Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Bệnh thủy đậu là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm và có thể để lại biến chứng nếu như không được thăm khám và điều trị kịp thời. Bệnh có thể gây biến chứng viêm phổi cho người mẹ khi mang thai hoặc hội chứng thủy đậu bẩm sinh cho trẻ.
1. Bệnh thủy đậu là căn bệnh gây ra bởi Varicella Zoster Virus (VZV)
Bệnh thủy đậu trong dân gian còn gọi là bệnh trái rạ. Đây là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính thường gặp có thể xảy ra ở trẻ nhỏ và người lớn do một loại siêu vi mang tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây ra.
Mặc dù, thủy đậu là bệnh truyền nhiễm lành tính nhưng có khả năng lây nhiễm rất cao. Thậm chí, bệnh có thể để lại biến chứng vô cùng nguy hiểm, khiến người bệnh tử vong. Thủy đậu lây qua đường hô hấp, đối tượng dễ mắc bệnh là trẻ em và những người chưa có miễn dịch. Phụ nữ bị thủy đậu khi mang thai không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn tăng nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh ở trẻ.
2. Bị thủy đậu khi mang thai nguy hiểm cho mẹ và bé như thế nào?
Theo thống kê, tỷ lệ mắc thủy đậu khi mang thai tại Mỹ là từ 1 đến 5 trường hợp/10.000 ca mang thai. Tỷ lệ mắc thấp này có liên quan đến tỷ lệ huyết thanh dương tính với Varicella Zoster Virus. Tỷ lệ tương tự đã được báo cáo ở các nước châu Âu, nhưng tỷ lệ huyết thanh dương tính với Varicella Zoster Virus ở những người sống ở khu vực nhiệt đới thấp hơn, chúng chỉ chiếm khoảng 50%.
Tỷ lệ phụ nữ bị thủy đậu khi mang thai không cao hơn so với mặt bằng chung người lớn nhưng mức độ nghiêm trọng của bệnh thường nặng nề hơn.
Các biến chứng thủy đậu khi mang thai bao gồm viêm màng não, viêm não, viêm phổi, mất điều hòa tiểu não, viêm cầu thận, viêm cơ tim, các bệnh về mắt, suy tuyến thượng thận,... Theo đó, viêm phổi do thủy đậu là biến chứng hay gặp nhất ở phụ nữ mang thai với các biểu hiện gồm ho, khó thở, sốt và thở nhanh. Viêm phổi do thủy đậu thường phát triển trong vòng 1 tuần sau khi nổi mụn nước, biến chứng bệnh có thể nhanh chóng tiến triển làm cơ thể thiếu oxy, suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Dựa trên triệu chứng lâm sàng của bệnh thủy đậu, các bác sĩ sẽ chỉ định các thai phụ thực hiện xét nghiệm PCR dịch mụn nước hoặc xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang. Sau khi có kết quả chẩn đoán bị thủy đậu khi mang thai các sản phụ sẽ được chỉ định điều trị sử dụng thuốc, kết hợp chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, luyện tập để đảm bảo sức khỏe.
XEM THÊM: Bị thủy đậu khi mang thai có nguy hiểm cho em bé?
3. Hội chứng thủy đậu bẩm sinh ở trẻ có bà mẹ bị thủy đậu khi mang thai
Bị thủy đậu khi mang thai, nguy hiểm không chỉ ảnh hưởng đến người mẹ mà còn làm tăng nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh ở trẻ, điển hình là hội chứng thủy đậu bẩm sinh.
Theo nghiên cứu của Enders G, Miller E cùng cộng sự năm 1994 trên 1.739 bệnh nhân cho thấy tỷ lệ: 0,4% phụ nữ bị thủy đậu khi mang thai trước tuần thứ 12 sinh con mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh. Theo đó, nguy cơ sẽ tăng lên khoảng 2% nếu thủy đậu khi mang thai xảy ra từ tuần 13 đến tuần thứ 20 của thai kỳ.
Có 30% trẻ tử vong trong những năm tháng đầu đời khi mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh và có đến 15% có nguy cơ mắc bệnh Zona trong 4 năm đầu đời. Nếu mang thai bị thủy đậu trong giai đoạn sớm của thai kỳ, bắt đầu từ tuần thứ 8 đến tuần 12 thì nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 0.4%.
Theo đó, biểu hiện thường gặp nhất của hội chứng thủy đậu bẩm sinh là những bóng nước vỡ và để lại sẹo trên da. Ngoài ra, những bất thường khác có thể xảy ra như:
- Xảy ra bất thường về hệ thần kinh: Trẻ chậm phát triển trí tuệ, tật đầu nhỏ
- Xảy ra bất thường về mắt: Teo dây thần kinh thị giác, đục thủy tinh thể, viêm màng võng mạc, tật nhãn cầu nhỏ, rung giật nhãn cầu
- Xảy ra bất thường các chi: teo/ liệt tứ chi
- Xảy ra bất thường về tiêu hóa: trào ngược dạ dày – thực quản, hẹp/ tắc ruột...
Trong trường hợp, mang thai bị bệnh thủy đậu trong vòng 5 ngày trước khi sinh và 2 ngày sau khi sinh, trẻ sẽ dễ bị bệnh thủy đậu lan tỏa hoặc thủy đậu sơ sinh do người mẹ chưa có đủ thời gian tạo kháng thể truyền cho thai nhi trước sinh. Tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh lúc này lên đến 25 – 30% số trường hợp bị nhiễm.
XEM THÊM: Bị thủy đậu khi mang thai: Điều trị thế nào?
4. Hội chứng thủy đậu bẩm sinh ở trẻ được chẩn đoán như thế nào?
Việc phát hiện sớm hội chứng thủy đậu bẩm sinh rất quan trọng. Theo đó, sau khi xác định được thai phụ bị thủy đậu khi mang thai và có nguy cơ thai bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh cao có thể được chỉ định thực hiện xét nghiệm PCR máu hoặc nước ối thai nhi tìm DNA của VZV. Xét nghiệm PCR có độ nhạy cao và được thực hiện trong tuần 17 - 21 của thai kỳ;
Ngoài ra, siêu âm hình thái thai nhi được thực hiện 5 tuần sau khi người mẹ bị nhiễm thủy đậu để đánh giá các bất thường của thai nhi. Chỉ định siêu âm lặp lại từ 22 - 24 tuần. Nếu siêu âm lặp lại cho kết quả bình thường thì nguy cơ mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh rất thấp. Nếu kết quả siêu âm có nghi ngờ và dựa trên tiền sử bệnh của người mẹ thì bác sĩ cần tư vấn về nguy cơ mắc bệnh của thai nhi.
Sau khi sinh, các bác sĩ có thể chẩn đoán hội chứng thủy đậu bẩm sinh dựa vào tiền sử mắc bệnh thủy đậu của người mẹ. Theo đó, nếu tình trạng bất thường của trẻ làm bác sĩ nghi ngờ do hội chứng thủy đậu bẩm sinh có thể cho trẻ thực hiện xét nghiệm PCR tìm DNA của virus thủy đậu trẻ sơ sinh. Nếu có sự hiện diện của kháng thể IgM đặc hiệu VZV trong máu cuống rốn, trẻ có thể sẽ mắc bệnh Zona trong giai đoạn sớm,...
Thủy đậu là căn bệnh nguy hiểm và có thể để lại biến chứng. Tuy nhiên, hiện nay căn bệnh này đã có thể phần nào hạn chế được nhờ việc tiêm phòng vắc-xin thủy đậu đúng lịch.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nữ giới nên đi tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh thủy đậu khi còn trẻ hoặc trước khi mang thai ít nhất 3 tháng. Tuy nhiên, do vắc-xin thủy đậu là vắc-xin sống giảm độc lực nên vắc-xin này chống chỉ định với phụ nữ đang mang thai.
Đây cũng là lý do vì sao vắc-xin thủy đậu là vắc-xin có mặt trong danh sách các vắc-xin nên tiêm phòng trước khi mang thai. Do đó, để đảm bảo sức khỏe cũng như sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi, tránh được các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh thủy đậu, các thai phụ nên thăm khám sức khỏe, đồng thời tiêm phòng các loại vắc-xin được khuyến cáo theo đúng lịch.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã và đang triển khai dịch vụ tiêm chủng với nhiều loại vắc-xin đa dạng cho các đối tượng khác nhau, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước và trong khi mang thai. Trong đó có vắc-xin phòng bệnh thủy đậu. Những ưu điểm khi tiêm vắc-xin tại Vinmec bao gồm:
- Bệnh nhân sẽ được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc-xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế thế giới nhằm đảm bảo hiệu quả tốt và an toàn nhất.
- Đội ngũ bác sĩ khám, tư vấn và điều dưỡng viên giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, hiểu tâm lý và áp dụng cách giảm đau hiệu quả trong quá trình tiêm chủng.
- 100% bệnh nhân được tiêm chủng được theo dõi 30 phút sau tiêm và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.
- Được theo dõi đa khoa trước, trong và sau tiêm chủng tại Hệ thống y tế Vinmec và luôn có ekip cấp cứu sẵn sàng phối hợp với phòng tiêm chủng xử trí các trường hợp sốc phản vệ, suy hô hấp – ngừng tuần hoàn, đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.
- Vắc-xin được nhập khẩu và bảo quản tại hệ thống kho lạnh hiện đại, với dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, giữ vắc-xin trong điều kiện tốt để đảm bảo chất lượng.
Để đăng ký khám và sử dụng dịch vụ tiêm chủng tại Vinmec, Quý khách hàng có thể đến trực tiếp hoặc liên hệ đến Hotline để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.