Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Thu Hà - Bác sĩ Sản Phụ Khoa, Khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Thai ngoài tử cung là khi trứng thụ tinh làm tổ và phát triển ở một vị trí khác ngoài nội mạc tử cung, thông thường là vòi tử cung (chiếm 95%), buồng trứng, ổ bụng hay ở cổ tử cung. Vị trí thai làm tổ không có chức năng chứa thai nên nguy cơ có thể vỡ gây mất máu nhiều và nhanh ảnh hưởng đến tính mạng đến sản phụ nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.
1. Phương pháp điều trị thai ngoài tử cung
Khi chẩn đoán thai ngoài tử cung, bác sĩ sẽ xem xét tình trạng thai đã vỡ hay chưa để đưa ra phương án điều trị thích hợp: dùng thuốc điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật.
Phẫu thuật có hai loại tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp với lâm sàng
- Phẫu thuật nội soi: Thời gian lưu viện 01-02 ngày
- Phẫu thuật mở: Thời gian lưu viện 02-03 ngày
Cách thức phẫu thuật có hai loại:
- Phẫu thuật bảo tồn vòi tử cung
- Phẫu thuật cắt khối chửa (không bảo tồn vòi)
Tùy từng loại phẫu thuật và cách thức phẫu thuật có thời gian thăm khám và theo dõi khác nhau.
2. Các vấn đề theo dõi sau phẫu thuật
- Những thay đổi sau phẫu thuật;
+ Giảm triệu chứng nghén:
+ Ra máu âm đạo sau phẫu thuật 2-3 ngày giống như hành kinh nhưng lượng ít hơn (do sụt giảm nội tiết hoặc ra máu đúng kỳ kinh), hình thành một chu kỳ kinh mới.
- Sau phẫu thuật nữ giới được hẹn tái khám sau khoảng 01- 02 tuần.
- Nếu sau phẫu thuật : Khi thấy thấy sốt, đau bụng, ra máu âm đạo nhiều, sưng nề chảy máu vết mổ .... thì bắt buộc phải đến bệnh viện khám lại ngay
Tùy từng phương pháp phẫu thuật để hướng dẫn theo dõi khác nhau, nhìn chung ca phẫu thuật nội soi và mổ mở:
- Nếu bảo tồn vòi tử cung thì thời gian hẹn tái khám lại sau 1 tuần:
+ Kiểm tra lại vết mổ, toàn trạng.
+ Định lượng và theo dõi beta HCG.
+ Siêu âm nếu cần.
Nếu không bảo tồn vòi tử cung: tái khám sau 2-3 tuần.
- Tư vấn thai sản và kế hoạch hóa gia đình:
Nếu nguyện vọng mong muốn có con thì phụ nữ khám lại cần kiểm tra phụ khoa, tư vấn kế hoạch có thai lại sau 2-3 tháng ( tùy tình trạng sức khỏe của phụ nữ), nên lựa chọn biện pháp tránh thai trong giai đoạn này.
Nếu không có nguyện vọng có con thì sẽ tư vấn các biện pháp tránh thai: bao cao su, thuốc tránh thai, cấy que (chống chỉ định đặt vòng)
Trường hợp mổ chửa ngoài tử cung kết hợp với triệt sản thì khám lại sau mổ 2 tuần và khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/ lần
- Tư vấn sinh hoạt và dinh dưỡng:
Nên ăn nhiều loại thực phẩm giàu vitamin và sắt.
Nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe tối thiểu 2 tuần.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.