Hội chứng thận hư trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Mỗi năm có khoảng 1/50.000 trẻ em được chẩn đoán hội chứng thận hư. Tình trạng này thường được chẩn đoán đầu tiên ở trẻ em trong độ tuổi từ 2 - 5 tuổi. Hội chứng thận hư ở trẻ em khá nguy hiểm, cha mẹ cần kịp thời phát hiện những dấu hiệu ban đầu và đưa trẻ đến viện sớm, tránh biến chứng.

1. Hội chứng thận hư là gì?

Hội chứng thận hư là tình trạng một lượng lớn protein (cụ thể hơn là albumin) bị mất qua nước tiểu. Lượng albumin bị mất này đủ để gây giảm protein máu. Mặt khác, protein có tác dụng giữ nước trong lòng mạch, khi protein máu thấp đạt ngưỡng, nước sẽ thoát từ lòng mạch ra mô kẽ và gây phù. Phù có thể xảy ra ở các vùng khác nhau của cơ thể và ở các thời điểm khác nhau trong ngày. Những vùng hay bị phù nhất gồm: mắt, bụng, 2 chi dưới và bìu.

2. Hội chứng thận hư trẻ em

Khi albumin bị mất qua nước tiểu, trong đó có một số loại protein đặc biệt còn gọi là kháng thể cũng bị mất đi. Kháng thể đóng vai trò rất quan trọng, giúp cơ thể chống lại sự tấn công của vi khuẩn gây bệnh. Vì vậy trẻ bị hội chứng thận hư có nguy cơ bị nhiễm trùng cao khi bị mất protein. Bên cạnh đó, các yếu tố chống đông máu cũng có thể bị mất đi qua nước tiểu. Tuy hiện tượng đông máu rất hiếm khi xảy ra ở trẻ bị hội chứng thận hư nhưng nó có thể xảy ra trong trường hợp đặc biệt, khi trẻ nôn mửa và tiêu chảy kèm theo tình trạng mất nước nặng.


Trẻ bị hội chứng thận hư có nguy cơ bị nhiễm trùng cao
Trẻ bị hội chứng thận hư có nguy cơ bị nhiễm trùng cao

3. Nguyên nhân gây hội chứng thận hư trẻ em?

Hiện nay, chúng ta vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra hội chứng thận hư, có thể là do hệ thống miễn dịch hoạt động không bình thường. Hội chứng thận hư trẻ em phần lớn là vô căn, chiếm 90% ở lứa tuổi 1-10 tuổi. Hội chứng thận hư không thể truyền từ người này qua người khác. Rất hiếm gặp trường hợp những đứa trẻ trong cũng một gia đình đều mắc hội chứng thận hư, điều này chỉ xảy ra khi nguyên nhân của hội chứng thận hư là do đột biến gen hiếm.

4. Điều trị hội chứng thận hư trẻ em

Bác sĩ sẽ kiểm tra huyết áp cho trẻ, đo chiều cao và cân nặng. Sau đó trẻ cần thực hiện xét nghiệm máu và nước tiểu để chẩn đoán. Trẻ không bị lấy quá nhiều máu và cơ thể sẽ tạo ra lượng nhiều hơn để thay thế lượng máu vừa lấy.

Nếu xác nhận trẻ mắc hội chứng thận hư, bác sĩ thường sẽ cân nhắc kê đơn thuốc steroid cho trẻ như: Prednisone và Prednisolone. Hầu hết các trẻ (80%) sẽ đáp ứng điều trị, hết hẳn tình trạng protein trong nước tiểu và hết phù trong 2 tuần đầu tiên.

Bệnh hội chứng thận hư trẻ em được xem là thuyên giảm khi protein trong nước tiểu âm tính 3 ngày liên tiếp. Khi trẻ có biểu hiện phù, trẻ có thể được kê thêm thuốc để giảm phù, thường là thuốc lợi tiểu. Nếu triệu chứng phù tăng trẻ có thể phải nằm viện và dùng lợi tiểu hoặc truyền albumin.

Tác dụng phụ khi điều trị hội chứng thận hư trẻ em

Prednisone/prednisolone thường được kê trong thời gian ngắn nên rất ít tác dụng phụ có thể xuất hiện. Tuy nhiên, một số tác dụng phụ có thể xuất hiện bao gồm: trẻ nhanh đói hơn dẫn đến tăng cân nhanh, thay đổi hành vi như hay cáu giận, tăng huyết áp, tăng đường máu, kích thích dạ dày.

Thuốc có thể gây đục thủy tinh thể nhỏ nhưng không ảnh hưởng đến thị lực của trẻ. Mặc dù xương của những trẻ điều trị với prednisone có thể giảm nhẹ lượng chất khoáng khi thực hiện các xét nghiệm đặc biệt (xét nghiệm kiểm tra mật độ xương), nhưng trẻ hội chứng thận hư đáp ứng với prednisone hiếm khi gãy xương hoặc tổn thương xương. Do đó điều trị các bệnh lý về xương của các trẻ bị hội chứng thận hư không khác biệt với những trẻ khác.

Sau khi trẻ đã thuyên giảm khi điều trị với prednison, trẻ có thể ăn những thức ăn tương tự như những trẻ khác. Một số trẻ sẽ cảm thấy rất đói khi điều trị với prednisone và tăng cân nhiều. Do đó, những trẻ bị hội chứng thận hư nên được khuyến khích sử dụng những thức ăn năng lượng thấp như: rau và hoa quả khi đói, thay vì ăn thức ăn năng lượng cao như: khoai tây chiên, bánh, bánh quy.

Tiêm vacxin cho trẻ bị hội chứng thận hư


Trẻ bị hội chứng thận hư nên tiêm tất cả các loại vaccine theo chương trình tiêm chủng
Trẻ bị hội chứng thận hư nên tiêm tất cả các loại vaccine theo chương trình tiêm chủng

Trẻ bị hội chứng thận hư nên tiêm tất cả các loại vaccine theo chương trình tiêm chủng ngoại trừ những loại vaccine sống như: thủy đậu, sởi, lao... không nên tiêm trong thời gian trẻ điều trị với prednisone liều cao hoặc bất cứ loại thuốc ức chế miễn dịch khác ngoài prednisone. Trẻ có thể tiêm phòng vaccine sau 1 tháng dừng điều trị prednisone liều cao hoặc đã giảm xuống liều thấp. Tuy nhiên, cha mẹ phải thảo luận kỹ với bác sĩ trước khi tiêm phòng cho trẻ.

Theo dõi hội chứng thận hư trẻ em tại nhà

Kiểm tra nước tiểu buổi sáng sớm của trẻ bằng que thử nước tiểu sẽ rất giúp ích cho phụ huynh trong việc theo dõi bệnh của trẻ tại nhà. Không cần thiết phải thử nước tiểu mỗi buổi sáng nhưng cha mẹ nên làm mỗi 1 - 2 ngày sau khi trẻ dùng prednisone được 7 ngày hoặc khi trẻ cải thiện biểu hiện phù. Khi kết quả thử nước tiểu 3 ngày liên tiếp đều không có protein niệu hoặc chỉ có vết thì chứng tỏ bệnh thuyên giảm. Việc phát hiện sớm protein niệu bằng que thử có thể giảm mức độ nặng của đợt tái phát bệnh.

5. Khi nào nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ

Trường hợp trẻ tái phát bệnh, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay lập tức khi trẻ có một trong các triệu chứng sau: sốt, đau bụng nhiều, phù hoặc đau tay chân, nôn hoặc tiêu chảy.

Nếu trẻ kết quả protein niệu 3+ trong 3 ngày liên tiếp có nghĩa là trẻ đã bị tái phát hội chứng thận hư, cha mẹ nên đưa trẻ đến khám bác sĩ để bắt đầu lại với liều prednisone/prednisolone 2mg/kg/ngày cho đến khi trẻ thuyên giảm, thử que thử thấy protein niệu âm tính hoặc vết trong 3 ngày, sau đó sẽ giảm liều prednisone theo chỉ định của bác sĩ. Nếu trẻ chỉ xuất hiện protein niệu trong 1 hoặc 2 ngày thì hoàn toàn bình thường, không phù thì không cần dùng prednisone trở lại và hiện tượng này thường tự biến mất.

Trường hợp trẻ tiếp xúc với người bệnh thủy đậu có nguy cơ phát triển bệnh nặng lên, vì vậy cha mẹ nên chú ý mang trẻ đến khám bác sĩ trong vòng 24 giờ sau khi tiếp tiếp xúc. Khi điều trị bằng prednisone trong một thời gian dài, trẻ thường cần tăng thêm liều prednisone mỗi khi trẻ bị ốm, do đó cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi có bất kỳ biểu hiện bất thường nào của con.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe