Bài viết được viết bởi BS Âu Thị Hoa - Trung tâm Y học tái tạo và trị liệu tế bào - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Khái niệm
Rối loạn tăng động, giảm chú ý( Attention Deficit Hyperactivity Disorder- ADHD) là rối loạn tâm thần và thần kinh - hành vi, đặc trưng bởi khó khăn trong việc tập trung hoặc tăng hoạt động/ xung động hay kết hợp cả giảm tập trung chú ý và tăng hoạt động/ xung động.
Phân loại
- Giảm chủ ý là chủ yếu: Trẻ có các biểu hiện như khó duy trì chú ý vào nhiệm vụ, hoạt động đòi hỏi nỗ lực trí tuệ ví dụ ngồi viết, học bài( trừ các nhiệm vụ trẻ thích như vẽ tranh, xem tivi,....); hay quên các nhiệm vụ, đồ dùng; dễ bị xao lãng vì các kích thích bên ngoài.
- Tăng động- xung động là chủ yếu: Trẻ có các biểu hiện như chân tay luôn ngọ nguậy, khó ngồi yên một chỗ , hoạt động liên tục; trẻ có thể nói liên tục hoặc nói quá nhiều, nói chen ngang với người khác; trẻ có thể leo trèo, nghịch ngợm quá mức.
- Thể kết hợp tăng động- xung động và giảm chú ý
Lưu ý: Cần thận trọng trong việc đưa ra đánh giá xác định vấn đề cho trẻ. Ở trẻ em, rối loạn tăng động giảm chú ý có thể bị nhầm lẫn với các vấn đề hướng ngoại như rối loạn thách thức chống đối và rối loạn hành vi ứng xử.
Những cách thức hỗ trợ bố mẹ có thể thực hiện tại gia đình:
- Các chiến lược về y tế:
Một số trường hợp các trẻ được chẩn đoán ADHD sẽ được bác sĩ kê thuốc để kiểm soát các triệu chứng của ADHD. Những thuốc này sẽ không chữa được ADHD nhưng sẽ hỗ trợ cho trẻ bên cạnh các biện pháp về hành vi, tâm lý- giáo dục. Cần lưu ý rằng thuốc sẽ chỉ đem lại hiệu quả tối ưu khi được sử dụng với liều dùng được chỉ định trên nhu cầu của trẻ và có sự theo dõi thường xuyên của bác sĩ.thuốc sẽ chỉ đem lại hiệu quả tối ưu khi được sử dụng với liều dùng được chỉ định trên nhu cầu của trẻ và có sự theo dõi thường xuyên của bác sĩ.
- Các chiến lược về tâm lý giáo dục:
- Sắp xếp môi trường học tập: Giảm thiểu các tác nhân làm trẻ mất tập trung như ánh sáng( hạn chế ánh sáng quá mạnh hoặc quá yếu), tiếng ồn( tiếng ti vi, tiếng máy sấy, tiếng các phương tiện giao thông), không gần cửa sổ.
- Xây dựng thời gian biểu hợp lý- cố định: Bố mẹ có thể cân nhắc để sắp xếp thời gian ăn- ngủ- chơi- học của trẻ một cách phù hợp, giờ học nên có khoảng cách với giờ ngủ- giờ ăn để trẻ có thể tập trung tốt nhất. Thời gian biểu cũng nên cố định để trẻ có thể hình dung thứ tự các việc cần làm, nếu có sự thay đổi thì nên thông báo cho trẻ sớm nhất có thể để trẻ chuẩn bị tâm lý.
- Sắp xếp các đồ vật trong gia đình/ đồ dùng của trẻ theo cấu trúc: Điều này giúp trẻ đặt các đồ dùng như bút, quần áo, balo,... đúng vị trí và có thể kiểm soát đồ dùng một cách hiệu quả.
- Đưa ra lựa chọn: Lựa chọn là một cách hiệu quả để hướng dẫn trẻ kiểm soát những điều trẻ làm, thể hiện nhu cầu và giảm những hành vi không phù hợp. Việc đưa ra lựa chọn có thể áp dụng linh hoạt trong việc để trẻ lựa chọn thứ tự thực hiện các nhiệm vụ, thời gian thực hiện, phương thức/ người hỗ trợ,...
- Sử dụng các câu hướng dẫn ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể
- Sử dụng các phần thưởng một cách phù hợp: Dựa trên khả năng thực tế của trẻ, bố mẹ có thể đưa ra các phần thưởng khác nhau như lời khen, đồ chơi, thức ăn, đi chơi,.... Phần thưởng cần bám sát vào sở thích, nhu cầu của trẻ để trẻ cố gắng thực hiện. Điều kiện để đạt được phần thưởng cần trọng phạm vi trẻ có thể thực hiện được, khó quá thì trẻ sẽ nản chí, dễ quá thì trẻ cũng sẽ nhanh chán.
=> Gợi ý một số hoạt động cụ thể:
- Luyện khả năng chú ý, phối hợp tay mắt: phân loại đồ vật theo từng bộ đồ chơi, theo màu sắc, hình dạng; xếp lại các hình ghép có sẵn; vẽ lại các hình từ đơn giản đến phức tạp; tô màu theo mức độ các chi tiết phức tạp dần
- Luyện khả năng chú ý và lắng nghe: Nghe và nhắc lại các dãy số xuôi- ngược; tái hiện lại nhịp điệu( tiếng vỗ tay) đã nghe; nghe và đoán tên gọi của đồ vật/ con vật phát ra âm thanh
- Luyện khả năng chú ý và bắt chước: bắt chước vận động từng bộ phận; phối hợp vận động theo chuỗi
- Các hoạt động về vận động thô: bơi, bóng đá, trượt patin, chạy, đi bộ
- Các hoạt động đòi hỏi sự tập trung chú ý: ném bóng vào rổ, ném phi tiêu