Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ mắt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Ngày nay, số lượng người mắc các tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị, lão thị,... ngày càng nhiều. Khi gặp phải một trong số các tình trạng này, bạn sẽ phải khám mắt để xem có cần phải đeo kính hay chưa, nếu có thì đeo kính số bao nhiêu.
1. Mục đích đọc đơn kính thuốc
Bình thường, chúng ta có thể nhìn thấy rõ mọi vật xung quanh là do ảnh của chúng đi qua hệ thống quang học của mắt rồi hội tụ trên võng mạc. Nhưng khi bị các tật khúc xạ, có nghĩa là hệ thống quang học của mắt bị thay đổi, khiến cho ảnh của vật không hội tụ đúng trên võng mạc, do đó không thể nhìn rõ mọi vật được, gọi là tật khúc xạ.
Lúc này bác sĩ nhãn khoa sẽ thăm khám, kiểm tra xem loại tật khúc xạ bạn gặp phải là loại nào, và cần phải sử dụng loại kính nào, độ kính bao nhiêu để giúp điều chỉnh cho ảnh của sự vật rơi đúng vào võng mạc mắt. Các thông tin này đều được ghi rõ ràng trong đơn thuốc kính thuốc.
Nếu bạn lần đầu đi khám mắt, thì khi nhìn vào đơn kính thuốc có thể bạn sẽ không hiểu các thông tin ở trên đó. Tuy nhiên việc này cũng không phải quá khó, bạn chỉ cần nắm rõ các ký hiệu và quy ước là có thể hiểu được các thông tin trong đơn kính thuốc.
Cách đọc đơn kính thuốc để biết kết quả kiểm tra tật khúc xạ mắt mắc phải thường là cận thị hay viễn thị hoặc loạn thị. Hai bên mắt sẽ có thể có cùng một kết quả hoặc khác nhau bởi mỗi mắt có một hệ thống khúc xạ riêng biệt. Do đó bạn cần phải phân biệt được ký hiệu để không bị nhầm lẫn kết quả giữa hai bên mắt.
2. Các từ viết tắt trong đơn kính thuốc
Một số bác sĩ trong lĩnh vực nhãn khoa sẽ đơn giản hóa đơn kính thuốc bằng cách sử dụng các ký hiệu như LE là ký hiệu mắt trái và RE là ký hiệu mắt phải. Tuy nhiên, không phải bác sĩ nào, không phải phòng khám mắt nào cũng sử dụng ký hiệu này.
Có một số bác sĩ, phòng khám lại sử dụng từ viết tắt theo tiếng Latinh như OS (Oculus Sinister) là ký hiệu cho mắt trái còn OD (Oculus Dexter) là ký hiệu cho mắt phải.
Trong đó oculus nghĩa là mắt, sinister nghĩa là trái, còn dexter nghĩa là phải. Còn khi đề cập đến một tình trạng liên quan đến cả hai mắt sẽ sử dụng ký hiệu OU (Oculus Uterque).
Để thuận tiện và giúp cho bạn dễ nhớ, dưới đây là các ký hiệu thường gặp trong đơn kính thuốc mà bạn cần nắm được để có thể hiểu được nội dung trong đó:
- Right eye hoặc OD (mắt phải): sau đó là đến các thông số đo mắt phải và đơn kính thuốc cho mắt phải của bạn.
- Left eye hoặc OS (mắt trái): sau đó là các thông số đo mắt trái và đơn kính thuốc cho mắt trái của bạn.
- Sphere: là độ cầu của mắt thể hiện khả năng khúc xạ ánh sáng của thủy tinh thể. Nếu độ cầu mang dấu trừ (-) có nghĩa là mắt đó bị cận thị, nếu độ cầu mang dấu cộng (+) có nghĩa là mắt đó bị viễn thị.
- Cylinder: là độ trụ của mắt, chỉ số này cho biết độ loạn của mắt và mang dấu trừ (-)thể hiện độ cận loạn ,mang dấu ( +) thể hiện độ viễn loạn
- Axis: là trục của độ loạn, chỉ khi bạn bị loạn thị mới thấy xuất hiện chỉ số này trong đơn kính thuốc.
- ADD (cộng thêm): đây là thị lực nhìn gần cũng còn được gọi là độ đọc sách bằng thị lực nhìn xa cộng thêm. Chỉ số này xuất hiện trong trường hợp mắt bị lão thị.
- Diopters: là đơn bị đo lường được sử dụng trong việc xác định công xuất quang học của kính.
- KCDT là viết tắt của cụm từ “khoảng cách đồng tử”: đây cũng là một chỉ số quan trọng để cắt kính. Cắt kính cần đạt được sự đồng tâm của đồng tử và tâm của tròng kính, như thế mới cho thị lực rõ ràng nhất. Nếu như hai tâm này không trùng nhau sẽ có hiện tượng méo hình ảnh và không rõ ràng.
3. Các thông số độ trong đơn kính thuốc
- Thông số độ cầu (SPH) là khả năng khúc xạ ánh sáng của thủy tinh thể.
- Nếu mắt bạn bị viễn thị có nghĩa là gặp khó khăn khi nhìn các vật ở gần, khi đó chỉ số này là một số dương, dấu cộng (+)ở đằng trước.
- Nếu mắt của bạn bị cận thị có nghĩa là gặp khó khăn khi nhìn vật ở xa, thì độ cầu là một số âm với dấu trừ (-) ở phía trước.
- Độ (Diopters) là đơn vị đo lường được sử dụng để xác định công suất quang học và độ cong của tròng kính. Cả hai thông số này đều dựa trên công thức xác định độ dài tiêu cự hoặc là khả năng lấy nét của mắt bạn. Giá trị của con số này càng lớn thì mức độ cận thị hoặc viễn thị của bạn càng nhiều.
Ví dụ: trong đơn kính thuốc của bạn ghi OD: SPH - 5,25 nghĩa là mắt phải của bạn bị cận 5,25 độ. Để khắc phục tình trạng này, bạn cần phải sử dụng tròng kính lõm (bề mặt kính cong vào bên trong). Còn tròng kính lồi (bề mặt kính cong ra ngoài) được sử dụng để khắc phục tình trạng viễn thị và lão thị.
- Thông số độ trụ của mắt (CYL): là nói đến hình trụ cả mắt và cũng là số hiệu chỉnh cần thiết cho những người bị tật khúc xạ loạn thị. Có nghĩa là giác mạc mắt bị thiếu hụt hoặc tròng kính phía sau mắt không cong và thay đổi hướng ánh sáng đúng cách hoặc là cả hai điều này cùng xảy ra. Tình trạng này khiến cho thị lực giảm nếu không được khắc phục bằng kính thuốc.
Giá trị của thông số CYL có thể là số âm hoặc số dương.
- Thông số độ trục (AXIS) lại là một thông số bổ sung cho tình trạng loạn thị. Chỉ số của độ trục nằm trong giới hạn từ 0 đến 180, trong đó 90 được hiểu là đường thẳng đứng trong mắt, còn 180 là đường nằm ngang.
- Thông số ADD: là kết quả của phép đo xuất hiện trong đơn kính hai tròng để khắc phục tình trạng lão thị. Tròng kính hai tròng sẽ có hai điểm phân biệt một cho tầm nhìn gần, một cho tầm nhìn xa, để người sử dụng có thể điều chỉnh cho phù hợp với từng hoàn cảnh, mục đích.
Một số ví dụ về đơn kính thuốc:
- OD: -1,00
Có nghĩa là mắt phải bị cận 1 độ, mức độ cận nhẹ.
- OS: +3,5
Có nghĩa là mắt trái bị viễn 3,5 độ.
- OD: -2,00 (- 1,50 x 180 )
Có nghĩa là mắt phải bị cận 2 độ và loạn 1,5 độ và trục là 180 độ.
- OS: +3,50 (+ 3,00 x 45)
Có nghĩa là mắt trái bị viễn thị 3,5 độ và loạn 3 độ với trục là 45 độ.
Càng ngày càng có nhiều người mắc phải tật khúc xạ ở mắt, đặc biệt là trẻ em đang có xu hướng bị tật khúc xạ nhiều hơn. Để có thể phát hiện sớm các tình trạng khúc xạ mắc phải và điều chỉnh cho phù hợp, khách hàng có thể thực hiện khám mắt định kỳ hàng năm, đặc biệt là trẻ em và những người phải sử dụng máy tính nhiều.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com