Bài viết bởi Tiến sĩ Hoàng Thanh Vân - Chuyên viên Y tế - Phòng sản xuất thử nghiệm - Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec
Vì dịch bệnh Covid-19 vẫn còn có diễn biến phức tạp, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người dân trên toàn thế giới nên công cuộc nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin và thuốc điều trị đang diễn ra với một tốc độ khẩn trương chưa từng có. Một trong các liệu pháp điều trị tiềm năng là sử dụng thuốc chống virus remdesivir. Kết quả hai thử nghiệm lâm sàng pha 3 của loại thuốc này vừa được công bố trên tạp chí y học uy tín The New England Journal of Medicine.
1. Tổng quan
Các thử nghiệm vắc-xin và thuốc điều trị COVID-19 đang diễn ra với một tốc độ khẩn trương chưa từng có. Trong khi đó, trên thế giới, đại dịch vẫn tiếp tục lan rộng với gần 10 triệu người đã được chuẩn đoán (tính đến ngày 26/6/2020).
Một trong các liệu pháp điều trị tiềm năng là sử dụng thuốc kháng virus remdesivir (xem “COVID-19 và liệu pháp điều trị, Phần 2: Thử nghiệm remdesivir để điều trị COVID-19”).
Kết quả hai thử nghiệm lâm sàng pha 3 của loại thuốc này vừa được công bố trên tạp chí y học uy tín The New England Journal of Medicine.1,2 Bài viết này nhằm mục đích tổng kết những kết quả mới nhất đang được biết đến về tính an toàn và hiệu quả của loại thuốc này.
2. Remdesivir đem lại hiệu quả điều trị như thế nào?
Kết quả tạm thời của thử nghiệm lâm sàng pha 3 đầu tiên của remdesivir so với giả dược đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của giới khoa học và truyền thông.2 Đây là một thử nghiệm được thiết kế bài bản: mù đôi, phân nhóm ngẫu nhiên và có đối chứng với giả dược. Bệnh nhân được tuyển chọn vào nghiên cứu là người lớn nhập viện vì COVID-19 và bị viêm đường hô hấp dưới. Nhóm điều trị bằng remdesivir sẽ được tiêm thuốc vào tĩnh mạch với liều truyền 200 mg vào ngày 1, sau đó là 100 mg mỗi ngày trong tối đa 9 ngày) còn nhóm chứng sẽ được tiêm giả dược trong tối đa 10 ngày. Cả bác sĩ và bệnh nhân đều không biết người được điều trị thuộc nhóm nào trong nghiên cứu.
Qua đánh giá kết quả trên 1063 người tham gia, nhóm điều trị bằng remdesivir có dấu hiệu khả quan hơn. Thời gian phục hồi giảm từ trung bình 15 ngày trong số những người nhận giả dược xuống còn 11 ngày với những người điều trị bằng remdesivir. Thêm vào đó, tỷ lệ tử vong của nhóm sử dụng remdesivir cũng có xu hướng thấp hơn nhóm giả dược là 7,1% so với 11,9%. Các tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo cho 114 trong số 541 bệnh nhân trong nhóm remdesivir (21,1%) và 141 trong số 522 bệnh nhân trong nhóm giả dược (27,0%). Một điều lưu ý là các tác dụng phụ nghiêm trọng này có thể gây ra bởi thuốc điều trị hoặc do bệnh lý. Điều này thể hiện remdesivir có thể cải thiện tình trạng bệnh nhân mà không gây các phản ứng phụ đáng lo ngại so với nhóm chứng.
Ở một thử nghiệm ngẫu nhiên, nhãn mở, pha 3 khác với 397 bệnh nhân so sánh công dụng của thuốc khi điều trị trong vòng 5 ngày hoặc 10 ngày.1 Các bệnh nhân tham gia thử nghiệm này thuộc nhóm bệnh nhân nặng, nhập viện do nhiễm SARS-CoV-2 với độ bão hòa oxy từ 94% trở xuống trong điều kiện bình thường và có bằng chứng rõ ràng của viêm phổi. Kết quả cho thấy hiệu quả giữa hai thời gian điều trị là tương tự nhau. Do thực hiện vắng mặt nhóm chứng nên nghiên cứu này không cho phép đánh giá tổng thể về hiệu quả của remdesivir đối với bệnh nhân nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, kết quả này gợi ý cho các bác sĩ một liệu pháp điều trị phù hợp với điều kiện hiện nay, khi nguồn cung cấp remdesivir còn hạn chế. Theo đó, các bác sĩ nên ưu tiên cho việc điều trị bằng remdesivir trong 5 ngày cho bệnh nhân ở giai đoạn đầu của bệnh nặng (nghĩa là khi họ đang được bổ sung oxy nhưng chưa được đặt nội khí quản), vì các nghiên cứu cho thấy đây là nhóm có tiến bộ rõ ràng nhất. Gilead dự kiến sẽ tiến hành một nghiên cứu thứ hai sẽ chọn ngẫu nhiên khoảng 600 bệnh nhân có các biểu hiện lâm sàng vừa phải để điều trị trong vòng 5 hoặc 10 ngày sử dụng remdesivir hoặc được chăm sóc tiêu chuẩn.
Hiện nay, remdesivir được cơ quan y tế của Nhật Bản cho phép sử dụng. Ở Mỹ, FDA phê duyệt điều trị bằng thuốc này trong các trường hợp bệnh nhân bị nguy hiểm mà không có phương pháp khác thay thế (www.gilead.com/remdesivir).
Các báo cáo y khoa vừa qua cho thấy những dấu hiệu khả quan về hiệu quả lâm sàng của remdesivir, tuy nhiên, tác dụng của thuốc còn tương đối khiêm tốn.3 Cùng với các thử nghiệm lâm sàng với số lượng bệnh nhân lớn hơn đang được tiến hành, các bác sĩ hi vọng sẽ có một thống kê đầy đủ hơn và có thể nghiên cứu tác dụng của thuốc dựa trên các yếu tố ảnh hưởng như quốc gia, chủng tộc, tuổi tác, giới tính và các nhóm nguy cơ, bệnh lý nền. Ngoài ra, một hướng đi được nhiều nhà khoa học quan tâm là liệu pháp phối hợp với các thuốc chống siêu vi và thuốc chống viêm khác, do sinh bệnh học của COVID-19 không chỉ liên quan đến sự nhân lên của virus mà còn liên quan đến cơ chế điều hòa miễn dịch và kiểm soát viêm của cơ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo
- Goldman, J. D. et al. Remdesivir for 5 or 10 Days in Patients with Severe Covid-19. N. Engl. J. Med. NEJMoa2015301 (2020) doi:10.1056/NEJMoa2015301.
- Beigel, J. H. et al. Remdesivir for the Treatment of Covid-19 — Preliminary Report. N. Engl. J. Med. NEJMoa2007764 (2020) doi:10.1056/NEJMoa2007764.
- Dolin, R. & Hirsch, M. S. Remdesivir — An Important First Step. N. Engl. J. Med. NEJMe2018715 (2020) doi:10.1056/NEJMe2018715.