Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Hồ Viết Lệ Diễm - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Tiền sử gia đình mắc bệnh mạch vành là một phần quan trọng trong khai thác tiền sử bệnh khi khám sức khỏe tổng quát, nhất là trước các đối tượng trung niên hay đã có sẵn các nguy cơ đi kèm. Điều này cần lưu ý chủ động thăm hỏi ngay cả khi người bệnh hoàn toàn không có triệu chứng gì. Chỉ khi thực hiện được như vậy, việc khám sức khỏe tổng quát mới đem lại ý nghĩa cao nhất.
1. Tiền sử gia đình mắc bệnh mạch vành là gì?
Tiền sử bệnh án là những thông tin xung quanh lý do đến khám bệnh của bệnh nhân cũng như thông tin liên quan đến người bệnh về mặt y tế của chính bản thân người bệnh, người thân trong gia đình, người sống gần xung quanh và môi trường. Đây là một giai đoạn quan trọng trong quy trình khám và điều trị bệnh tại bệnh viện hay bất kỳ một cơ sở y tế nào.
Trong một số trường hợp, thông tin về tiền sử bệnh cá nhân và gia đình lại có mối quan hệ mật thiết, là gợi ý chẩn đoán nhanh chóng trong các tình huống phức tạp và nguy cấp.
Đối với tiền sử gia đình mắc bệnh mạch vành, đây là yếu tố nguy cơ di truyền của bệnh tật quan trọng của bản thân người bệnh. Điều này có là nguy cơ mắc bệnh của các đối tượng này cao hơn gấp nhiều lần so với người cùng trang lứa nhưng không có tiền sử gia đình mắc bệnh mạch vành. Mặt khác, đây còn là cơ sở để chẩn đoán chính xác và cung cấp dịch vụ chăm sóc thích hợp cho từng bệnh nhân, nhất là các đối tượng từng có tiền căn hay nguy cơ cao của bệnh. Do đó, bác sĩ cần dành khoảng thời gian ban đầu để thăm hỏi tiền sử kỹ lưỡng. Ngoại trừ các tình huống khẩn cấp, điều này không bao giờ là lãng phí mà còn là cơ hội giúp bệnh nhân thoải mái và xây dựng niềm tin vào khả năng của bác sĩ.
Trong đó, bác sĩ sẽ tập trung vào các dấu hiệu kinh điển của bệnh tim mạch như đau ngực hoặc các triệu chứng khác. Lúc này, người bệnh sẽ được yêu cầu bạn mô tả cơn đau với các đặc điểm về vị trí, hướng lan, tình huống khởi phát hay các dấu hiệu khác đi kèm như buồn nôn, nôn, khó thở, chóng mặt, ngất xỉu, nhịp tim nhanh, nhịp tim không đều...
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng cần hỏi đến sức khỏe tổng quát và lối sống của người bệnh, như các xét nghiệm tim mạch trước đây, mức độ cholesterol, huyết áp, thói quen tập thể dục, hút thuốc hay dùng chất kích thích, mức độ căng thẳng và các lĩnh vực khác trong cuộc sống.
Cuối cùng, một tiền sử y tế chi tiết của các thành viên trong gia đình cũng cần được ghi nhận. Bác sĩ sẽ ghi chú cẩn thận vào hồ sơ khi người bệnh có một hoặc nhiều người thân cùng huyết thống đã có hoặc bị bệnh động mạch vành sớm và các biến cố xảy ra để định hướng chẩn đoán, phòng ngừa tiếp theo.
2. Ý nghĩa của việc khám định kỳ đối với bệnh nhân có tiền sử bệnh mạch vành?
Những người có tiền sử bệnh cá nhân mắc bệnh tim mạch hay có nguy cơ mắc phải có thể đến các cơ sở y tế ở các giai đoạn khác nhau của bệnh. Cụ thể là khi bệnh hoàn toàn chưa có triệu chứng gì cho đến khi bệnh có triệu chứng rõ ràng nhưng bản thân người bệnh chưa nhận biết được. Chính vì thế, tại vị trí tiếp nhận khám sức khỏe tổng quát, bác sĩ cần phải đánh giá chính xác để đảm bảo rằng bệnh nhân nhận được sự quan tâm, chăm sóc và điều trị cần thiết.
Trong đó, bước tiếp cận đầu tiên là khai thác tiền sử lâm sàng, tập trung vào tiền sử bệnh tim của chính bản thân bệnh nhân và người thân, là điều cần thiết. Cụ thể là tiền sử gia đình mắc bệnh mạch vành là một yếu tố nguy cơ rất quan trọng, nhất là khi xảy ra trên những người có cùng huyết thống gần.
Chỉ khi thực hiện được điều này một cách chi tiết và rõ ràng, bác sĩ mới có thể định hướng trong các bước tiếp theo, bao gồm khám lâm sàng, chỉ định xét nghiệm và điều trị phù hợp. Trong trường hợp người bệnh có tiền sử gia đình mắc bệnh mạch vành, do có nguy cơ di truyền của bệnh tật, bác sĩ còn phải tư vấn tầm soát cho các thành viên khác trong gia đình, chủ động phòng ngừa các biến cố tim mạch đáng tiếc có thể xảy ra.
3. Những điều cần làm khi khám định kỳ nếu tiền sử gia đình mắc bệnh mạch vành là gì?
Khi đến khám sức khỏe định kỳ, khác biệt với những đối tượng không có tiền căn gia đình, những đối tượng có tiền sử gia đình mắc bệnh mạch vành, ngoài những thông tin hay thăm khám cơ bản, bác sĩ sẽ chú trọng thêm về các dấu hiệu tim mạch trong tiền sử bệnh cá nhân của người bệnh và tại thời điểm hiện tại.
Theo đó, những điều cần làm khi khám định kỳ nếu tiền sử gia đình mắc bệnh mạch vành được trình bày như sau:
Thu thập thông tin hành chính
- Họ và tên, tuổi, giới tính
- Nghề nghiệp – Điều kiện kinh tế
- Tình trạng học vấn
- Tình trạng hôn nhân
- Địa chỉ hiện tại
Tình trạng cơ năng tim mạch
- Các dấu hiệu, triệu chứng hiện tại do người bệnh cảm nhận và mô tả chi tiết, như cơn đau thắt ngực, hồi hộp hay dấu hiệu của huyết áp cao
- Thông tin về các thuốc, dị ứng, lối sống và thói quen như hút thuốc, rượu
- Các lần mắc bệnh trước đó: Nhồi máu cơ tim, rung nhĩ, bệnh mạch máu ngoại biên, tăng huyết áp, tăng lipid máu, thấp khớp và các điều kiện y tế khác có liên quan đến tim mạch như cường giáp, đái tháo đường.
- Các lần phẫu thuật hoặc nhập viện, bao gồm cả sản khoa.
- Các thuốc đã hay đang sử dụng:
- Thuốc tim mạch: chẹn beta, chẹn kênh canxi, ức chế men chuyển, lợi tiểu, statin, chống tiểu cầu, chống đông máu, nitrat...
- Thuốc tránh thai - tăng nguy cơ mắc bệnh huyết khối
- Thuốc không kê đơn như NSAIDS hay aspirin
- Thảo dược
Tiền sử gia đình
- Người thân mắc bệnh tim mạch khi còn trẻ: nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đột quỵ, huyết khối
- Có người thân tử vong sớm: xác định tuổi và nguyên nhân tử vong
- Có bất kỳ trường hợp tử vong không giải thích được ở người thân trẻ, nghi ngờ bệnh tim di truyền như hội chứng QT dài, bệnh cơ tim
Thăm khám chức năng tim mạch
- Đo các dấu hiệu sinh tồn như huyết áp, nhịp tim, cân nặng và chiều cao để tính chỉ số khối cơ thể
- Nhìn dấu hiệu khó thở, hình dạng lồng ngực, tĩnh mạch cổ theo tư thế, dấu hiệu tuần hoàn bàng hệ
- Sờ mạch ở tứ chi, dấu hiệu sưng phù, sờ rung miu ở tim, tìm ổ đập bất thường
- Nghe tim đánh giá tần số, đặc điểm tiếng tim và tìm âm thổi bệnh lý
- Thực hiện các nghiệm pháp động đánh giá âm thổi theo tư thế
Chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng
- Xét nghiệm máu - kiểm tra mức độ lipid trong máu. Nếu nằm ở mức cao, đây sẽ là yếu tố của bệnh lý xơ vữa động mạch, gây ra nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
- Điện tâm đồ (ECG) - đây là một xét nghiệm y tế không xâm lấn và không đau đớn, phát hiện các bất thường về cấu trúc và nhịp tim bằng cách đo hoạt động điện do tim tạo ra khi co bóp.
- Chụp Xquang ngực – Dùng năng lượng phóng xạ, mô tả và đánh giá cấu trúc, hình dạng của tim, các đại tuần hoàn và phổi, màng phổi.
- Siêu âm tim – Với các sóng siêu âm, hình dạng và chức năng tim được thể hiện, giúp bác sĩ tìm thấy các bất thường một cách sớm nhất, ngay khi chưa có biểu hiện.
Các chỉ định cận lâm sàng chuyên sâu khi khám hay các kết quả cận lâm sàng trên có bất thường: điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim gắng sức, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực đo độ vôi hóa mạch vành hay chụp mạch vành với thuốc cản quang.
Tất cả những dữ kiện thu thập được sau quá trình này sẽ giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán, cách điều trị và theo dõi lâu dài.
4. Khám định kỳ nếu tiền sử gia đình mắc bệnh mạch vành tại Vinmec
Khi đời sống vật chất và trình độ hiểu biết không ngừng được nâng cao, việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên là vô cùng cần thiết để mọi người có cơ hội sống lâu hơn và sống khỏe hơn.
Thực vậy, bằng cách chủ động đi khám sức khỏe tổng quát ngay từ khi chưa có bất kỳ một dấu hiệu bất thường nào, thông qua việc thăm hỏi, khám bệnh và thực hiện các xét nghiệm tầm soát, bác sĩ có thể giúp xác định các dấu hiệu cảnh báo sớm. Đặc biệt là tiền sử bệnh cá nhân có các bệnh tim mạch hay tiền sử gia đình mắc bệnh mạch vành, khi được phát hiện ở giai đoạn đầu, việc điều trị có thể hiệu quả hơn, thành công hơn và chủ động phòng ngừa các biến cố cho người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.