Khả năng tồn tại của virus gây bệnh tay chân miệng ở môi trường bên ngoài

Enterovirus A71 là nguyên nhân chính gây bệnh tay chân miệng với triệu chứng nặng, các biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong. Do đó, gia đình cần thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ trẻ khỏi virus gây bệnh.

1. Enterovirus A71 gây bệnh tay chân miệng

Enterovirus A71 (EV - A71 hoặc EV71) là một loại virus gây bệnh tay chân miệng ở trẻ. Nó thuộc nhóm Enterovirus, họ Picornavirus và được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1956.

Virus EV71 có dạng hình cầu, đường kính 27 - 30nm. Lớp capsid có 60 tiểu đơn vị, không có lớp bao ngoài. Bao bọc bên trong là ARN, thành phần di truyền, giúp nó nhân lây và gây nhiễm trong cộng đồng.

2. Quá trình phát triển của virus EV71 trong cơ thể người

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, Enterovirus 71 - virus gây bệnh tay chân miệng sinh sống chủ yếu tại niêm mạc má hoặc niêm mạc ruột vùng hồi tràng. Sau khoảng 24 giờ, chúng di chuyển đến các hạch bạch huyết ở các vùng lân cận, rồi xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng máu trong một khoảng thời gian. Từ máu, virus được vận chuyển đến niêm mạc miệng và da. Thời kỳ ủ bệnh tay chân miệng kể từ thời điểm virus xâm nhập thường kéo dài khoảng từ 3 - 7 ngày.

Enterovirus 71 được đào thải qua phân và dịch hầu họng. Đây là cũng hai con đường lây nhiễm virus chính từ người bệnh sang người lành. Ngoài ra, loại virus này có độc tính rất mạnh, có khả năng ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Từ đó, nó có thể gây ra nhiều triệu chứng lâm sàng nghiêm trọng và để lại các biến chứng nặng nề.

3. Khả năng tồn tại của virus gây bệnh tay chân miệng ngoài môi trường

Virus EV71 có sức sống bền bỉ. Nó có khả năng tồn tại từ nhiệt độ lạnh đến rất cao: Trong 30 phút virus mới bị bất hoạt ở nhiệt độ 560 độ C; Ở nhiệt độ lạnh - 40 độ C, virus có thể tồn tại tối đa 3 tuần ngoài môi trường.


Enterovirus 71 - virus gây bệnh tay chân miệng có thể tồn tại ở môi trường với sức sống bền bỉ
Enterovirus 71 - virus gây bệnh tay chân miệng có thể tồn tại ở môi trường với sức sống bền bỉ

Enterovirus 71 cũng chịu được phổ pH rộng từ 3 đến 9, ít bị ảnh hưởng bởi các chất hòa tan lipid như cồn, chloroform, phenol, ether. Tuy nhiên, nó có nhược điểm là bị bất hoạt bởi các dung dịch sát khuẩn như nước Javen (Sodium hypochlorite 2%), chlorine, Cl, KMnO4, formol, nước oxy già (H2O2).

4. Triệu chứng bệnh tay chân miệng

Triệu chứng điển hình của bệnh tay chân miệng cụ thể như sau:

  • Loét miệng: Hình thành các bọng nước có đường kính 2-3mm. Chúng thường khó thấy trên niêm mạc miệng vì vỡ rất nhanh tạo thành các vết loét gây đau và tăng tiết nước bọt.
  • Bọng nước: Có kích thước từ 2-10mm, màu xám, hình bầu dục.
  • Bọng nước ở vùng mông hoặc đầu gối, xuất hiện dưới dạng hồng ban.
  • Bọng nước vùng lòng bàn tay và lòng bàn chân lồi lên hoặc ẩn dưới da, thường ấn không đau.

Theo đó, triệu chứng không điển hình của bệnh tay chân miệng là bọng nước rất ít xen kẽ với hồng ban, một số trường hợp chỉ xuất hiện hồng ban mà không có bọng nước hay chỉ có biểu hiện loét miệng đơn thuần.

5. Phòng bệnh tay chân miệng

Hiện tại, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa đặc hiệu. Do đó, các biện pháp dự phòng chủ yếu dựa vào vệ sinh cộng đồng.

Gia đình có trẻ nhỏ cần lưu ý phòng ngừa tay chân miệng bằng các cách như sau:

  • Thức ăn cho trẻ: Ăn chín, uống sôi; rửa tay trước và sau khi nấu ăn, chuẩn bị thức ăn; Ngâm, tráng nước sôi bát, đũa, cốc, chén trước và sau ăn
  • Vệ sinh tay tránh lây nhiễm cho trẻ: Rửa tay sau khi đi vệ sinh, sau mỗi lần thay tã cho trẻ
  • Vệ sinh không gian sống: Làm sạch đồ chơi, dụng cụ học tập và các vật dụng khác bằng cloramin B 2%
  • Phòng lây nhiễm từ môi trường: Đeo khẩu trang cho trẻ mỗi khi ra ngoài
  • Đối với trẻ mắc bệnh: Theo dõi các triệu chứng và đưa đến cơ quan y tế để được thăm khám và điều trị khỏi bệnh.

Từ những thông tin trong bài viết trên chúng ta có thể thấy khả năng tồn tại của virus gây bệnh chân tay miệng rất lớn trong điều kiện thời tiết bên ngoài, từ đó khả năng lây lan của bệnh cũng rất mạnh mẽ. Vì thế, khi thấy người bệnh, đặc biệt đối tượng là trẻ em có dấu hiệu bệnh chân tay miệng thì cần đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị. Đặc biệt trong mùa dịch, để tránh tình trạng đông đúc, quá tải ở bệnh viện, khiến bé mệt mỏi hoặc lây nhiễm chéo một số căn bệnh khác, các bậc phụ huynh cũng nên lựa chọn những cơ sở y tế uy tín và chuyên nghiệp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe