Hướng dẫn điều trị dự phòng bệnh dại ở người bị súc vật cắn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thi Diễm Thúy - Bác sĩ tư vấn vắc-xin - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Làm thế nào khi bị chó cắn hay vật nuôi cắn để điều trị dự phòng bệnh dại? Hiểu và nắm rõ phương pháp xử lý nhanh trong tình huống bị động vật cắn nhằm giảm tối đa khả năng phát bệnh dại - Bệnh cực kỳ nguy hiểm do tính chất gây tử vong cao.

1. Xử lý khi bị chó, mèo cắn

Làm thế nào khi bị chó cắn hay bị mèo cắn?

  • Khi bị súc vật cắn, bạn cần xối rửa ngay vết thương bằng nước sạch và xà phòng trong thời gian từ 10-15 phút. Nếu không có xà phòng thì có thể chỉ xối rửa bằng nước mạnh. Đây là cách rất hiệu quả trong việc hạn chế virus bệnh dại xâm nhập vào vết thương.
  • Vết thương cần được rửa kỹ bằng cồn 70% hoặc dung dịch sát khuẩn iodine.
  • Bác sĩ sẽ đánh giá sơ qua tình trạng tiêm chủng của người bệnh: Xem tiền sử tiêm vaccin uốn ván của người bệnh (xem bệnh nhân đã được tiêm vắc-xin uốn ván, bạch hầu, ho gà, hay vắc- xin giải độc tố uốn ván trước đó hay chưa?) Có thể kê đơn dùng kháng sinh để phòng nhiễm khuẩn và chỉ định tiêm vắc-xin giải độc tố uốn ván khi cần thiết.

Đối với vết thương, tuyệt đối tránh những hành động sau:

  • Băng bó hoặc bôi thuốc kín vết thương khiến vết thương bị bí.
  • Khâu vết thương sẽ làm virus dại dễ dàng thâm nhập hơn.

Xử lý khi bị chó, mèo cắn
Xử lý khi bị chó, mèo cắn

2. Các biện pháp điều trị và phòng ngừa

Hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nào một khi đã phát bệnh dại. Cách tốt là giảm đau đớn ở vết thương cho bệnh nhân, giữ họ ở trạng thái tâm lý thoải mái, tránh lo lắng bồn chồn và thực hiện phân loại vết thương theo các cấp:

  • Độ 1: Là cấp độ cơ bản nhất, người bệnh là đối tượng hay tiếp xúc hoặc cho động vật ăn; bị liếm trên da lành (kín); để da lành tiếp xúc với chất tiết hoặc chất thải của vật bệnh.

=> Giải pháp: Không cần điều trị gì tình trạng vẫn trong tầm kiểm soát.

  • Độ 2: Nếu người bệnh bị vật bệnh gặm nhấm trên da hở. Vết cắn, vết cào nhỏ, vết trầy xước da không gây chảy máu.

=> Giải pháp: Cẩn tiêm vắc-xin phòng dại ngay và quan sát con vật cắn. Ví dụ như bạn bị mèo cắn hoặc chó cắn, con vật cần được theo dõi trong vòng 10 ngày, nếu nó khỏe mạnh và không có dấu hiệu của bệnh dại thì dừng điều trị.

Độ 3: Nếu người bệnh bị một hay nhiều vết cắn xuyên da hoặc vết cào, vết liếm trên da hở; niêm mạc màng nhầy dính với nước bọt thì cần tiêm vắc-xin phòng dại (HDCV) và huyết thanh kháng dại (HRIG hoặc ERIG) ngay lập tức. Huyết thanh kháng dại cần được tiêm nửa liều một lần ở gần vết thương và nửa liều còn lại vào cơ bắp. Vắc-xin phòng dại được tiêm 5 liều vào ngày 0,3,7,14 và 28 tính từ mũi tiêm đầu tiên.


Cần tiêm vắc-xin phòng dại ngay và quan sát con vật cắn sau khi bị động vật cắn
Cần tiêm vắc-xin phòng dại ngay và quan sát con vật cắn sau khi bị động vật cắn

Việc điều trị cần tiếp tục thậm chí cả khi xuất hiện những phản ứng của vắc-xin. Trong quá trình chăm sóc người bệnh, có một số yếu tố cần lưu ý:

  • Người chăm sóc người bệnh cần sử dụng thiết bị phòng hộ cá nhân để tránh xa vết cắn hoặc nước bọt nhiễm bệnh từ màng nhầy và vết thương.
  • Cần để bệnh nhân nghỉ ngơi trong một căn phòng yên tĩnh với ánh sáng dịu và tránh các tác nhân kích thích (như tiếng ồn lớn, không khí lạnh) vì chúng có thể làm tăng nguy cơ co thắt và co giật ở người bệnh.
  • Cho bệnh nhân uống thuốc an thần diazepam 10mg 4-6 giờ một lần, bổ sung thêm chlorpromazine 50-100mg, hoặc tiêm morphine vào tĩnh mạch để giúp kiểm soát được các cơn co thắt cơ và hiện tượng dễ bị kích thích.
  • Có thể sẽ phải truyền dịch tĩnh mạch vì bệnh nhân thường sẽ không ăn hoặc tiêu hóa được qua đường miệng.

Bệnh dại một khi đã mắc phải sẽ có diễn tiến phức tạp và khó điều trị, nên cách tốt là thực hiện phòng ngừa, xử lý nhanh vết thương và tiêm phòng ngay từ khi mới bị động cắn. Đây là cách tốt để phòng tránh và giảm thiểu nguy cơ tử vong ở người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết được tham khảo từ Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe