Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Hội chứng mang thai đồng cảm (couvade syndrome) mô tả tình trạng mà nam giới khỏe mạnh (có vợ đang mang thai) xuất hiện các triệu chứng có liên quan tới mang thai. Dù rằng một số nghiên cứu gợi ý hội chứng mang thai đồng cảm có thể khá phổ biến, nhưng cho đến nay nó chưa được công nhận là bệnh hoặc là vấn đề tâm thần.
1. Các biểu hiện của hội chứng mang thai đồng cảm
Các triệu chứng được báo cáo có liên quan với hội chứng mang thai đồng cảm xuất hiện khác nhau tùy cá nhân và thường chỉ xuất hiện trong ba tháng đầu và ba tháng cuối của thai kì:
- Các triệu chứng về thể chất bao gồm: buồn nôn, ợ nóng, đau bụng, đầy hơi, thay đổi khẩu vị, các vấn đề về hô hấp, đau răng, chuột rút ở chân, đau lưng, kích thích đường niệu hoặc vùng sinh dục.
- Các triệu chứng về tâm thần bao gồm: thay đổi giấc ngủ, lo âu, trầm cảm, giảm ham muốn tình dục và bồn chồn không yên.
2. Mức độ phổ biến của hội chứng mang thai đồng cảm
Hội chứng mang thai đồng cảm xuất hiện ở nam giới trên toàn thế giới. Kết quả các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ xuất hiện khác nhau ở các vị trí địa lý khác nhau, chỉ tính riêng tại Hoa Kỳ hội chứng mang thai đồng cảm xảy ra ở 25% tới 52% nam giới có vợ đang mang thai, còn ở Thụy Điển là 20% và Thái Lan ước tính lên tới 61%.
3.Giả thiết về nguyên nhân gây ra hội chứng mang thai đồng cảm
Hội chứng mang thai đồng cảm cho đến giờ vẫn là một bí ẩn. Đã có hàng loạt giả thiết khác nhau được đưa ra nhằm giải thích nguyên nhân dẫn tới hội chứng mang thai đồng cảm. Bên cạnh các giả thiết về phân tâm học và tâm lý xã hội, các giả thiết về xúc cảm của người đàn ông với đứa con sắp chào đời, tác động của nội tiết tố cũng được đưa ra nhằm giải thích hội chứng mang thai đồng cảm.
3.1 Giả thiết phân tâm học
Giả thiết phân tâm học cho rằng hội chứng mang thai đồng cảm bắt nguồn từ sự thèm muốn của nam giới đối với khả năng sinh sản của nữ giới. Theo giả thiết này, sự mang thai của người vợ là chất xúc tác khơi nguồn lại và làm nảy sinh xung đột oedipe ở người chồng. Người vợ mang thai khiến cho người chồng bị quay lại quá khứ, quay lại với các xúc cảm từ thời thơ ấu, gây khởi phát các xung đột với chính sự mang thai của vợ mình, chẳng hạn như cảm giác bị chối bỏ, bị bỏ mặc, mâu thuẫn và lo âu, với sự thụ động và phụ thuộc ngày một lớn theo sự phát triển của thai nhi, đi ngược lại với ý muốn tự chủ của chính người đàn ông.
Bên cạnh giả thiết trên, phân tâm học còn có một giả thiết thứ hai, cho rằng người cha tương lai đôi khi lại coi thai nhi là đối thủ cạnh tranh sự quan tâm của vợ mình. Giả thiết này đưa ra gợi ý rằng cũng có thể hội chứng mang thai đồng cảm là một cơ chế bảo vệ ở người đàn ông, cho phép người đàn ông nhận ra vợ mình đang mang thai, và thúc đẩy bản năng bảo vệ vợ con của người chồng, người cha tương lai.
3.2 Giả thiết tâm lí xã hội
Giả thiết tâm lý xã hội lại cho rằng trong quá trình mang thai và sinh nở, người đàn ông bị kém chú ý hơn, đặc biệt là những người đàn ông có vợ mang thai lần đầu. Làm mẹ là thiên chức của người phụ nữ, được xã hội đặc biệt coi trọng, được ưu tiên trong công việc, xã hội, y tế, đối ngược hẳn với những gì mà người đàn ông sắp làm cha nhận được. Từ những năm 1970 người đàn ông đã có nhiều cơ hội tiếp cận với quá trình sinh nở của vợ mình hơn, nhưng cũng vì thế, nhiều người chồng cảm thấy mình bị kém chú ý hơn so với vợ mình, thậm chí một số người còn nảy sinh cảm giác bản thân vô dụng. Như một cách phản ứng trước tình trạng này, trong thời kỳ mang thai của người vợ, người đàn ông xuất hiện các biểu hiện của hội chứng mang thai đồng cảm để thu hút (một cách không chủ ý) sự quan tâm của người vợ.
3.3 Giả thiết sự chuyển tiếp và khủng hoảng
Giả thiết sự chuyển tiếp cho rằng giai đoạn chuyển tiếp thành người cha có khả năng mang tính chất bệnh lý, có liên quan tới sự căng thẳng cao độ khi có mâu thuẫn đột phá bên trong người đàn ông. Thời kỳ chuyển tiếp giữa mối quan hệ gia đình từ chồng - vợ (2 người) sang cha - mẹ - con (3 người) là một trong những thời kì cực kì khủng hoảng đối với người cha tương lai. Đây có thể là do thực tế rằng người đàn ông tuy chấp nhận việc vợ mình mang thai nhưng lại không xuất hiện những thay đổi thực thể để khiến người đàn ông thấy đây là sự thật. Người đàn ông không có những dấu hiệu sinh học trong giai đoạn chuyển tiếp thành người cha tương lai, khác so với quá trình trở thành người mẹ của phụ nữ. Điều này gây nảy sinh nhiều mâu thuẫn nội tại trong người đàn ông, bao gồm sự ghen tị, cạnh tranh với đứa trẻ sắp sinh, những mâu thuẫn xung đột ngày càng trầm trọng, và các biểu hiện của hội chứng mang thai đồng cảm xuất hiện từ đó.
3.4 Giả thiết thay đổi nội tiết tố
Hội chứng mang thai đồng cảm dường như cũng có mối liên hệ với nội tiết tố, nhưng hiện tại vẫn còn hiếm những nghiên cứu về mối liên hệ này, chỉ có 2 nghiên cứu đã được công bố, một vào năm 2000 và một nghiên cứu khác vào năm 2001. Kết quả của cả hai nghiên cứu đều cho thấy có sự tăng lên rõ rệt nồng độ nội tiết tố prolactin và estrogen, đồng thời là sự suy giảm nồng độ testosterone và cortisol trong ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kì ở người chồng. Những sự thay đổi về nồng độ nội tiết tố có mối liên hệ với sự thay đổi hành vi của người cha tương lai cũng như các triệu chứng của hội chứng mang thai đồng cảm (mệt mỏi, thay đổi khẩu vị, tăng cân).
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Mayoclinic.org