Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Bảo Toàn - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Thời kỳ biếng ăn sinh lý của trẻ có thể xảy ra ở giai đoạn 6 tháng tuổi hoặc lớn hơn. Trong đó 6 tháng tuổi là cột mốc rất quan trọng vì đây là giai đoạn trẻ bắt đầu ăn dặm. Biếng ăn sinh lý ở trẻ 6 tháng tuổi cần được nhận biết và khắc phục sớm để giúp trẻ phát triển khoẻ mạnh.
1. Nguyên nhân gây biếng ăn sinh lý ở trẻ 6 tháng tuổi
Thời kỳ biếng ăn sinh lý của trẻ có thể xảy ra ở giai đoạn 6 tháng tuổi, 8 tháng tuổi, 1 tuổi hoặc lớn hơn. Trong đó 6 tháng tuổi là cột mốc rất quan trọng đánh dấu giai đoạn trẻ bắt đầu ăn dặm. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn trẻ dễ mắc chứng biếng ăn do sự thay đổi của cơ thể, hệ tiêu hóa và nhu cầu dinh dưỡng.
Các nguyên nhân của tình trạng biếng ăn bao gồm biếng ăn sinh lý, biếng ăn bệnh lý, biếng ăn tâm lý và biếng ăn do chế độ ăn uống không đúng. Biếng ăn sinh lý ở trẻ 6 tháng tuổi chủ yếu do những thay đổi nội môi của cơ thể trong quá trình phát triển. Trong đó, mọc răng là nguyên nhân làm cho bé dễ biếng ăn và bỏ ăn nhất, vì răng mọc sẽ làm nướu sưng đau, gây sốt.
2. Hậu quả của tình trạng biếng ăn sinh lý ở trẻ 6 tháng tuổi
Biếng ăn sinh lý ở trẻ nhỏ nếu không được phát hiện và sớm khắc phục sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cũng như sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ. Cụ thể các tác động xấu như sau:
- Biếng ăn khiến cho lượng dưỡng chất được đưa vào cơ thể rất ít, dẫn đến suy dinh dưỡng.
- Biếng ăn gây thiếu vi chất dinh dưỡng dẫn đến rối loạn tăng trưởng, chậm phát triển chiều cao và cân nặng, ảnh hưởng tới chức năng của các tuyến nội tiết.
- Biếng ăn làm cho trẻ bị suy giảm chức năng miễn dịch. Sức đề kháng kém nên trẻ dễ bị bệnh, nhất là các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp (viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi,..) hoặc nhiễm trùng đường ruột.
- Ảnh hưởng tới thị giác.
- Kém phát triển trí tuệ.
3. Các giải pháp cải thiện tình trạng biếng ăn sinh lý ở trẻ 6 tháng tuổi
Để cải thiện tình trạng biếng ăn sinh lý ở trẻ nhỏ nói chung, cha mẹ cần nắm rõ các nguyên tắc cơ bản khi cho trẻ ăn dặm.
Đảm bảo bữa ăn của trẻ đủ chất và đa dạng:
- Bữa ăn dặm của trẻ 6 tháng tuổi phải luôn đảm bảo đủ 4 nhóm dưỡng chất quan trọng sau: Chất đạm có từ thịt gà, heo, bò, cá, trứng, sữa; chất đường có từ gạo, yến mạch, ngũ cốc, khoai tây, khoai lang; chất béo có từ mỡ động vật (heo, cá) hoặc dầu thực vật (dầu oliu, dầu phộng, dầu mè); vitamin và khoáng chất có từ rau, củ, trái cây như nấm rơm, cà rốt, cà chua, rau dền, rau ngót, rau mồng tơi, rau muống, cải ngọt, súp lơ, su hào, bơ, chuối, lê, táo,... Ngoài ra, bố mẹ cũng cần bổ sung chất xơ vào chế độ ăn của trẻ vì chúng tốt cho hệ tiêu hóa. Để tránh gây nhàm chán và kích thích ăn uống cho bé, bạn nên đa dạng thực phẩm, chế biến với nhiều cách khác nhau.
- Thành phần các chất dinh dưỡng cần cân đối.
- Số bữa ăn dặm tăng dần từ 1 bữa/ ngày lên 2 bữa/ ngày để hệ tiêu hóa của trẻ có thời gian thích nghi.
- Cho bé ăn theo nguyên tắc từ lỏng tới đặc, từ ít tới nhiều, từ ngọt tới mặn.
- Thực đơn cũng như cách chế biến thức ăn đa dạng, thay đổi hàng ngày để tạo cảm giác lạ miệng, giúp trẻ ăn ngon hơn.
- Đảm bảo an toàn về chất lượng và vệ sinh thực phẩm. Chọn thực phẩm tươi mới và có nguồn gốc rõ ràng. Tránh mua thức ăn nấu sẵn vì có thể chứa chất chất gây hại cho trẻ.
Không dọa nạt hay thúc ép trẻ ăn:
- Trẻ nhỏ chỉ thật sự muốn ăn khi cảm thấy đói. Bố mẹ nên tạo tâm lý thoải mái, vui vẻ, để trẻ được ăn uống theo nhu cầu tự nhiên, thường xuyên khích lệ, động viên trẻ để khơi gợi cho trẻ sự hứng thú với thức ăn.
- Không dọa nạt, quát mắng hoặc thúc ép trẻ ăn. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ, làm trẻ càng ngày sợ hãi mỗi khi tới bữa ăn.
- Nếu bé từ chối thì bố mẹ nên ngừng lại, chờ trong 5 – 10 phút rồi cho bé ăn tiếp. Hoặc nếu bé không muốn ăn nữa thì nên dừng lại, không nên cố thúc ép dù chỉ là 1 – 2 muỗng.
Không nên kéo dài bữa ăn:
- Thông thường, mỗi bữa ăn của trẻ chỉ nên kéo dài tối đa là 30 phút. Không nên cho trẻ ăn quá lâu vì thức ăn sẽ nguội làm mất hương vị và trẻ ngậm thức ăn mà không chịu nuốt sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng.
Bổ sung vi chất dinh dưỡng và lợi khuẩn:
Các vi chất dinh dưỡng chất như: Vitamin nhóm B, lysine, kẽm, selen có tác dụng rất tốt đối với tình trạng biếng ăn sinh lý ở trẻ nhỏ. Những chất này sẽ kích thích trẻ ăn ngon miệng và hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần bổ sung lợi khuẩn để cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, hỗ trợ chức năng tiêu hóa, giúp cho hệ tiêu hóa của trẻ khỏe mạnh hơn. Sữa chua, phô mai,... hoặc những sản phẩm men vi sinh là nguồn bổ sung lợi khuẩn cho trẻ. Đặc biệt, đối với vấn đề biếng ăn sinh lý ở trẻ 6 tháng tuổi, men vi sinh còn tăng sự thèm ăn, giúp trẻ cảm thấy ngon miệng hơn.
Bên cạnh đó, việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.