Chứng rậm lông ở phụ nữ ảnh hưởng khá lớn tới tâm lý và thẩm mỹ của các cô gái trẻ. Chữa chứng rậm lông ở phụ nữ tùy thuộc vào nguyên nhân. Chứng rậm lông ở phụ nữ không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chứng rậm lông còn có thể ảnh hưởng tới sinh sản của phụ nữ, khi việc rối loạn nội tiết khiến trứng kém phát triển, khó thụ thai.
1. Chứng rậm lông ở phụ nữ là gì?
- Bình thường nội tiết tố androgen được tiết ra với lượng rất nhỏ từ tuyến thượng thận và buồng trứng. Vì một lý do nào đó như u tuyến thượng thận, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, u nang buồng trứng, buồng trứng đa nang... làm tăng androgen tạo nên hiện tượng rậm lông, trứng cá, béo phì, rối loạn kinh nguyệt... Bên cạnh đó, một số người có thể bị rậm lông vào một giai đoạn nhất định nào đó do tăng prolactin trong máu, dùng thuốc nội tiết kéo dài, lạm dụng corticoid (trong hội chứng cushing)...
- Lông rậm ở phụ nữ là tình trạng lông tóc mọc quá nhiều trên cơ thể và mặt. Tất cả phụ nữ đều có lông trên mặt và cơ thể, nhưng chúng thường mảnh và sáng màu.
2. Triệu chứng thường gặp
- Dễ dàng nhận ra bệnh với dấu hiệu lông mọc quá nhiều trên mặt.
- Lông mọc quá mức và không mong muốn trên mặt và cơ thể là một quá trình lâu dài đầy khó khăn. Hầu hết phụ nữ bị rối loạn nội tiết tố đều đáp ứng tốt với phương pháp điều trị, nhưng lông có thể mọc lại nếu lượng hormone vượt quá kiểm soát, điều này có thể gây mất tự tin, lúng túng, xấu hổ.
3. Nguyên nhân gây bệnh
- Sự mất cân bằng nội tiết tố chính là nguyên nhân chính gây ra lông rậm ở phụ nữ. Các nguyên nhân như hội chứng đa nang buồng trứng (PCOS), hormone kích thích khác, một số loại thuốc nhất định hoặc rối loạn tuyến thượng thận có thể làm lông mọc không mong muốn trên mặt. Ở một số trường hợp hiếm gặp, nguyên nhân gây ra tình trạng này là do khối u hoặc ung thư tuyến thượng thận hoặc buồng trứng gây ra.
Trong một số ít trường hợp, các nguyên nhân gây ra tình trạng lông rậm ở phụ nữ bao gồm:
- Thuốc, chẳng hạn như minoxidil, dùng để điều trị huyết áp cao;
- Hội chứng tăng sản thượng thận bẩm sinh, có yếu tố di truyền ảnh hưởng đến tuyến thượng thận (nơi sản xuất hormone giới tính);
- Hội chứng Cushing (bệnh rối loạn nội tiết tố hiếm);
- Thừa cân hoặc béo phì;
- Khối u ở buồng trứng.
4. Điều trị chứng rậm lông ở phụ nữ
Điều trị chứng rậm lông thường liên quan đến một sự kết hợp các phương pháp tự chăm sóc, phương pháp điều trị loại bỏ và thuốc sử dụng.
Phương pháp điều trị loại bỏ bao gồm:
- Dùng xung điện: Đây là loại điều trị bao gồm việc chèn một kim nhỏ vào mỗi nang tóc và phát ra một xung điện để gây thiệt hại và cuối cùng phá hủy các nang lông. Kết quả điện phân có thể tẩy lông vĩnh viễn, nhưng có thể đau đớn. Một số loại kem làm tê liệt có thể sử dụng rộng rãi trên da để giảm sự khó chịu này. Tác dụng phụ bao gồm tối màu da được điều trị và hiếm khi để lại sẹo.
- Laser trị liệu: là một phương pháp một chùm ánh sáng tập trung cao (laser) được thông qua trên da để vô hiệu hóa các nang tóc và ngăn ngừa lông phát triển. Sau khi điều trị, có thể trong thời gian dài mà không tái sinh lông. Phương pháp tẩy lông bằng tia laser gây khó chịu. Laser điều trị có thể gây mẩn đỏ và sưng, nó cũng có thể gây bỏng và đổi màu trên da.
5. Phương pháp dùng thuốc để điều trị rậm lông
Dùng thuốc để điều trị tình trạng quá nhiều androgen: làm gián đoạn một hay nhiều bước trong quá trình biểu hiện rậm lông: Ức chế sản xuất androgen ở tuyến thượng thận, buồng trứng hay tăng khả năng liên kết androgen của protein liên kết huyết tương; làm suy yếu quá trình chuyển đổi ngoại vi của tiền chất androgen thành androgen hoạt tính; ức chế tác động androgen ở mô đích. Kết quả làm chậm tăng trưởng lông bao gồm:
- Thuốc ngừa thai uống là cách điều trị nội tiết ưu tiên cho rậm lông và viêm nang lông, tuy nhiên, cần chống chỉ định với phụ nữ có bệnh sử huyết khối tắc mạch hoặc với phụ nữ bị ung thư vú hay các loại ung thư thuộc estrogen khác. Thuốc tránh thai chứa các hormon estrogen và progestin, điều trị rậm lông do androgen ức chế sản xuất bởi buồng trứng. Uống thuốc tránh thai là một điều trị phổ biến cho rậm lông ở phụ nữ không muốn mang thai.
- Cyproterol acetat được sử dụng điều trị rậm lông. Đây là chất kháng androgen, tác động chủ yếu bằng cách cạnh tranh ức chế với khả năng liên kết của testosterone và DHT với thụ thể androgen.
- Spironolacton thường dùng như chất đối kháng của corticoid, cũng là một chất kháng androgen yếu, tránh dùng cho bệnh nhân có thai vì có nguy cơ nữ hóa thai nam, chất này thường dùng kết hợp với một thuốc ngừa thai uống để giúp ngừa thai và ức chế sản xuất androgen buồng trứng.
- Bôi thuốc dạng kem: Có một vài loại thuốc bôi có thể dùng cho lông mặt quá nhiều ở phụ nữ. Những kem này có chứa một loại acid (thioglycolic) làm tiêu sừng rất dễ gây hỏng da. Cần đề phòng tác dụng phụ bao gồm: đau nhức, ngứa ran hoặc phát ban da.
Rậm lông là một tình trạng liên quan đến nội tiết của cơ thể. Để điều trị chứng rậm lông hiệu quả cần có sự thăm khám dựa trên các kết quả xét nghiệm thăm dò. Vì vậy, khi phụ nữ thấy có những dấu hiệu của chứng rậm lông thì cần đi khám bác sĩ để có phương pháp điều trị cụ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.