Hướng dẫn về thuốc hạ sốt, ho và cảm lạnh cho trẻ em ở từng độ tuổi

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng - Bác sĩ Lê Thu Phương - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Khi trẻ bị sốt cao, ho, cảm lạnh, cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm ho, trị triệu chứng cảm lạnh không cần kê đơn, có bán tại các nhà thuốc. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn khi dùng cho trẻ, cha mẹ cần đặc biệt quan tâm tới liều lượng thuốc sao cho phù hợp với tuổi và cân nặng của trẻ.

1. Hướng dẫn dùng thuốc hạ sốt cho trẻ

Thuốc hạ sốt, giảm đau là các thuốc được bán rất rộng rãi tại các nhà thuốc, có thể mua mà không cần đơn của bác sĩ. Các thuốc này có thể giúp hạ sốt cho trẻ và giảm bớt tình trạng khó chịu tổng thể, tuy nhiên thuốc không giúp giảm các triệu chứng khác của cảm lạnh. Trước khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ, cha mẹ hãy kiểm tra kỹ nhãn thuốc vì công thức và hàm lượng thuốc có thể thay đổi, đồng thời đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để biết liều lượng an toàn phù hợp với tuổi và cân nặng của trẻ.

Các loại thuốc hạ sốt cho trẻ được dùng phổ biến hiện nay là:

1.1. Paracetamol

Paracetamol là loại thuốc hạ sốt, giảm đau thông dụng nhất hiện nay. Thuốc có nhiều dạng bào chế như dạng viên nén, dạng viên sủi, dạng gói bột, dạng siro lỏng, dạng viên đặt hậu môn,... Paracetamol có nhiều ưu điểm như tác dụng nhanh, hiệu quả hạ sốt, giảm đau cao. Tuy nhiên, cũng như bất kỳ loại thuốc nào khác, nếu sử dụng Paracetamol quá liều có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Khi sử dụng Paracetamol để hạ sốt cho trẻ em, cha mẹ cần lưu ý sử dụng đúng liều lượng như sau:

  • Trẻ từ 0-23 tháng tuổi: cha mẹ không nên tự ý dùng thuốc mà cần gọi cho bác sĩ khi trẻ có những dấu hiệu đầu tiên của ốm, sốt để được hướng dẫn.
  • Trẻ từ 2 tuổi trở lên: sử dụng theo hướng dẫn trên nhãn thuốc. Liều Paracetamol đường uống điều trị trẻ bị sốt là 10-15mg/kg/lần, sử dụng 4-6 giờ/lần. Không được dùng quá 5 lần và quá 75mg/kg trong 24 giờ. Tuy nhiên tùy dạng bào chế của sản phẩm mà sẽ có hướng dẫn cụ thể. Các sản phẩm bào chế dạng lỏng thường đính kèm dụng cụ đong thuốc, giúp đảm bảo chia liều tốt và thuận tiện khi sử dụng.

Đối với sản phẩm dùng đường hậu môn, liều Paracetamol để hạ sốt cho trẻ là 10-20mg/kg/lần, dùng 4-6 giờ/lần. Cũng không được dùng quá 5 lần và quá 75mg/kg trong 24 giờ. Dạng thuốc đường hậu môn dùng trong trường hợp trẻ quấy khóc, không chịu dùng thuốc đường uống hoặc trẻ nôn mửa, bỏ bú,...


Paracetamol là loại thuốc hạ sốt, giảm đau thông dụng nhất hiện nay
Paracetamol là loại thuốc hạ sốt, giảm đau thông dụng nhất hiện nay

1.2. Ibuprofen

Ibuprofen là thuốc thuộc nhóm hạ sốt, giảm đau, kháng viêm (NSAIDS). Ngoài hạ sốt, giảm đau, Ibuprofen có thêm tác dụng chống viêm nên thường được chỉ định trong các trường hợp đau đầu, đau răng, viêm khớp dạng thấp,...

Ibuprofen có thể được sử dụng để hạ sốt cho trẻ em. Tuy tác dụng hạ sốt mạnh và kéo dài hơn so với Paracetamol nhưng do có nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, loét dạ dày,...nên Ibuprofen ít được khuyến cáo sử dụng. Ibuprofen chỉ thường dùng khi trẻ bị sốt cao không đáp ứng với thuốc Paracetamol. Liều lượng Ibuprofen sử dụng để hạ sốt cho trẻ em:

  • Trẻ từ 0-23 tháng: cha mẹ không nên tự sử dụng Ibuprofen cho trẻ. Khi trẻ bị sốt cao, hãy cho trẻ đi khám bác sĩ để được chỉ định liều lượng thuốc phù hợp.
  • Trẻ 2 tuổi trở lên: có thể sử dụng thuốc theo liều lượng trên nhãn thuốc. Liều Ibuprofen thông thường để hạ sốt ở trẻ em là 20-30mg/kg/ngày chia thành nhiều liều nhỏ. Hoặc có thể sử dụng 5-10mg/kg/lần, cách nhau 6-8 giờ/lần, tối đa 40mg/kg/ngày.

Cha mẹ không được tự ý dùng Ibuprofen hạ sốt cho trẻ em trong các trường hợp nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết, trẻ bị loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, hen suyễn, bệnh tim mạch,...

2. Hướng dẫn dùng thuốc ho và cảm lạnh cho trẻ em

Cha mẹ không nên cho trẻ dưới 4 tuổi dùng thuốc ho và thuốc điều trị các triệu chứng của cảm lạnh vì hiện tại chưa có nhiều bằng chứng thuyết phục về sự an toàn và hiệu quả của chúng đối với trẻ.

Nếu được bác sĩ kê đơn thuốc ho hoặc thuốc điều trị triệu chứng cảm lạnh, cha mẹ hãy cho trẻ dùng thuốc theo đúng chỉ định. Các sản phẩm thuốc điều trị ho, cảm lạnh cho trẻ em trên thị trường rất đa dạng, có loại đơn thành phần, có loại kết hợp nhiều thành phần hoạt chất với nhau. Do đó nếu sử dụng kết hợp, trộn chung nhiều loại thuốc với nhau có thể dẫn đến nguy cơ trẻ dùng thuốc quá liều, do các thuốc có thành phần trùng lặp.

Một số thuốc ho và một số thuốc điều trị cảm lạnh thông dụng như:

  • Thuốc trị ho: Dextromethorphan, Codein,...
  • Thuốc trị nghẹt mũi: các thuốc như Naphazolin, Xylometazolin,... giúp co mạch tại chỗ nhanh và kéo dài, giúp giảm các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi,...
  • Thuốc long đờm: giúp làm loãng đờm như acetylcystein, Bromhexin, Ambroxol,...
  • Thuốc kháng histamin: Clorpheniramin, Alimemazin, Fexofenadin, Loratadin,...

Sử dụng thuốc ho và cảm lạnh cho trẻ dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Sử dụng thuốc ho và cảm lạnh cho trẻ dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Hướng dẫn sử dụng thuốc ho và cảm lạnh cho trẻ em:

  • Trẻ từ 0-36 tháng: không tự ý sử dụng cho trẻ. Cho trẻ đi khám bác sĩ khi có dấu hiệu trẻ bị sốt cao, ho, sổ mũi,...
  • Trẻ 4-5 tuổi: sử dụng thuốc ho và cảm lạnh cho trẻ dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Trẻ 6 tuổi trở lên: sử dụng thuốc theo hướng dẫn sử dụng trên nhãn thuốc.

3. Cách sử dụng thuốc không kê đơn an toàn cho trẻ

Khi muốn mua các thuốc không kê đơn để sử dụng khi trẻ bị sốt cao, ho, cảm lạnh, cha mẹ hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ ở nhà thuốc để được tư vấn về liều lượng, tác dụng phụ và các lưu ý khi sử dụng.

Cha mẹ đặc biệt lưu ý không được dùng aspirin để hạ sốt cho trẻ vì nguy cơ làm tăng hội chứng Reye ở trẻ em. Đây là hội chứng tuy hiếm gặp nhưng vô cùng nghiêm trọng, có thể gây sưng phù ở não và các cơ quan nội tạng như tim, tuyến tụy, lách, thận,...

Một nhóm thuốc trong thực tế thường được sử dụng rộng rãi để điều trị triệu chứng ho và cảm lạnh đó là các thuốc kháng histamin. Đây là các thuốc có thể được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, có thể giúp giảm sổ mũi, hắt hơi nhưng cũng có thể được dùng để điều trị các trường hợp dị ứng; liều dùng cho từng trường hợp cũng rất khác nhau. Do đó, nếu muốn sử dụng các thuốc kháng histamin cho trẻ, cha mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng và cách sử dụng sao cho an toàn.


Đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe
Đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:

Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.

Đối tượng sử dụng:

- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.

- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.

Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:

  • Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
  • Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
  • (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com

Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid

Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong

laminkid box 1

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe