Hướng dẫn về lần đầu tiên cho con bú

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu tiên. Sau đó kết hợp việc ăn dăm và cho trẻ bú sữa mẹ ít nhất đến khi trẻ được 1 tuổi. Việc cho con bú là điều tự nhiên, nhưng không có nghĩa điều đó là nó dễ dàng, đặc biệt là với những bà mẹ lần đầu tiên cho con bú.

1. Hướng dẫn cho con bú đúng cách

Cho con bú là khi bạn cho trẻ bú sữa mẹ, thường là trực tiếp từ vú của bạn. Nhiều chuyên gia y tế, bao gồm Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) và Trường Cao đẳng Sản phụ khoa Hoa Kỳ, đặc biệt khuyến cáo nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn (không sữa công thức, nước trái cây hoặc nước lọc) trong 6 tháng đầu tiên. Sau khi cho trẻ ăn các loại thức ăn khác, các chuyên gia y tế khuyến cáo nên tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ, ít nhất cho đến khi trẻ được 1 tuổi.

Bao lâu bạn nên cho trẻ bú tùy thuộc vào vào nhu cầu và cách trẻ bú. Nếu mỗi lần trẻ bú ít thì khoảng cách giữa các lần bú sẽ ngắn hơn. Ngược lại, nếu mỗi lần bú trẻ bú nhiều và lâu hơn thì khoảng cách giữa các lần bú sẽ được kéo dài hơn. Điều này sẽ thay đổi khi em bé của bạn lớn lên.

Trẻ sơ sinh thường muốn bú 2-3 giờ một lần. Đến 2 tháng tuổi, trẻ bú mỗi 3-4 giờ một lần. Đến khi trẻ được sáu tháng tuổi, hầu hết trẻ bú 4-5 giờ một lần. Không có đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào, chính vì vậy việc cho bé bú như nào sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào trẻ và quyết định của bạn.

Dưới đây là một số hướng dẫn cho con bú đúng cách, bạn có thể tham khảo để việc cho con bú trở nên dễ dàng hơn:

  • Thu thập kiến thức: bạn nên tìm hiểu về cách nuôi dưỡng trẻ từ trước khi sinh thông qua sách, bài báo, video, bạn bè, mẹ của bạn hoặc một lớp học.
  • Sử dụng gối cho con bú hoặc một vật mềm khác hỗ trợ để giúp bạn đặt trẻ đúng tư thế khi bú.
  • Hỏi các chuyên gia: bạn nên hỏi các chuyên gia tư vấn và y tá về cho con bú khi bạn đang ở bệnh viện.
  • Miệng của bé phải mở rộng và nên ngậm hết quầng vú của bạn.
  • Lượng nhỏ sữa non giàu chất dinh dưỡng là tất cả những gì em bé cần nhận được lúc đầu. Như vậy là đủ, do đó bạn không nên lo lắng rằng lượng sữa của mình quá ít và sợ không đủ cho bé.
  • Theo dõi: bạn nên ghi lại thời điểm bạn cho con bú, trong bao lâu và bạn đã kết thúc việc cho con bú khi nào. Điều này sẽ giúp bạn biết cho con bú lần tiếp theo vào lúc nào.
  • Bạn có thể cần vỗ nhẹ vào lưng trẻ sau khi trẻ bú xong hoặc giữa chừng để tránh khí tồn đọng lại trong dạ dày trẻ. Do khi trẻ bú, sẽ có một lượng khí được trẻ hút theo sữa vào trong dạ dày, lượng khí này sẽ làm đầy dạ dày và khiến bé khó chịu.
  • Đảm bảo rằng bạn đang ăn uống đầy đủ và uống nhiều nước. Nuôi con bằng sữa mẹ sẽ nuôi dưỡng bé một cách tốt nhất, nhưng bạn phải mất rất nhiều năng lượng, do đó bạn cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng.
  • Cho con bú khó hơn bạn tưởng tượng và có thể khiến bạn bị đau lúc đầu. Hãy thử chườm nóng hoặc lạnh, và bôi kem lanolin để chữa đau đầu vú.

Trẻ cần được bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời
Trẻ cần được bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời

Ngoài ra, để việc cho con bú trở nên thoải mái cho cả bé và bạn, bạn nên chú ý:

  • Nhận biết thời điểm bé đói: để ý các dấu hiệu đói của trẻ và cho trẻ bú bất cứ khi nào trẻ đói . Đây được gọi là cho ăn "theo yêu cầu". Trong vài tuần đầu tiên, bạn có thể cho con bú từ 8 đến 12 lần mỗi 24 giờ. Trẻ sơ sinh đói sẽ đưa tay về phía miệng, tạo ra tiếng động khi mút hoặc cử động miệng, hoặc di chuyển về phía vú của bạn. Đừng đợi đến khi bé khóc, bởi khi đó trẻ đã quá đói.
  • Hãy kiên nhẫn: cho trẻ bú miễn là trẻ muốn bú mỗi lần. Đừng vội cho trẻ sơ sinh bú. Hãy kiên nhẫn chờ đợi đến khi trẻ đói và chờ cho đến khi trẻ bú xong, mỗi lần trẻ sơ sinh bú có thể kéo dài từ 10 - 20 phút.
  • Sự thoải mái: đây là chìa khóa thành công của việc cho con bú sữa mẹ. Hãy thư giãn trong khi cho con bú, và sữa của bạn có nhiều khả năng "xuống" và chảy ra nhiều hơn. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng những chiếc gối khi cần thiết để hỗ trợ cánh tay, đầu và cổ của bạn, và một chỗ để chân để hỗ trợ bàn chân và chân của bạn trước khi bạn bắt đầu cho con bú.

2. Dấu hiệu nhận biết bé đang đói

Một trong những cách phổ biến nhất mà em bé cho bạn biết là chúng đang đói là khóc. Các dấu hiệu khác mà bé đã đến lúc cần được cho ăn bao gồm:

  • Liếm môi hoặc thè lưỡi
  • Bé đang cử động hàm, miệng hoặc đầu của chúng để tìm vú của bạn
  • Đưa tay vào miệng
  • Mở miệng
  • Bú đồ vật

Trẻ khóc có thể báo hiệu tình trạng đang đói
Trẻ khóc có thể báo hiệu tình trạng đang đói

3. Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ

3.1. Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ đối với trẻ

Sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng lý tưởng cho trẻ sơ sinh. Sữa mẹ có sự kết hợp gần như hoàn hảo giữa vitamin , protein và chất béo - mọi thứ mà em bé cần để phát triển. Và tất cả đều được cung cấp ở dạng dễ tiêu hóa hơn sữa bột dành cho trẻ sơ sinh.

Đồng thời sữa mẹ còn chứa các kháng thể giúp bé tránh khỏi sự tấn công của virus và vi khuẩn. Nghiên cứu cho thấy nuôi con bằng sữa mẹ làm giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn hoặc dị ứng của bé.

Ngoài ra, trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không kèm theo sữa công thức, ít bị nhiễm trùng tai, bệnh hô hấp và tiêu chảy hơn. Trẻ cũng ít phải đi khám và nhập viện điều trị vì các lý do khác.

Trong một số nghiên cứu, nuôi con bằng sữa mẹ có liên quan đến điểm IQ của trẻ cao hơn trong thời thơ ấu. Hơn nữa, sự gần gũi về thể chất, da kề da và giao tiếp bằng mắt đều giúp bé gắn kết với bạn và cảm thấy an tâm.

Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ có nhiều khả năng để đạt được đúng trọng lượng cần tiêu chuẩn khi chúng lớn, ít có khả năng bị thừa cân.

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cho biết việc cho con bú cũng đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Điều này cũng được cho là có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì và một số bệnh ung thư, tuy nhiên vẫn cần nghiên cứu thêm.


Sữa mẹ giúp tăng cường sức đề kháng ở trẻ
Sữa mẹ giúp tăng cường sức đề kháng ở trẻ

3.2. Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ đối với mẹ

Cho con bú sẽ đốt cháy thêm calo, vì vậy nó có thể giúp bạn giảm cân và lấy lại vóc dáng nhanh hơn sau khi sinh. Khi cho con bú, cơ thể bạn sẽ giải phóng hormone oxytocin, giúp tử cung của bạn trở lại kích thước trước khi mang thai và có thể làm giảm chảy máu tử cung sau khi sinh.

Cho con bú cũng làm giảm nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng. Nó cũng có thể làm giảm nguy cơ loãng xương của bạn .

Vì bạn không phải mua và đong sữa công thức, tiệt trùng núm vú, hoặc hâm nóng bình sữa, nên nó giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Cho con bú sữa mẹ cũng thường xuyên cho bạn khoảng thời gian thư giãn yên tĩnh với trẻ sơ sinh, giúp hai mẹ con gắn bó với nhau hơn.

4. Bạn có đủ sữa cho con bú không?

Vài ngày đầu sau khi sinh, ngực của bạn tạo ra một dòng sữa đầu tiên rất tốt, nó được gọi là sữa non. Sữa non có tính chất đặc, hơi vàng, không nhiều nhưng vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bé. Sữa non giúp đường tiêu hóa của trẻ sơ sinh phát triển và tự chuẩn bị để tiêu hóa sữa mẹ.

Sữa non là giai đoạn đầu tiên của sữa mẹ, sẽ thay đổi theo thời gian để cung cấp cho bé nguồn dinh dưỡng cần thiết khi lớn lên. Giai đoạn thứ hai được gọi là sữa chuyển tiếp. Gọi như vậy vì sữa non của bạn dần dần được thay thế bằng giai đoạn thứ ba của sữa mẹ, được gọi là sữa trưởng thành.

Bạn sẽ bắt đầu tạo sữa chuyển tiếp vài ngày sau khi sinh. Khoảng 10 đến 15 ngày sau khi sinh, bạn sẽ tạo ra sữa trưởng thành, cung cấp cho bé tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết.

Hầu hết trẻ sơ sinh giảm một lượng cân nhỏ trong 3 đến 5 ngày đầu sau khi sinh. Điều này không liên quan đến việc cho con bú.

Khi con bạn cần nhiều sữa hơn và bú nhiều hơn, vú của bạn sẽ đáp ứng bằng cách tạo ra nhiều sữa hơn. Các chuyên gia khuyên bạn nên cố gắng cho trẻ bú mẹ hoàn toàn (không sữa công thức, nước trái cây hoặc nước) trong 6 tháng. Nếu bạn bổ sung sữa công thức, vú của bạn có thể tạo ra ít sữa hơn.

Ngay cả khi bạn cho con bú ít hơn 6 tháng, điều đó vẫn tốt hơn việc bạn không cho con bú sữa mẹ. Bạn có thể bổ sung thức ăn đặc khi bé được 6 tháng nhưng cũng tiếp tục cho con bú nếu bạn muốn tiếp tục có sữa.


Sữa non có lợi cho hệ tiêu hóa của trẻ
Sữa non có lợi cho hệ tiêu hóa của trẻ

5. Làm sao để biết trẻ bú no hay chưa?

Nhiều bà mẹ cho con bú băn khoăn không biết liệu có đủ sữa để cung cấp dinh dưỡng tốt cho con hay không. Nếu bé bú đủ sữa mẹ, chúng sẽ có các biểu hiện sau:

  • Không giảm hơn 7% trọng lượng sơ sinh trong vài ngày đầu sau khi sinh
  • Có vẻ thoải mái trong khoảng 1-3 giờ giữa các lần cho ăn
  • Trẻ đi tiểu ít nhất 6 lần mỗi ngày với nước tiểu rất nhạt hoặc trong, khi trẻ được 7-10 ngày tuổi

6. Tư thế nào là tốt nhất để cho con bú?

Tư thế tốt nhất cho bạn là tư thế mà bạn và em bé của bạn đều thoải mái và thư giãn, và bạn không phải căng thẳng để giữ tư thế hoặc tiếp tục cho con bú. Dưới đây là một số tư thế phổ biến khi cho trẻ bú:

  • Tựa một bên đầu của trẻ vào khuỷu tay của bạn và toàn bộ cơ thể của trẻ hướng về phía bạn. Đặt bụng của trẻ dựa vào cơ thể của bạn để trẻ cảm thấy được hỗ trợ hoàn toàn. Cánh tay còn lại của bạn có thể ôm quanh để đỡ đầu và cổ của bé, hoặc với qua người bé để hỗ trợ phần lưng bên dưới.
  • Đặt lưng của bé dọc theo cẳng tay của bạn để giữ bé như một quả bóng, nâng đỡ đầu và cổ trong lòng bàn tay của bạn. Điều này hiệu quả nhất với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đây cũng là một tư thế tốt nếu bạn đang hồi phục sau ca sinh mổ và cần bảo vệ bụng khỏi áp lực hoặc trọng lượng của em bé.
  • Tư thế nằm nghiêng: tư thế này rất tốt cho việc cho trẻ bú đêm trên giường. Nằm nghiêng cũng có tác dụng tốt nếu bạn đang hồi phục sau vết rạch tầng sinh môn - vết mổ để mở rộng cửa âm đạo trong khi sinh. Dùng gối kê dưới đầu để thoải mái. Sau đó, ôm sát vào người bé và dùng tay còn lại để nâng vú và núm vú đưa vào miệng bé. Sau khi bé đã ngậm chặt núm vú, hãy đỡ đầu và cổ bằng bàn tay còn lại của bạn để bé không bị vặn người hay căng mình để bú.
  • Ngồi thẳng trên ghế thoải mái có tay vịn. Ôm bé trong vòng tay đối diện với bầu vú mà bạn sẽ cho bé bú. Dùng tay đỡ đầu bé, đưa bé nằm ngang cơ thể của bạn để bụng của bé đối diện bụng của bạn. Dùng tay còn lại để nâng ngực theo hình chữ U. Đưa miệng của trẻ đến gần vú bạn và ôm trẻ lại gần, tuyệt đối không cúi về phía trước.
  • Tìm nơi bạn có thể tựa lưng, nhưng không phải mặt phẳng, trên đi văng hoặc giường. Có phần hỗ trợ tốt cho đầu và vai của bạn. Bạn ôm bé sao cho để toàn bộ mặt trước của bạn và bé chạm vào nhau. Hãy để em bé ở bất kỳ tư thế nào mà chúng thoải mái miễn là má của chúng nằm gần vú bạn. Giúp bé ngậm ti nếu bé cần hỗ trợ.

Mẹ có thể lựa chọn ngồi hoặc nằm thoải mái nhất để trẻ có thể bú
Mẹ có thể lựa chọn ngồi hoặc nằm thoải mái nhất để trẻ có thể bú

7. Làm thế nào để bé ngậm vú đúng khi bú mẹ?

Đặt bé nằm đối diện với bạn để bé được thoải mái và không phải vặn cổ để bú. Bằng một tay, hãy nâng ngực của bạn và nhẹ nhàng di chuyển cho núm vú của bạn chạm vào môi dưới của bé. Phản xạ bản năng của bé sẽ há to miệng và ngậm lấy vú mẹ. Đưa bàn tay của bạn đỡ cổ bé, đưa miệng bé gần núm vú hơn, cố gắng tập trung núm vú vào miệng bé.

Bạn sẽ biết em bé của bạn đã "ngậm" đúng cách khi cả hai môi bé ngậm ra xung quanh núm vú của bạn. Tất cả các núm vú của bạn và hầu hết quầng vú - phần da sậm xung quanh núm vú của bạn - nằm trong miệng bé. Mặc dù bạn có thể cảm thấy hơi nhột hoặc giật nhẹ, nhưng việc cho con bú sẽ không gây đau đớn. Nếu trẻ ngậm vú không đúng cách và bú với nhịp điệu êm ái, thoải mái, hãy nhẹ nhàng dùng ngón tay út của bạn đưa vào giữa lợi của trẻ để phá vỡ lực hút, sau đó đưa núm vú ra và thử lại.

8. Trường hợp nào không thể cho trẻ bú sữa mẹ?

Trong một số trường hợp, việc cho con bú sữa mẹ có thể gây hại cho em bé. Dưới đây là một số lý do bạn không nên cho con bú:

  • Bạn nhiễm virus HIV. Bạn có thể truyền virus HIV cho trẻ qua sữa mẹ.
  • Bạn bị bệnh lao, vi khuẩn lao đang hoạt động và bạn chưa được điều trị .
  • Bạn đang điều trị bệnh ung thư bằng hóa trị.
  • Bạn đang sử dụng chất kích thích, chẳng hạn như cocaine hoặc cần sa .
  • Bé mắc một chứng bệnh hiếm gặp gọi là galactosemia và không thể dung nạp đường tự nhiên trong sữa mẹ, gọi là galactose.
  • Bạn đang dùng một số loại thuốc theo đơn có thể gây hại cho trẻ, chẳng hạn như một số loại thuốc trị đau nửa đầu, bệnh Parkinson hoặc viêm khớp .

Bạn cần nói chuyện với bác sĩ trước khi bắt đầu cho con bú nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào. Bác sĩ có thể giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt dựa trên loại thuốc cụ thể bạn đang dùng.

Nếu không may bạn bị cảm lạnh hoặc cúm bạn vẫn có thể cho con bú. Sữa mẹ sẽ không gây bệnh cho em bé mà thậm chí nó còn có thể cung cấp các kháng thể cho bé để giúp chống lại bệnh tật.


Mẹ bị HIV không nên cho trẻ bú sữa mẹ
Mẹ bị HIV không nên cho trẻ bú sữa mẹ

9. Cần bổ sung gì khi nuôi con bằng sữa mẹ?

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng - bắt đầu từ 4 tháng tuổi - trẻ bú mẹ hoàn toàn và trẻ bú mẹ một phần và nhận được hơn một nửa số lần bú hàng ngày là sữa mẹ, nên được bổ sung thêm sắt bằng đường uống. Duy trì bổ sung sắt cho trẻ cho đến khi thực phẩm có sắt, chẳng hạn như ngũ cốc tăng cường chất sắt, được đưa vào chế độ ăn của bé.

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cũng khuyến nghị kiểm tra nồng độ sắt ở tất cả trẻ em khi trẻ được 1 tuổi.

Trao đổi với bác sĩ Nhi khoa về việc bổ sung cả sắt và vitamin D. Bác sĩ có thể cho bạn về lời khuyên khi nào nên bắt đầu, liều lượng và tần suất uống các chất bổ sung như thế nào để phù hợp cho cả em bé và bạn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com, webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe