Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi BSCK I. Trần Thị Thu Hà, Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Khi xã hội càng phát triển, đời sống của con người ngày càng được nâng cao, cũng như rất nhiều vấn đề khác, việc sinh nở của chị em phụ nữ rất được quan tâm và chú trọng, đặc biệt là các chu kỳ khám thai.
Mặc dù rất đơn giản nhưng với những người mới làm mẹ lần đầu thì chắc chắn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc khám thai, không biết đi khám thai như thế nào, khám thai lần đầu là khám những gì? Ngay cả với những người đã có nhiều kinh nghiệm thì việc xác định thời gian và quy trình khám thai lần đầu cũng có thể chưa nắm rõ.
Trên thực tế, không phải ai cũng xác định được thời gian khám thai lần đầu trong chu kỳ khám thai cho hợp lý. Theo các bác sĩ chuyên khoa thì không nên đi khám thai lần đầu quá sớm vì sẽ làm ảnh hưởng đến thai nhi và có thể chưa phát hiện được dấu hiệu mang thai. Thông thường, trong 2 tuần đầu sau khi thụ thai thành công, trứng sẽ ở lại trong vòi tử cung khoảng 48 giờ và thực hiện các hoạt động phân bào. Đến 2 - 3 ngày tiếp theo hợp tử sẽ di chuyển vào tử cung và làm tổ ở đó. Mốc thời gian được đánh dấu khi người phụ nữ bị chậm kinh đến lúc khám thai lần đầu là khoảng 3 tuần.
Thời gian và quy trình khám thai lần đầu quan trọng nhất trong suốt quá trình mang thai. Vậy khám thai lần đầu như thế nào? Thông thường, bác sĩ sẽ kiểm tra chi tiết tiền sử sức khỏe của người mẹ, kiểm tra tình hình sức khỏe hiện tại và làm các xét nghiệm cần thiết. Quy trình khám thai lần đầu bao gồm:
- Bác sĩ sẽ hỏi – đáp tiền sử bệnh và sức khỏe của mẹ: Mẹ cần phải cung cấp thật chi tiết về tiền sử bệnh cũng như sức khỏe của mình để giúp bác sĩ nắm rõ nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất cho quy trình khám thai lần đầu cũng như ở những lần khám thai tiếp theo.
- Hỏi về lần mang thai: Để xác nhận tình trạng mang thai của mẹ thông qua các câu hỏi. Người mẹ cần phải cung cấp thật chi tiết về tiền sử bệnh cũng như sức khỏe của mình để giúp bác sĩ nắm rõ.
- Khám chi tiết về tình trạng sức khỏe hiện tại: Trong quy trình khám thai lần đầu tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra tình hình sức khỏe của mẹ bầu.
- Thực hiện một số xét nghiệm cần thiết: Tùy vào từng cơ sở y tế mà mẹ có thể phải thực hiện các xét nghiệm khác nhau. Tuy nhiên, các xét nghiệm căn bản của một mẹ bầu trong quy trình khám thai lần đầu bao giờ cũng gồm một hoặc nhiều xét nghiệm như: Xét nghiệm nhóm máu và mức độ thiếu máu của mẹ, xét nghiệm beta HCG, siêu âm, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm để kiểm tra về khả năng mức độ lây nhiễm các căn bệnh lây qua đường tình dục như AIDS, viêm gan B...
- Bác sĩ giải đáp thắc mắc của mẹ bầu: Nếu mẹ bầu còn có thêm những thắc mắc cần được tư vấn thì cũng có thể trao đổi với bác sĩ trong lần khám thai đầu tiên.
Ngoài việc chú ý đến thời gian chu kỳ khám thai, mẹ bầu cũng cần lựa chọn bác sĩ hoặc những cơ sở y tế có uy tín để thực hiện các bước thăm khám diễn ra đúng quy trình, an toàn và đạt hiệu quả cao. Nên chuẩn bị trước những thắc mắc của bản thân, liệt kê ra giấy hoặc ghi chú lại để có thể nhận được sự giải đáp từ phía bác sĩ một cách tốt nhất. Cần giữ lại kết quả khám của lần đầu tiên để làm cơ sở chẩn đoán và theo dõi cho những lần khám sau.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.