Hướng dẫn xử lý khi trẻ bị co giật do sốt cao

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng và các Bác sĩ nội trú Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Sốt là một triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, có nhiều cha mẹ chủ quan để trẻ sốt cao quá dẫn đến cơn co giật, thậm chí co giật nhiều lần gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

1. Co giật do sốt cao ở trẻ là gì?

Co giật do sốt cao thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi, chiếm 3-5% do não bộ của trẻ chưa phát triển toàn diện và có sự nhạy cảm với các rối loạn nhiệt độ trong cơ thể.

Khi co giật, trẻ có thể có các biểu hiện như nôn ói, sùi bọt mép, tím tái. Tuy nhiên đặc điểm của hầu hết các trường hợp co giật do sốt cao ở trẻ nhỏ là thời gian ngắn dưới 5 phút.

Với co giật do sốt cao thông thường không gây hại não. Với co giật do sốt cao lành tính thường hết sau vài chục giây, sau đó trẻ sẽ trở lại bình thường và không để lại di chứng. Do đó, không cần cho trẻ uống bất cứ thuốc gì.


Sốt cao co giật thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi
Sốt cao co giật thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi

2. Hướng dẫn xử lý khi trẻ bị co giật do sốt cao

Khi thấy trẻ có cơn co giật, cha mẹ nên giữ bình tĩnh và thực hiện một số hướng dẫn xử trí co giật do sốt cao sau để giảm thiểu rủi ro và tai nạn cho trẻ:

Bước 1: Làm thông đường thở

  • Phần lớn trẻ em bị co giật do sốt cao khi đang được bế trên tay cha mẹ (do đang ốm, sốt cao).
  • Thấy con co giật tím tái, không khóc trên tay, nhiều cha mẹ cuống cuồng bế con dậy đi tìm thuốc hạ sốt, hoặc chạy ra ngoài bắt taxi đi viện. Nhưng đừng làm thế, cha mẹ hãy hết sức bình tĩnh, đặt trẻ nằm nghiêng, đầu không được gập để trẻ thở tốt.
  • Khi trẻ được nằm nghiêng, đường thở sẽ được thông thoáng, nếu có đờm dãi thì sẽ chảy được ra ngoài, không bị rơi vào phổi tắc thở rất nguy hiểm.
  • Hút đờm nhớt nếu có sẵn dụng cụ hút.

Bước 2: Nhét hậu môn thuốc hạ sốt

  • Cởi bỏ quần áo để giúp trẻ thoải mái, dễ thở hơn.
  • Nhét hậu môn thuốc hạ sốt Paracetamol liều 15mg/kg/lần

Bước 3: Lau mát cơ thể hạ sốt

  • Nhúng khăn vào nước ấm ( ấm như nước tắm cho trẻ) vắt hơi ráo. Đặt khăn ở nách, bẹn và lau khắp cơ thể. Thêm nước ấm vào nếu cần thiết.
  • Thay khăn ấm mới mỗi 2-3 phút/ lần để trẻ hạ sốt.
  • Ngưng lau mát khi đo nhiệt độ ở nách dưới 38 độ C.

Tất cả trẻ co giật sau khi sơ cứu phải đưa ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.


Hạ sốt cho trẻ và đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị thích hợp
Hạ sốt cho trẻ và đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị thích hợp

3. Cách phòng tránh cơn co giật khi trẻ bị sốt

Cơn co giật do sốt cao của trẻ có th tái phát. Điều này khiến rất nhiều cha mẹ lo lắng. Tuy nhiên nếu biết cách xử trí ngay từ lúc trẻ mới sốt, chúng ta có thể phòng tránh được cơn co giật:

  • Khi trẻ bị sốt, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để điều trị sớm nguyên nhân trẻ bị sốt và phòng tránh cơn co giật có thể xảy ra
  • Cởi bớt quần áo trên người trẻ, nới rộng quần áo, đặt trẻ nằm ở nơi thông thoáng. Không được mặc quá nhiều quần áo hay ủ ấm trẻ quá kín.
  • Thường xuyên cặp nhiệt độ để theo dõi thân nhiệt của trẻ.
  • Lau người cho trẻ bằng nước ấm, uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ của trẻ trên 38.5 độ C.

Khi trẻ bị co giật do sốt cao, cha mẹ nên thật bình tĩnh để chăm sóc cho trẻ đúng cách. Ngay sau khi hết cơn co giật cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe