Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Minh Tâm - Trưởng phòng khám Vinmec Royal City - Phòng khám Quốc tế Vinmec Royal City
Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu máu là một trong các biến chứng của bệnh đái tháo đường. Theo đó việc chẩn đoán xác định bệnh sẽ giúp bác sĩ có hướng điều trị bệnh hiệu quả.
1. Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu máu là gì?
Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu (ALTT) máu là một trong các biến chứng của bệnh đái tháo đường. Các biến chứng của bệnh đái tháo đường bao gồm:
- Hôn mê do toan xê tôn.
- Hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu máu.
- Hôn mê do toan lactic
- Hôn mê do hạ đường máu.
Cùng là biến chứng của đái tháo đường, nhưng mỗi loại hôn mê lại có bệnh cảnh riêng, hoàn cảnh xảy ra riêng, với các triệu chứng tưởng là giống nhau, nhưng thực chất chúng đều có điểm riêng biệt, đó cũng là những điểm mấu chốt để chẩn đoán phân biệt.
- Hôn mê tăng ALTT máu là rối loạn chuyển hoá glucose, biểu hiện bằng hôn mê, đường huyết rất cao ( ≥ 40 mmol/L).
- Mất nước nặng nề → ALTT máu tăng cao, rất điển hình (≥ 350 mOsmol/L)
- Có thể có toan xe ton nhẹ (khoảng 1+).
- Rối loạn ý thức đa dạng: lẫn lộn, lơ mơ, yếu chi, co giật, hôn mê...
Công thức tính áp lực thẩm thấu máu:
ALTT máu= 2.( Na+ K) + Ure máu + Glucose máu
2. Chẩn đoán xác định hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu máu
2.1. Chẩn đoán xác định
Lâm sàng
Tất cả bệnh nhân hôn mê, có rối loạn ý thức, có biểu hiệu mất nước cần nghĩ đến tăng ALTT máu và chỉ định thực hiện xét nghiệm đường huyết.
- Rối loạn ý thức nặng: từ lờ đờ đến hôn mê.
- Mất nước nặng, nhanh: Trong tế bào nhiều hơn ngoài tế bào.
Xét nghiệm
- Đường máu tăng > 34 mmol/L (> 6g/L).
- ALTT máu tăng > 320 mOsmol/L ( 350 mOsmol/L).
- Đường niệu: (++++) / xêtôn niệu (+).
- Điện giải đồ (ĐGĐ): Natri máu tăng, Kali Bình thường/ tăng. Khoảng trống anion bình thường.
- Ure máu và creatinin máu tăng.
- Ure niệu/ Ure máu > 8; Bicacbonat > 15.
- Xét nghiệm công thức máu có bạch cầu tăng; Lactic máu thường tăng.
2.2. Chẩn đoán phân biệt
- Hôn mê do toan xêtôn
- Hôn mê toan lactic (sau dùng biguanid)
- Hôn mê hạ đường máu.
- Hôn mê do tổn thương thần kinh trung ương (TKTW) trên bệnh nhân đái tháo đường.
2.3. Chẩn đoán nguyên nhân
Nguyên nhân nhiễm khuẩn do viêm phổi, viêm đường mật, viêm đường tiết niệu... Dùng thuốc lợi tiểu, corticoid.
- Bệnh thận tiềm tàng.
- Tai biến mạch máu não (TBMMN) là hậu quả của bệnh đái tháo đường, nhưng có thể chính tai biến mạch máu não lại là nguyên nhân thuận lợi để hôn mê tăng ALTT xuất hiện.
3. Điều trị hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu máu
3.1. Nguyên tắc
- Truyền hay cho uống một lượng nước lớn, nhưng thường phải truyền dịch.
- Làm giảm đường máu bằng insulin.
- Chỉ truyền Glucose 5% khi đường máu xuống tới 15 mmol/L.
- Bù Kali rất cần thiết, đặc biệt khi đường máu bắt đầu hạ do điều trị.
3.2. Điều trị cụ thể
Bồi phụ nước điện giải là công việc hàng đầu. Số lượng: 6 – 10 l/ 24h. Dịch cao phân tử.
- Natriclorua 0,45%.( Natriclorua o,9% + Glucose 5% + Insulin)
- Glucose 5%: Chỉ bắt đầu truyền Glucose 5% khi đường huyết hạ xuống tới 15 mmol/L; Nhưng cần thiết truyền vì Glucose có vai trò vận chuyển nước tự do và vận chuyển chính Insulin).
- Ringer Lactat: Khi có đầy đủ các loại dịch khác thì không cần thiết truyền Ringer Lactat.
- Bù kali: Cần thiết bù kali theo nguyên tắc bù dịch và điện giải đồ, ngay khi đường máu bắt đầu hạ do điều trị.
- Dùng insulin: Cần thiết trong hôn mê tăng áp lực thẩm thấu máu để hạ đường máu nhanh đến mức mong muốn và an toàn, đặc biệt trong giai đoạn có phối hợp toan xê tôn.
Việc điều trị nguyên nhân thuận lợi là cần thiết để đề phòng hôn mê tái phát. Chăm sóc tích cực theo dõi toàn diện lâm sàng và cận lâm sàng.
Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu do đái tháo đường rất nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện sớm. Vì vậy, khi có dấu hiệu bệnh, người nhà cần ngay lập tức đưa bệnh nhân tới bệnh viện và tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa để tránh những biến chứng nặng.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang cung cấp Gói khám sàng lọc tiểu đường giúp bệnh nhân sớm phát hiện ra bệnh và nâng cao hiệu quả điều trị. Để đăng ký khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM: