Khi bị ong đốt, cơ thể có thể xuất hiện những phản ứng dị ứng đối với nọc độc của ong tiết ra, vì vậy người bệnh cần được chẩn đoán và điều trị một cách chính xác nhất. Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc bôi ngoài da khi bị ong đốt, vì vậy cần lựa chọn thuốc phù hợp với bệnh cảnh lâm sàng cũng như nắm vững những kiến thức về cách sử dụng những loại thuốc này.
1.Tình trạng ong đốt
Bị ong đốt là một tai nạn trong cuộc sống hằng ngày và có thể gây cho người bệnh những phiền toái nhất định. Một số triệu chứng ban đầu khi bị ong đốt đó là đau nhói, sưng, đỏ, nóng và gây ngứa tại vị trí bị đốt, tuy nhiên không để lại bất cứ biến chứng nào nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Mặc dù vậy, nếu người bệnh bị dị ứng với ong hoặc bị ong đốt nhiều lần tại một vị trí thì có thể sẽ nghiêm trọng hơn và lúc này sẽ xuất hiện những hậu quả nặng nề. Những biểu hiện thường gặp của dị ứng với nọc độc do ong tiết ra đó là ngứa dữ dội, sưng lưỡi, sưng niêm mạc họng, khó thở, mạch nhanh, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chóng mặt, mất ý thức..., nếu một trong những triệu chứng kể trên xuất hiện thì người bệnh cần đến ngay bệnh viện gần nhất để được xử trí sốc phản vệ.
Tại những cơ sở y tế có chuyên môn, bệnh nhân sẽ được chỉ định một số xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh một cách chính xác đó là:
- Kiểm tra da: Bệnh nhân sẽ được tiêm một lượng nhỏ nọc độc ong vào cánh tay hoặc lưng, nếu bệnh nhân dị ứng với nọc độc ong thì da sẽ nổi nốt phồng tại vị trí tiêm. Xét nghiệm này được chứng minh là an toàn và không gây những phản ứng quá nghiêm trọng đối với người bệnh mà vẫn kiểm tra được tình trạng dị ứng của bệnh nhân khi bị ong đốt.
- Xét nghiệm máu dị ứng: Đây là xét nghiệm có thể cho biết được tình trạng miễn dịch của cơ thể đối với nọc độc ong thông qua số lượng kháng thể gây dị ứng xuất hiện trong máu của bệnh nhân.
2. Bị ong đốt bôi thuốc gì?
Thông thường, nếu bị ong đốt và không gây ra bất cứ triệu chứng nào của phản ứng dị ứng thì bệnh nhân chỉ cần sơ cứu và điều trị tại nhà là ổn định. Cụ thể hơn, nếu bệnh nhân chỉ phát ban, ngứa và không có những vấn đề về hô hấp và tuần hoàn chỉ cần chăm sóc vết thương tại chỗ bằng cách làm sạch, bôi thuốc mỡ kháng sinh. Bệnh nhân có thể dùng thuốc kháng Histamin để trị ngứa, nếu cảm giác đau ảnh hưởng nhiều có thể dùng thuốc Ibuprofen hay Acetaminophen để giảm đau. Quan trọng hơn, bệnh nhân sẽ được tiêm chủng vắc – xin ngừa uốn ván hoặc tiêm mũi nhắc lại trong trường hợp đã tiêm phòng trước đây.
Tuy nhiên, một số trường hợp vết ong đốt khá nặng nề và có những dấu hiệu của sốc phản vệ, bệnh nhân cần được hỗ trợ y tế trong thời gian sớm nhất. Để cấp cứu sốc phản vệ trong những trường hợp trên, bệnh nhân có thể được tiến hành hồi sức tim phổi CPR nếu có những dấu hiệu ngưng thở, ngưng tim. Các loại thuốc được sử dụng trong trường hợp này điển hình là Epinephrine để cấp cứu, có thể cho bệnh nhân thở oxy, dùng thuốc kháng histamin cũng như Cortisone đường tĩnh mạch để làm giãn phế quản, cải thiện tình trạng hô hấp của bệnh nhân.
3. Cách dùng thuốc bôi ngoài da khi bị ong đốt
Bệnh nhân không có những triệu chứng của sốc phản vệ, có thể tự khắc phục tại nhà bằng cách bôi một số loại thuốc và nguyên liệu như sau:
- Mật ong: Bôi một lượng nhỏ lên vùng da đã làm sạch, băng lỏng và giữ nguyên vết thương trong 1 giờ đồng hồ để giảm đau và giảm ngứa.
- Baking soda: Thoa một lớp dày lên vùng da bị ong đốt, băng vết thương lại và để trong khoảng 15 phút, sau đó thoa lại nhiều lần để trung hòa nọc độc của ong, giảm sưng, ngứa và đau cho bệnh nhân.
- Giấm táo: Ngâm vết thương trong 1 chậu nước giấm táo pha loãng trong 15 phút có thể trung hòa nọc độc của ong
- Kem đánh răng: Vì kem đánh răng có khả năng kiềm hóa nên sẽ vô hiệu hóa được nọc độc của ong được tìm thấy là 1 chất có tính axit.
- Papain: Là một loại enzym có trong chất làm mềm thịt, vì vậy được sử dụng trong trường hợp này để phá vỡ những protein gây đau và ngứa cho bệnh nhân. Cần pha thuốc với nước theo tỉ lệ 1 thuốc : 4 nước và đắp lên vết thương trong khoảng 30 phút.
- Viên Aspirin ướt: Có tác dụng giảm đau, hạ nhiệt và giảm sưng tấy khi bị ong đốt. Bôi 1 viên Aspirin ướt lên vết đốt có thể làm giảm thời gian sưng đau của bệnh nhân.
- Một số loại thảo mộc và tinh dầu: Điển hình đó là nha đam có thể làm dịu da, giảm đau, kem hoa cúc có tính chất khử trùng có thể làm giảm kích ứng da, tinh dầu hoa oải hương chống viêm giảm sưng, dầu trà có thể khử trùng cũng như làm dịu cơn đau của bệnh nhân. Bệnh nhân có thể thoa những chất này lên vùng da bị tổn thương, sau đó băng lại hoặc nếu là tinh dầu có thể trộn với dầu nền để chấm lên vết thương.
Ong đốt là một trong những tai nạn thường gặp, có thể vô hại và chỉ gây những triệu chứng tại chỗ như phát ban, đỏ, sưng, ngứa... nhưng cũng có thể dẫn đến tình trạng sốc phản vệ và để lại những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy cần biết được những cách xử trí cũng như cách dùng những thuốc bôi ngoài da khi bị ong đốt trong trường hợp cần thiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.