng tin cậy khác là chìa khóa để tránh thai hiệu quả. Các biến cố khác, chẳng hạn như nôn mửa hoặc tiêu chảy trong hơn 48 giờ sau khi dùng thuốc cũng có thể làm giảm hiệu quả tránh thai của thuốc viên.
Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.