Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội Tổng Quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Kháng insulin có nghĩa là cơ thể bạn không đáp ứng đúng với insulin mà cơ thể tạo ra, theo thời gian, sẽ dẫn tới làm tăng lượng đường trong máu. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến bạn dễ mắc bệnh tiểu đường type 2, nhưng không nhất thiết có đề kháng insulin sẽ dẫn đến các bệnh này. Tập thể dục và chế độ ăn uống tốt sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh.
1. Kháng insulin là gì?
Kháng insulin là khi các tế bào trong cơ, mỡ và gan không đáp ứng hoặc bản thân các tế bào chống lại sự tăng insulin máu và không thể sử dụng glucose từ máu để lấy năng lượng. Khi thấy lượng glucose trong máu tăng do không được các tế bào sử dụng, tuyến tụy lại càng tạo ra nhiều insulin hơn.
Hội chứng đề kháng insulin hoặc hội chứng chuyển hóa gồm một nhóm các vấn đề như béo phì, huyết áp cao, cholesterol cao và tiểu đường type 2.
2. Triệu chứng kháng insulin
Người bệnh không thể tự chẩn đoán được tình trạng kháng insulin do tình trạng này phải xét nghiệm máu thì mới phát hiện ra. Bên cạnh đó, các triệu chứng của tình trạng này có thể khiến người bệnh không nghĩ đó là tình trạng kháng insulin như huyết áp cao, mức cholesterol loại tốt ở mức thấp và triglyceride cao.
Một số dấu hiệu kháng insulin bao gồm:
- Một vòng eo trên 102cm đối với nam và 90cm đối với nữ
- Chỉ số huyết áp từ 130/80 mmHg trở lên
- Nồng độ glucose lúc đói trên 100 mg/dL
- Nồng độ fasting triglyceride lúc đói trên 150 mg/dL
- Nồng độ cholesterol HDL dưới 40 mg/dL ở nam và 50 mg/dL ở nữ
- Thịt dư da (Skin tags)
- Các mảng da sẫm màu, mượt mà hay còn gọi là bệnh gai đen (acanthosis nigricans).
3. Các yếu tố nguy cơ gây kháng insulin
Những yếu tố sau đây có thể khiến bạn gia tăng kháng insulin bao gồm:
- Béo phì, đặc biệt là mỡ bụng
- Lối sống thụ động
- Chế độ ăn nhiều carbohydrate
- Tiểu đường thai kỳ
- Có bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
- Có hội chứng buồng trứng đa nang
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường
- Hút thuốc lá
- Các chủng tộc dễ mắc kháng insulin như người châu Phi, La tinh hoặc người Mỹ bản địa
- Từ 45 tuổi trở lên
- Mắc rối loạn nội tiết tố như hội chứng Cushing và bệnh to đầu chi (acromegaly)
- Sử dụng các loại thuốc như steroid, thuốc chống loạn thần và thuốc điều trị HIV
- Có vấn đề về giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ
4. Chẩn đoán
Để chẩn đoán kháng insulin, bác sĩ sẽ phải hỏi về các triệu chứng hiện tại, tiền sử bệnh của bản thân và tiền sử y tế của gia đình bạn. Tiếp theo là kiểm tra chiều cao cân nặng và huyết áp. Để khẳng định chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm máu như sau:
- Xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói (fasting plasma glucose). Xét nghiệm này đo lượng đường trong máu của bạn sau khi lần ăn gần nhất cách ít nhất 8 giờ.
- Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống (oral glucose tolerance test). Đầu tiên, bạn sẽ làm xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói. Sau đó, bạn sẽ uống lượng glucose tương đương với 75g glucose, hòa tan trong 250-300ml nước, uống trong 5 phút. Hai giờ sau, xét nghiệm lại glucose huyết tương.
- Xét nghiệm HbA1c. Xét nghiệm máu này cho thấy lượng đường trong máu trung bình của bạn trong 2 đến 3 tháng qua. Các bác sĩ sử dụng xét nghiệm này để chẩn đoán tiền tiểu đường hoặc tiểu đường.
5. Làm thế nào kháng insulin tiến triển thành bệnh tiểu đường type 2
Khi có kháng insulin, tuyến tụy của bạn sẽ tạo thêm insulin để bù vào, trong một thời gian ngắn, việc này sẽ đưa lượng đường trong máu của bạn trở về bình thường.
Tuy nhiên, theo thời gian, tuyến tụy không thể tăng cường sản xuất để có thể bù lại lượng insulin để đưa glucose vào tế bào. Nếu bạn không thay đổi cách ăn uống và tập thể dục, lượng đường trong máu sẽ tăng cho đến khi bạn bị tiền tiểu đường. Khi đó, các kết quả xét nghiệm máu sẽ cho thấy:
- Xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói: 100-125
- Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống: 140-199 sau xét nghiệm thứ hai
- Kết quả HbA1c từ 5,7% đến 6,4%
Nếu bạn không thể kiểm soát tình trạng tiền tiểu đường thì sẽ dẫn tới bệnh tiểu đường type 2 với các chỉ số xét nghiệm như sau:
- Xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói: 126 hoặc cao hơn
- Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống: 200 hoặc cao hơn sau xét nghiệm thứ hai
- Kết quả HbA1c từ 6,5% trở lên
6. Điều trị và phòng ngừa kháng insulin
Bạn có thể thực hiện các bước sau để đảo ngược tình trạng kháng insulin và phòng ngừa bệnh tiểu đường type 2:
- Tập thể dục. Đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày trở lên trong một tuần.
- Đạt trọng lượng phù hợp. Nếu bạn không chắc chắn cân nặng bao nhiêu là phù hợp với bạn hoặc làm thế nào để đạt được mục tiêu giảm cân, hãy xin ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện kế hoạch này.
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh như trái cây, rau, ngũ cốc, các loại hạt, đậu, cá, các loại đậu và protein nạc.
- Uống thuốc. Bác sĩ có thể kê đơn một loại thuốc được gọi là metformin (Fortamet, Glucophage, Glumetza, Riomet) để kiểm soát lượng đường trong máu.
7. Biến chứng kháng insulin
Nếu hội chứng chuyển hóa không được điều trị, nó có thể dẫn đến:
- Đường huyết cao
- Hạ đường huyết
- Đau tim
- Đột quỵ
- Bệnh thận
- Những vấn đề về mắt
- Ung thư
- Bệnh Alzheimer
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang triển khai Gói Sàng lọc tim mạch và tiểu đường dưới sự thực hiện của đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm và sự hỗ trợ của trang thiết bị công nghệ hiện đại, sẽ giúp đưa ra kết quả xét nghiệm tiểu đường chính xác nhất, từ đó đề ra phác đồ điều trị phù hợp.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.