Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS.BS Dương Văn Sỹ - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Ở trẻ nhỏ, thường xuyên xảy ra các vấn đề về hô hấp gây ngạt mũi, sổ mũi, khó thở do đờm và chất nhầy chứa trong các khoang đường thở gây nghẹt. Việc hút mũi cho trẻ có thể giúp tạo sự thông thoáng cho đường thở, giúp trẻ dễ dàng thở hơn.
1. Vì sao cần hút mũi cho trẻ?
Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn thiện. Do đó, khả năng đề kháng chống lại các tác nhân gây hại còn non yếu, trẻ dễ nhiễm các bệnh về nhiễm khuẩn. Điển hình là các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp gây nên tình trạng ngạt mũi, sổ mũi, ho, hắt hơi...
Các chứng bệnh hô hấp đa phần đều có sự xuất hiện của đờm. Đờm có thể ở cuống phổi, ở cây phế quản, ở các xoang mũi, trong khoang miệng...gây nên sự tắc nghẽn, đường thở bị cản trở, trẻ khò khè, khó thở.
Một số trường hợp nặng, đờm quá nhiều làm giảm sự lưu thông không khí vào trong các phế nang khiến trẻ bị rơi vào tình trạng suy hô hấp, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Ở thời điểm này, việc hút mũi cho trẻ, lấy các dịch đờm ra khỏi hệ thống mũi miệng là điều rất quan trọng để tạo sự thông thoáng đường thở cho trẻ, giúp trẻ phục hồi lại sự tự hô hấp của cơ thể.
2. Các cách hút mũi cho trẻ hiện nay
Hiện nay có rất nhiều cách hút mũi cho trẻ khác nhau nhưng thông dụng nhất là hút mũi bằng ống bơm và hút mũi bằng dụng cụ.
2.1 Cách hút mũi cho trẻ sơ sinh bằng ống hút
- Đưa nước muối sinh lý đã chuẩn bị sẵn vào mũi để giúp làm loãng chất nhầy mũi: đặt đầu trẻ nằm nghiêng 1 bên rồi nhỏ từ từ 1 -2 giọt dung dịch nhỏ mũi vào mũi, cố gắng giữ chất lỏng trong mũi trẻ khoảng 10 giây.
- Đợi 2 - 3 phút sau đó giữ đầu bé thấp hơn chân để dung dịch có thể đi sâu vào mũi hơn. Hiện tượng nghẹt mũi sẽ giảm dần, bé có thể tự thở dễ dàng hơn. Nếu sau vài phút trẻ vẫn thở khò khè thì có thể lặp lại việc nhỏ nước muối sinh lý.
- Bóp ống bơm để đẩy hết không khí ra ngoài rồi đặt ống bơm trước mũi bé sao cho mũi bị bịt kín bởi ống bơm. Nhẹ nhàng thả tay cầm để tạo lực hút chất nhầy ra ngoài.
Lưu ý: Không nên đưa ống bơm đi quá sâu vì dễ gây tổn thương nhiều. Nếu bé có hành động phản đối chống lại, không nên vội vàng ép trẻ phải hút chất nhầy ngay lúc đó mà hãy thử lại sau đó để tránh trong quá trình làm sẽ gây tổn thương mũi cho trẻ do trẻ cử động.
- Sau khi hút xong một bên mũi cần làm sạch lại ống bơm để loại bỏ hết chất nhầy ra khỏi lòng ống rồi tiếp tục hút với bên còn lại. Thao tác lặp lại làm giống như đã hút ở bên kia.
- Nếu sau khi hút mũi, bé vẫn còn bị nghẹt sau 5 - 10 phút thì hãy lặp lại toàn bộ quá trình hút mũi một lần nữa.
2.1 Cách hút mũi cho bé bằng dụng cụ
Thường dùng là dụng cụ hình chữ U. Các bước tiến hành hút mũi như sau:
Bước 1: Để đầu hút của dụng cụ trước mũi trẻ
Cho đầu vòi lớn vào mũi bé, đầu thon của dụng cụ được nối với một ống hình trụ dài, nơi chứa chất nhầy từ mũi sau khi hút ra.
Bước 2: Hút chất nhầy
Đặt lên miệng và hút đầu còn lại của dụng cụ. Số lượng chất nhầy có thể lấy ra tùy thuộc vào lực hút của bạn. Do thiết kế đặc biệt của dụng cụ nên bạn sẽ không phải lo lắng về việc sẽ hút phải chất nhầy mũi vào miệng.
Bước 3: Vệ sinh mũi và dụng cụ
Sau khi hút mũi cho trẻ cần vệ sinh lại mũi và dụng cụ bằng nước muối sinh lý, nước ấm hoặc dung dịch sát khuẩn.
3. Một số sai lầm thường mắc phải khi hút mũi cho trẻ
3.1 Phụ huynh hút mũi cho trẻ bằng miệng của mình
Đây là điều xảy ra rất thường xuyên trong đời sống hằng ngày. Người lớn nghĩ rằng điều này có thể giúp lấy đờm ra khỏi mũi của trẻ một cách nhanh chóng mà không hề gây tổn thương cho mũi của trẻ.
Tuy nhiên, về mặt khoa học, miệng là nơi chứa rất nhiều các loại vi khuẩn khác nhau. Việc dùng miệng hút cho trẻ vô hình chung tạo một con đường lây nhiễm vi khuẩn từ khoang miệng sang cho trẻ. Điều này có thể làm tăng tình trạng nhiễm khuẩn của trẻ.
3.2 Dùng tay móc họng để trẻ ói ra đờm
Đó hoàn toàn là cách sai trái, tay không vô khuẩn hơn nữa trẻ còn nhỏ, niêm mạc hầu họng còn yếu, việc móc họng có thể làm tổn thương niêm mạc hầu họng cho trẻ, gây sặc vào đường thở. Mặt khác móc họng nhiều có thể làm tăng nguy cơ bị trào ngược dạ dày sau này cho trẻ.
3.3 Lạm dụng quá nhiều nước rửa mũi cho trẻ
Lạm dụng quá nhiều nước rửa mũi cho trẻ, làm nhiều lần trong ngày ngay cả khi bé không hề có vấn đề gì về mũi họng. Việc lạm dụng này có thể dẫn đến teo niêm mạc mũi, ảnh hưởng đến chức năng thở và khứu giác của trẻ.
Hút mũi cho trẻ là một việc làm cần thiết để giải tỏa sự tắc nghẽn trong đường hô hấp cho trẻ giúp trẻ lấy lại khả năng tự hô hấp. Hút mũi đúng cách và đúng phương pháp sẽ không gây tổn thương cho bé mà cũng đảm bảo được hiệu quả hút mũi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.