Khi đi thăm khám sức khỏe, các mẹ bầu có thể được chỉ định thực hiện xét nghiệm nước tiểu. Xét nghiệm nước tiểu là một trong những xét nghiệm quan trọng và cần thiết thường được chỉ định khi mang thai. Các chỉ số xét nghiệm nước tiểu của mẹ bầu sẽ cho biết phần nào tình trạng sức khỏe của mẹ trong thai kỳ.
1. Cách thực hiện xét nghiệm nước tiểu khi mang thai
Mang thai là quãng thời gian kỳ diệu bởi bạn đang nuôi dưỡng một mầm sống trong cơ thể. Để đảm bảo quá trình này được diễn ra an toàn, thuận lợi, các bác sĩ sẽ thực hiện một số biện pháp phòng ngừa nhất định đối với mẹ bầu. Mỗi lần đi khám thai, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn xét nghiệm nước tiểu khi mang thai, đây được cho là cách chuẩn xác để phát hiện những yếu tố nguy cơ trong thai kỳ.
Cách thực hiện như sau:
- Bạn sẽ được phát một cốc lấy mẫu nước tiểu và một chiếc khăn lau tiệt trùng rồi được hướng dẫn vào phòng vệ sinh lấy mẫu.
- Bạn hãy rửa tay thật kỹ, sau đó dùng ngón tay để tách môi âm hộ và lau âm hộ từ trước ra sau bằng khăn lau tiệt trùng.
- Tiểu trong một vài giây vào bồn cầu rồi đặt cốc vào giữa dòng nước cho đến khi lấy đủ mẫu.
Nước tiểu sẽ được đựng trong một ống đựng vô trùng nhằm ngăn chặn vi khuẩn hoặc bất kỳ tác nhân nào khác có thể ảnh hưởng đến kết quả. Để sàng lọc một số bệnh nhất định, các bác sĩ sẽ dùng que thử có hóa chất thích hợp và nhúng vào mẫu thử nước tiểu.
Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ có những tư vấn cụ thể để mẹ bầu có chế độ thăm khám phù hợp đảm bảo an toàn trong suốt thai kỳ.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
2. Kết quả xét nghiệm nước tiểu khi mang thai có thể dự báo điều gì?
Dưới đây là những vấn đề có thể được tìm ra khi mẹ bầu thực hiện xét nghiệm nước tiểu dựa vào các chỉ số xét nghiệm nước tiểu của bà bầu:
2.1 Glucose (Glu)
Glucose là một loại đường có trong máu. Bình thường thì trong nước tiểu sẽ không có hoặc có rất ít glucose. Khi lượng đường huyết trong máu tăng rất cao, chẳng hạn như đái tháo đường không kiểm soát thì đường sẽ thoát ra nước tiểu. Glucose cũng có thể được tìm thấy trong nước tiểu khi thận bị tổn thương hoặc có bệnh.
- Chỉ số glucose cho phép: 50-100 mg/dL hoặc 2.5-5 mmol/L.
- Nếu bạn dùng nhiều thức ăn ngọt trước khi làm xét nghiệm, sự xuất hiện của hàm lượng glucose trong nước tiểu là điều bình thường. Nhưng nếu lượng đường ở lần xét nghiệm thứ hai cao hơn lần đầu, thì đây là dấu hiệu cảnh báo bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Nếu có kèm các triệu chứng mệt mỏi, luôn khát nước, sụt cân, bạn nên đến bác sĩ để được kiểm tra lượng đường huyết.
2.2 Leukocytes (LEU ca): tế bào bạch cầu
- Chỉ số cho phép trong khoảng: 10-25 Leu/UL.
- Khi nước tiểu có chứa bạch cầu, thai phụ có thể đang nhiễm khuẩn hoặc nấm (có giá trị gợi ý nhiễm trùng tiểu chứ không khẳng định được). Trong quá trình chống lại các vi khuẩn xâm nhập, một số hồng cầu đã chết và thải ra đường tiểu, vì vậy bạn cần xét nghiệm nitrite để xác định vi khuẩn gây viêm nhiễm.
2.3 Nitrate (NIT)
- Thông số này sẽ giúp các bác sĩ xác định mẹ bầu có nguy cơ bị nhiễm trùng tiểu hay không.
- Chỉ số bình thường: 0.05-0.1 mg/dL.
- Vi khuẩn gây nhiễm trùng đường niệu tạo ra một loại enzym có thể chuyển nitrate niệu thành nitrite. Do đó nếu như tìm thấy nitrite trong nước tiểu có nghĩa là có nhiễm trùng đường niệu và vi khuẩn E.Coli là vi khuẩn nguy hiểm nhất gây nên tình trạng này.
2.4 Urobilinogen (UBG)
- Chỉ số này cho thấy dấu hiệu có bệnh lý ở gan hay túi mật.
- Chỉ số cho phép trong khoảng: 0.2-1.0 mg/dL hoặc 3.5-17 mmol/L.
- Đây là sản phẩm được tạo thành từ sự thoái hóa của bilirubin và cũng được thải ra ngoài cơ thể theo phân. Chỉ có một lượng nhỏ urobilinogen có trong nước tiểu. Urobilinogen có trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của bệnh lý về gan (xơ gan, viêm gan) làm dòng chảy của dịch mật từ túi mật bị tắc nghẽn.
2.5 Bilirubin (BIL)
- Chỉ số cho phép là: 0.4-0.8 mg/dL hoặc 6.8-13.6 mmol/L.
- Chỉ số này cho thấy có dấu hiệu bệnh lý về gan hay túi mật.
- Bilirubin là sản phẩm được tạo thành từ sự thoái hóa của hồng cầu. Nó đi ra khỏi cơ thể qua phân. Bilirubin bình thường sẽ không có trong nước tiểu. Nếu như Bilirubin xuất hiện trong nước tiểu có nghĩa là gan đang bị tổn thương hoặc dòng chảy của mật từ túi mật bị nghẽn.
2.6 Protein (Pro): đạm
- Chỉ số này cho thấy có máu trong nước tiểu, có nhiễm trùng hoặc có bệnh lý ở thận.
- Chỉ số cho phép từ : 7.5-20 mg/dL hoặc 0.075-0.2 g/L.
- Nếu xét nghiệm phát hiện trong nước tiểu có chứa protein, tình trạng của thai phụ có thể liên quan đến các triệu chứng như: thiếu nước, mẫu xét nghiệm chứa dịch nhầy, nhiễm trùng đường tiểu, tăng huyết áp, có vấn đề ở thận...
- Vào giai đoạn cuối của thai kỳ, nếu lượng protein nhiều trong nước tiểu, thai phụ có nguy cơ bị tiền sản giật, nhiễm độc huyết. Nếu thai phụ bị phù ở mặt và tay, tăng huyết áp thì cần được kiểm tra chứng tiền sản giật ngay. Bên cạnh đó, nếu chất albumin (một loại protein) được phát hiện trong nước tiểu cũng cảnh báo thai phụ có nguy cơ nhiễm độc thai nghén hoặc mắc chứng tiểu đường thai kỳ.
2.7 Độ pH
- Độ pH dùng để đánh giá độ axit của nước tiểu
- Chỉ số bình thường trong khoảng: 4.6-8
- Chỉ số này dùng để kiểm tra xem nước tiểu có tính chất axit hay bazo. Nếu pH = 4 có nghĩa là nước tiểu có tính axit mạnh, pH = 7 là trung tính (không phải axit cũng không phải bazo), pH = 9 có nghĩa là nước tiểu có tính bazo mạnh.
2.8 Blood (BLD)
- Chỉ số này cho thấy dấu hiệu có nhiễm trùng đường tiểu, sỏi thận, hay xuất huyết từ bàng quang hoặc bướu thận
- Chỉ số cho phép từ: 0.015-0.062 mg/dL hoặc 5-10 Ery/UL.
- Các bệnh lý viêm hoặc tổn thương thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo có thể làm máu xuất hiện trong nước tiểu.
2.9 Specific Gravity (SG)
- Chỉ số này dùng để đánh giá nước tiểu loãng hay cô đặc (do uống quá nhiều nước hay do thiếu nước)
- Chỉ số cho phép: 1.005-1.030
2.10 Ketone
- Chỉ số này thường xuất hiện ở người bị tiểu đường, chế độ ăn ít chất carbohydrate, nghiện rượu hoặc suy nhược cơ thể.
- Chỉ số cho phép: 2.5-5.0mg/dL hoặc 0.25-0.5 mmol/L. Bình thường không có hoặc đôi khi có ở mức độ thấp đối với phụ nữ đang mang thai.
- Ketone là chất được thải ra ở đường tiểu, cho biết thai phụ và thai nhi đang thiếu dinh dưỡng hoặc mắc chứng tiểu đường. Khi phát hiện lượng Ketone, kèm theo các dấu hiệu chán ăn, mệt mỏi, thai phụ nên được bác sĩ chỉ định truyền dịch và dùng thuốc. Để giảm hết lượng Ketone, thai phụ nên thư giãn, nghỉ ngơi và cố gắng không bỏ bữa.
2.11 Ascorbic Acid (ASC)
- Đây là chất thải trong nước tiểu để đánh giá bệnh về thận
- Chỉ số bình thường: 5-10 mg/dL hoặc 0.28-0.56 mmol.L
Dựa vào các thông tin trên đây bạn có thể hiểu được ý nghĩa của các chỉ số trong xét nghiệm nước tiểu khi mang thai. Xét nghiệm nước tiểu khi mang thai là không thể bỏ qua vì đây là cách tốt nhất để phát hiện sớm nhiễm trùng đường tiết niệu, tiền sản giật, cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ... để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và con.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm sàng lọc trước sinh chất lượng cao, với hệ thống máy móc hiện đại, đội ngũ bác sĩ nhiệt tình giỏi chuyên môn sẽ đảm bảo cho bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và thuận lợi nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.