Huyết khối tĩnh mạch sâu: Những nguyên nhân bất ngờ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Huyết khối tĩnh mạch sâu xảy ra khi một hoặc nhiều cục máu đông hình thành trong các tĩnh mạch sâu của cơ thể, đặc biệt là tĩnh mạch hai chân. Trường hợp nguy hiểm, huyết khối tĩnh mạch sâu có thể dẫn đến biến chứng thuyên tắc phổi, đe dọa tính mạng bệnh nhân.

1. Hoạt động thể thao

Những nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng, các vận động viên, đặc biệt là trong các môn vận động sử dụng sức bền như marathon, có thể thường xuyên xuất hiện cục máu đông hơn so với người bình thường, bởi các vận động viên có nguy cơ mất nước hoặc bị thương với tần suất dày hơn.

Các triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu rất dễ bị nhầm lẫn với những triệu chứng liên quan đến vận động thể thao. Những người thường xuyên vận động nên lưu ý tư vấn với bác sỹ nếu có những biểu hiện như sưng nề, bầm tím không rõ nguyên nhân hoặc chuột rút tay chân, hay đặc biệt là vùng ngực.


Các triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu rất dễ bị nhầm lẫn với những triệu chứng liên quan đến vận động thể thao
Các triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu rất dễ bị nhầm lẫn với những triệu chứng liên quan đến vận động thể thao

2. Phẫu thuật

Trước và sau phẫu thuật, người bệnh thường nằm nhiều trên giường. Điều này làm chậm tốc độ máu lưu thông khắp cơ thể. Các phẫu thuật liên quan đến ổ bụng, khung chậu, hông, chân ... làm tổn thương các tĩnh mạch lớn trong quá trình phẫu thuật, từ đó làm tăng nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu.

Người bệnh cần trao đổi với bác sỹ trước khi phẫu thuật để được tư vấn những thông tin cần thiết. Trong nhiều trường hợp, bác sỹ sẽ sử dụng thuốc ức chế hình thành cục máu đông trước phẫu thuật. Sau phẫu thuật, người bệnh nên đứng lên và đi lại ngay khi có thể.

3. Bệnh viêm ruột

Các bệnh lý như viêm ruột, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, và một số bệnh đường ruột khác có thể có nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch gấp 2 đến 3 lần so với người bình thường. Nguyên nhân là bởi các bệnh nhân mắc những bệnh lý này thường có cơ thể bị mất nước, thường xuyên phải nằm nghỉ ngơi, hoặc có chỉ định phẫu thuật. Bên cạnh đó, tình trạng ruột bị viêm cũng có thể có mối liên quan đến tình trạng tăng đông máu.

4. Thiếu vitamin D

Một nghiên cứu nhỏ đã so sánh nồng độ vitamin D ở 82 người có huyết khối tĩnh mạch sâu với nồng độ vitamin D ở 85 người không mắc chứng này. Trong đó, những bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch sâu có nồng độ vitamin D thấp hơn, không rõ nguyên nhân.

Khoa học cho thấy người lớn cần từ 600 đến 800 IU vitamin D mỗi ngày. Có thể nạp vitamin D qua thức ăn như cá hồi, cá ngừ, phô mai, lòng đỏ trứng, hoặc bằng cách tắm nắng 2 tuần/lần, mỗi lần 30 phút. Có thể kiểm tra nồng độ vitamin D bằng xét nghiệm máu.

5. Các phương pháp ngừa thai có chứa estrogen hoặc liệu pháp hormone điều trị triệu chứng mãn kinh


Mỗi năm, trong số 1000 phụ nữ uống thuốc tránh thai, chỉ có 1 người bị huyết khối tĩnh mạch sâu
Mỗi năm, trong số 1000 phụ nữ uống thuốc tránh thai, chỉ có 1 người bị huyết khối tĩnh mạch sâu

Thuốc tránh thai và Liệu pháp hormone thay thế để điều trị mãn kinh (Hormone replacement therapy – HRT) đều chứa estrogen, một hormone nữ thiết yếu và có khả năng hỗ trợ quá trình đông máu dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, tỷ lệ xảy ra rất nhỏ: mỗi năm, trong số 1000 phụ nữ uống thuốc tránh thai, chỉ có 1 người bị huyết khối tĩnh mạch sâu. Song, nguy cơ có thể tăng đối với phụ nữ dùng miếng dán tránh thai (nhiều hơn 60% so với viên uống), hay ở phụ nữ có những yếu tố nguy cơ khác. Nam giới sử dụng nội tiết tố nam testosterone cũng có xu hướng dễ mắc cục máu đông.

6. Ung thư

Khối u có thể là nguyên nhân gây tổn thương tế bào và giải phóng các chất kích hoạt sản sinh cục máu đông. Ung thư não, đại tràng, phổi, thận, buồng trứng, tụy, dạ dày là những loại ung thư có tỷ lệ huyết khối tĩnh mạch sâu cao nhất. Một số phương pháp hóa trị cũng có xu hướng làm tăng nguy cơ cục máu đông.

7. Thừa cân

Trọng lượng cơ thể tăng làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch vùng chậu và hai chân, làm tăng gấp đôi nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu. Phụ nữ có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 25 trở lên và đang uống thuốc tránh thai có nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu cao gấp 10 lần người bình thường. Tập thể dục thường xuyên là phương pháp tốt để phòng cục máu đông và đồng thời giúp giảm cân.

8. Phụ nữ có thai

Mang bầu làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch vùng chậu và hai chân. Theo nghiên cứu khoa học, cứ 1000 thai phụ lại có 2 người mắc huyết khối tĩnh mạch sâu. Sản phụ sau khi sinh cho tới tuần thứ 6 vẫn có nguy cơ mắc bệnh, và nguy cơ tăng đối với người bệnh béo phì, trên 35 tuổi, mang song thai, có tiền sử gia đình mắc huyết khối, hoặc nằm liệt giường. Để giảm nguy cơ, các bà bầu nên vận động thường xuyên trong suốt thai kỳ.


Mang bầu làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch vùng chậu và hai chân
Mang bầu làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch vùng chậu và hai chân

9. Người sinh non

Tuy hiện tại chưa có lý giải khoa học chính xác về nguyên nhân, song những người chào đời càng sớm (non hơn 37 tuần thai) càng có nguy cơ cao mắc huyết khối tĩnh mạch sâu.

10. Thuốc lá

Hút thuốc lá, dù chỉ hút rất ít, làm ảnh hưởng đến quá trình đông máu và lưu thông máu trong cơ thể, từ đó gây tổn thương đến tim và các mạch máu. Đặc biệt, phụ nữ đang sử dụng thuốc tránh thai hoàn toàn không nên hút thuốc, bởi sự kết hợp này có thể gia tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu lên tới 9 lần. Bỏ thuốc lá cũng đồng nghĩa với làm giảm nguy cơ đông máu cùng các vấn đề tim mạch khác.

Huyết khối tĩnh mạch sâu nếu không được chẩn đoán và điều trị có thể để lại những biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra huyết khối tĩnh mạch sâu có trong thông tin bài viết trên, vì thế để phòng tránh bệnh ngoài việc loại bỏ các nguyên nhân trên thì bạn cũng nên thăm khám sức khỏe để phát hiện sớm bệnh lý.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe