Kháng insulin và hội chứng buồng trứng đa nang PCOS

Kháng insulin và hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là hai vấn đề sức khỏe có mối liên hệ chặt chẽ, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của phụ nữ. Khoảng 30-40% phụ nữ mắc PCOS cũng gặp phải tình trạng kháng insulin, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, tim mạch và gặp khó khăn trong quá trình mang thai.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Khoảng 30-40% phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) cũng bị kháng insulin, một dạng rối loạn làm tăng mức đường huyết, có nguy cơ cao mắc tiền tiểu đường và tiểu đường type 2.  

Hội chứng này gây ảnh hưởng đến hormone của phụ nữ, làm tăng lượng hormone nam trong cơ thể. Chính sự mất cân bằng này dẫn đến rối loạn chu kỳ kinh nguyệt và gặp khó khăn khi mang thai.

Thêm vào đó, tình trạng phát triển lông trên mặt và cơ thể cũng như hói đầu là một trong những tác động của PCOS. Ngoài ra, bệnh này còn làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe lâu dài như bệnh tim và tiểu đường. May mắn thay, thuốc tránh thai và các loại thuốc điều trị tiểu đường (chống lại tình trạng kháng insulin, một biểu hiện của PCOS) có thể hỗ trợ cân bằng hormone và giảm bớt triệu chứng.

1.1. Hội chứng đa nang buồng trứng (PCOS) là gì?

PCOS là một rối loạn nội tiết tố ảnh hưởng đến phụ nữ trong độ tuổi sinh sản từ 15 đến 44 tuổi. Tỷ lệ phụ nữ mắc PCOS trong độ tuổi này dao động từ 2,2% đến 26,7%. Mặc dù nhiều phụ nữ mắc phải tình trạng này nhưng không phải ai cũng nhận thức được. Một nghiên cứu chỉ ra rằng có đến 70% phụ nữ bị PCOS nhưng không được chẩn đoán.

PCOS tác động đến buồng trứng của phụ nữ - nơi sản xuất các hormone estrogen và progesterone giúp điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, buồng trứng cũng tạo ra một lượng nhỏ nội tiết tố nam được gọi là androgen.

Quá trình giải phóng trứng từ buồng trứng, hay còn gọi là rụng trứng, diễn ra mỗi tháng và cần được thụ tinh bởi tinh trùng nam giới. Sự rụng trứng được điều khiển bởi hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone tạo hoàng thể (LH), được sản xuất từ tuyến yên. FSH kích thích tạo ra nang trứng trong buồng trứng, sau đó LH kích hoạt buồng trứng để giải phóng trứng trưởng thành.

Mỗi tháng, buồng trứng sẽ giải phóng một trứng để thụ tinh với tinh trùng từ nam giới. Quá trình này được gọi là rụng trứng. Hormone tạo hoàng thể (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH) được sản xuất bởi tuyến yên đóng vai trò điều tiết quá trình rụng trứng. FSH kích thích buồng trứng sản sinh nang trứng – một túi chứa trứng – sau đó LH thúc đẩy buồng trứng giải phóng trứng đã trưởng thành.

PCOS được coi là một hội chứng hoặc nhóm triệu chứng ảnh hưởng trực tiếp đến buồng trứng và quá trình rụng trứng. Trong đó, ba triệu chứng buồng trứng đa nang thường gặp nhất là:

  • U nang trong buồng trứng.
  • Nồng độ nội tiết tố nam có trong cơ thể tăng cao.
  • Kinh nguyệt không đều hoặc thậm chí bị tắt kinh.

PCOS là tình trạng buồng trứng phát triển nhiều nang nhỏ chứa đầy chất lỏng. Từ "đa nang" có nghĩa là "nhiều u nang". Những nang này thực ra là các nang trứng với mỗi nang chứa một trứng chưa phát triển hoàn toàn. Trứng không bao giờ trưởng thành đủ để kích hoạt quá trình rụng trứng. Sự thiếu hụt quá trình rụng trứng sẽ dẫn đến sự thay đổi nồng độ của estrogen, progesterone, FSH và LH. Trong đó, mức progesterone sẽ thấp hơn mức bình thường, trong khi mức androgen lại cao hơn.

Các kích thích tố nam bổ sung làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt khiến cho phụ nữ mắc PCOS có kinh nguyệt ít hơn bình thường. PCOS không phải là một căn bệnh mới, một bác sĩ người ý tên Antonio Vallisneria đã mô tả các triệu chứng lần đầu vào năm 1721. 

Có tới 30-40% phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
Có tới 30-40% phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang.

1.2. Nguyên nhân của hội chứng buồng trứng đa nang

Nguyên nhân chính xác gây hội chứng đa nang buồng trứng vẫn chưa được các bác sĩ xác định rõ. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng mức độ hormone nam cao sẽ làm cản trở quá trình sản xuất hormone và tạo ra trứng bình thường trong buồng trứng. Ngoài ra, các yếu tố như gen, kháng insulin và viêm nhiễm cũng có liên quan đến việc dư thừa androgen.

1.2.1 Di truyền

Các nghiên cứu chỉ ra rằng PCOS thường xuất hiện trong các gia đình có tiền sử mắc bệnh. Các nhà khoa học tin rằng nhiều gen - không phải chỉ một đã góp phần gây ra hội chứng này.

1.2.2 Kháng insulin

PCOS khiến 70% phụ nữ gặp phải tình trạng kháng insulin, khiến các tế bào không thể sử dụng insulin đúng cách.  

Insulin là một hormone do tuyến tụy tạo ra, có vai trò hỗ trợ cơ thể sử dụng đường trong thực phẩm để tạo năng lượng. Khi các tế bào không thể sử dụng insulin hiệu quả, nhu cầu insulin trong cơ thể sẽ gia tăng.  

Để đáp ứng nhu cầu này, tuyến tụy sẽ sản xuất thêm insulin. Việc bổ sung insulin sẽ kích thích buồng trứng sản xuất nhiều hormone nam hơn. Trong đó, béo phì là nguyên nhân chính gây ra tình trạng kháng insulin. Tuy nhiên, cả béo phì lẫn kháng insulin đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

1.2.3 Viêm

Tình trạng viêm trong cơ thể phụ nữ bị PCOS thường có xu hướng tăng lên và việc thừa cân cũng góp phần dẫn đến viêm. Các nghiên cứu đã chỉ ra sự liên kết giữa mức độ viêm quá mức và nồng độ androgen cao trong cơ thể phụ nữ.

1.3. Các triệu chứng phổ biến của hội chứng buồng trứng đa nang

Các dấu hiệu của đa nang buồng trứng bắt đầu xuất hiện ở một số phụ nữ ngay trong kỳ kinh đầu tiên, trong khi những người khác lại chỉ phát hiện ra bản thân bị PCOS sau khi tăng cân hoặc gặp trở ngại trong quá trình mang thai. Các triệu chứng phổ biến nhất của PCOS bao gồm:

  • Kinh nguyệt không đều: Tình trạng thiếu rụng trứng sẽ khiến cho niêm mạc tử cung không thể bong ra hàng tháng. Một số phụ nữ mắc hội chứng đa nang buồng trứng (PCOS) chỉ có dưới 8 kỳ kinh mỗi năm hoặc thậm chí không có kỳ kinh nào.
  • Chảy máu nhiều: Do niêm mạc tử cung hình thành trong một thời gian dài nên phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang sẽ có các triệu chứng kỳ kinh nguyệt nặng nề hơn so với bình thường.
  • Mọc nhiều lông: Tình trạng mọc lông trên mặt và cơ thể bao gồm lưng, bụng và ngực ảnh hưởng đến hơn 70% phụ nữ.
  • Mụn: Da tiết nhiều dầu hơn bình thường và gây mụn ở các khu vực như mặt, ngực và lưng trên do tác động của nội tiết tố nam.
  • Tăng cân: Thừa cân hoặc béo phì là vấn đề dễ gặp phải ở khoảng 80% phụ nữ bị PCOS.
  • Hói đầu kiểu nam: Tóc trên da đầu trở nên mỏng hơn và có thể rụng.
  • Sạm da: Trên cơ thể, các nếp nhăn hình thành từ những mảng da sẫm màu như ở vùng cổ, bẹn và dưới vú.
  • Nhức đầu: Một số phụ nữ có thể gặp phải cơn đau đầu do sự thay đổi hormone. 
Kinh nguyệt không đều là triệu chứng điển hình của hội chứng buồng trứng đa nang.
Kinh nguyệt không đều là triệu chứng điển hình của hội chứng buồng trứng đa nang.

1.4. Điều trị hội chứng buồng trứng đa nang

Một số loại thuốc bao gồm thuốc tránh thai hỗ trợ điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt và điều trị các triệu chứng của PCOS như mọc tóc và mụn trứng cá.

1.4.1 Sử dụng thuốc tránh thai

Khi sử dụng progestin mỗi ngày sẽ:

  • Khôi phục mức độ cân bằng hormone tự nhiên
  • Điều hòa quá trình rụng trứng
  • Giảm bớt các triệu chứng như mọc lông thừa.
  • Ngăn ngừa ung thư nội mạc tử cung
  • Các hormone này có trong một viên thuốc, miếng dán hoặc vòng âm đạo.

1.4.2 Metformin

Metformin (Glucophage, Fortamet) là thuốc điều trị bệnh tiểu đường loại 2 và cũng được sử dụng để điều trị PCOS bằng cách cải thiện mức insulin. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc kết hợp metformin với thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục mang lại hiệu quả tốt hơn trong quá trình giảm cân, giảm lượng đường huyết và phục hồi chu kỳ kinh nguyệt bình thường so với chỉ thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục.

1.4.3 Clomiphene

Clomiphene (Clomid) là thuốc hỗ trợ sinh sản, giúp phụ nữ bị PCOS có cơ hội mang thai. Tuy nhiên, khi thảo luận về kế hoạch hóa gia đình, chị em cần lưu ý rằng clomiphene làm tăng khả năng sinh đôi và sinh nhiều con. 

Người bệnh có thể sử dụng thuốc điều trị hội chứng buồng trứng đa nang.
Người bệnh có thể sử dụng thuốc điều trị hội chứng buồng trứng đa nang.

1.4.4 Thuốc tẩy lông

Một số phương pháp điều trị có thể loại bỏ lông không mong muốn hoặc ngăn lông mọc. Trong đó, kem Eflornithine (Vaniqa) là một thuốc kê đơn có khả năng làm chậm sự phát triển của tóc. Tẩy lông bằng laser và điện phân cũng là những phương pháp hữu ích giúp loại bỏ lông không mong muốn trên mặt và cơ thể.

1.4.5 Phẫu thuật

Nếu các phương pháp điều trị đa nang buồng trứng khác không hiệu quả, phẫu thuật là giải pháp giúp cải thiện khả năng sinh sản. Thủ thuật khoan buồng trứng tạo ra các lỗ nhỏ trên buồng trứng, sử dụng tia laser hoặc kim mỏng nung nóng nhằm khôi phục lại quá trình rụng trứng bình thường.

2. Kháng insulin và hội chứng buồng trứng đa nang PCOS

2.1. Kháng insulin là gì?

Khi cơ thể hoạt động bình thường, hormone insulin sẽ gia tăng trong thời gian ngắn ngay sau khi ăn, giúp gan và cơ bắp hấp thụ đường từ máu và chuyển hóa thành năng lượng. Quá trình này làm giảm lượng đường trong máu và sau đó nồng độ insulin cũng giảm.  

Khi tình trạng độ nhạy insulin bình thường, cả đường và insulin sẽ có mức độ bình thường khi xét nghiệm máu lúc đói. Tuy nhiên, khi gặp phải tình trạng kháng insulin, mức đường trong máu có thể vẫn bình thường nhưng nồng độ insulin lại tăng cao.

Nguyên nhân nồng độ insulin tăng cao là do tuyến tụy phải sản xuất nhiều insulin để cố gắng truyền tải tín hiệu. Mức insulin cao sẽ kích thích viêm và gây tăng cân. Hơn nữa, tình trạng này cũng có khả năng dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2 và các vấn đề về tim mạch. Ngoài ra, quá nhiều insulin cũng là một yếu tố sinh lý cơ bản của hội chứng buồng trứng đa nang.

2.2. Mối quan hệ giữa kháng insulin và hội chứng buồng trứng đa nang

Một đặc điểm quan trọng của PCOS (dù là béo phì hay gầy) chính là kháng insulin. Tỷ lệ người bị kháng insulin lên tới 70-95% ở những người bệnh béo phì và 30-75% ở những bệnh nhân gầy.

Insulin cao không chỉ phản ánh triệu chứng của PCOS mà còn là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh lý này. Thêm vào đó, insulin cao cũng làm giảm khả năng rụng trứng và khiến buồng trứng sản xuất thừa testosterone dư thừa.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ mắc PCOS ngày càng gia tăng song song với tình trạng gia tăng béo phì và tăng cân trong suốt mười năm qua. Trong khi đó, một bài viết khác ghi nhận sự gia tăng đáng kể (của PCOS) đi kèm với tình trạng gia tăng của bệnh tiểu đường type 2.

2.3. Kiểm tra kháng insulin

Việc xác nhận tình trạng kháng insulin cần phải được thực hiện qua các xét nghiệm máu như insulin lúc đói, chỉ số HOMA-IR hoặc xét nghiệm thử thách đường insulin trong 2 giờ.  

Bằng cách kiểm tra tình trạng kháng insulin, bác sĩ sẽ nhận diện được các bệnh nhân PCOS không gặp vấn đề về insulin, ví dụ như nhóm mắc PCOS tuyến thượng thận và nhóm vô kinh vùng dưới đồi nhưng bị chẩn đoán nhầm là “PCOS gầy.”

2.4. Điều trị thông thường đối với kháng insulin và hội chứng buồng trứng đa nang

Để cải thiện độ nhạy insulin trong PCOS, các khuyến nghị điều trị thường bao gồm giảm cân, tập thể dục nhịp điệu và sử dụng thuốc metformin. Bên cạnh đó, tập luyện sức đề kháng cũng có thể mang lại hiệu quả nhưng cần nghiên cứu thêm.

Một phương pháp điều trị khác được khuyến nghị cho PCOS là thuốc tránh thai đường uống nhưng loại thuốc này lại có thể làm gián đoạn quá trình điều chỉnh mức đường huyết và kháng insulin - hai yếu tố then chốt của hội chứng này. Mối quan hệ giữa thuốc tránh thai uống, kháng insulin và hội chứng buồng trứng đa nang được xem là một “thách thức trong y học hiện đại” và cần được nghiên cứu thêm.

2.5. Vai trò của fructose trong kháng insulin

Giảm lượng fructose trong chế độ ăn uống là biện pháp hiệu quả nhất đối với những bệnh nhân mắc hội chứng buồng trứng đa nang.

Fructose không phải là vấn đề khi tiêu thụ ở một lượng nhỏ nhưng khi dùng với liều lượng cao thì sẽ gây hại. Ví dụ, fructose từ trái cây với lượng ít không gây kháng insulin, ngược lại còn giúp cải thiện sự nhạy cảm với insulin và sức khỏe. 

Tuy nhiên, lượng fructose lớn từ các món tráng miệng, nước ngọt và nước trái cây sẽ có tác dụng lại khác. Một nhà nghiên cứu giải thích rằng: "Cách cơ thể xử lý một lượng đường nhỏ và lớn có sự khác biệt sinh lý. Khi tiêu thụ ở liều cao, fructose có thể vượt qua các con đường xử lý bình thường ở ruột non và tới gan, nơi chất này có thể gây viêm và giảm độ nhạy insulin." 

Kháng insulin và hội chứng buồng trứng đa nang có mối liên hệ chặt chẽ. Trong đó, kháng insulin xảy ra ở 70-95% phụ nữ PCOS béo phì.
Kháng insulin và hội chứng buồng trứng đa nang có mối liên hệ chặt chẽ. Trong đó, kháng insulin xảy ra ở 70-95% phụ nữ PCOS béo phì.

2.6. Bổ sung dinh dưỡng cho kháng insulin và hội chứng buồng trứng đa nang

Inositol là một chất truyền tin nội bào có liên quan đến quá trình truyền tín hiệu insulin được sử dụng như một chất bổ sung dinh dưỡng (bao gồm myo-inositol và di-chiro inositol). Một nghiên cứu tổng hợp về vấn đề “kháng insulin và hội chứng buồng trứng đa nang“ năm 2018 gồm mười thử nghiệm ngẫu nhiên cho thấy inositol có khả năng cải thiện rõ rệt các dấu hiệu của kháng insulin và điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt, cải thiện khả năng rụng trứng, đồng thời gây ra những thay đổi về trao đổi chất trong hội chứng buồng trứng đa nang. Trong đó, liều lượng thường được sử dụng trong các thử nghiệm ngẫu nhiên dao động từ 1,2 đến 4 gram mỗi ngày.

Được khuyến nghị sau inositol, magie là một chất bổ sung quan trọng trong việc điều trị kháng insulin bởi khả năng điều chỉnh tình trạng thiếu magiê cận lâm sàng phổ biến, nhiều nhà nghiên cứu nghi ngờ tình trạng này có thể là nguyên nhân góp phần gây ra kháng insulin và các bệnh tim mạch.

Thiếu magiê tác động đến ít nhất một phần ba dân số và con số thực tế có thể còn cao hơn nữa. Ngoài ra, quá trình chẩn đoán tình trạng này thông qua xét nghiệm máu lại không dễ dàng hay đáng tin cậy.

Một nghiên cứu tổng hợp gần đây kết luận rằng bổ sung magiê là biện pháp hiệu quả để điều trị kháng insulin ở những người thiếu magiê. Hơn nữa, một nghiên cứu nhỏ cũng chỉ ra rằng bổ sung đồng thời magie, kẽm, canxi và vitamin D đã giúp cải thiện sự chuyển hóa insulin ở bệnh nhân mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).

Kháng insulin hoặc insulin cao là tình trạng phổ biến ở những người mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Insulin cao không chỉ là một triệu chứng của PCOS mà còn đóng vai trò như một yếu tố sinh lý cơ bản.  

3. Đa nang buồng trứng nên ăn gì

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nữ giới mắc bệnh đa nang buồng trứng nên tiêu thụ các loại thực phẩm có khả năng kiểm soát insulin nhằm làm giảm các triệu chứng bệnh và duy trì cân nặng ở mức hợp lý, bao gồm:  

  • Các loại rau xanh chứa nhiều vitamin nhóm B
  • Thực phẩm giàu omega-3
  • Thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp
  • Thực phẩm giàu protein
  • Vitamin D
  • Men tiêu hóa

Trên đây là tất cả thông tin về vấn đề kháng insulin và hội chứng buồng trứng đa nang. Nhìn chung, việc kiểm tra kháng insulin sẽ hữu ích trong quá trình loại trừ các tình trạng thường bị chẩn đoán nhầm là PCOS. Mặc dù hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) được cho là chỉ ảnh hưởng đến buồng trứng nhưng thực tế lại không phải như vậy. Tuy PCOS có tác động đến sự rụng trứng và buồng trứng nhưng bản chất lại là một rối loạn chuyển hóa và nội tiết toàn cơ thể, đặc biệt liên quan đến kháng insulin.

Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website (vinmec.com) để được phục vụ. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ