Hội chứng mạch vành cấp tính: Triệu chứng và nguyên nhân

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Khiêm Huy - Bác sĩ hồi sức tim - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Hội chứng mạch vành cấp là một khái niệm đề cập đến bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào có liên quan đến biến cố tổn thương động mạch vành với tính chất cấp tính, khiến cho một phần cơ tim bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

1. Tổng quan về hội chứng mạch vành cấp

Hội chứng mạch vành cấp tính là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả một loạt các tình trạng liên quan đến đột ngột, làm giảm lưu lượng máu đến tim.

Tình trạng đó chính là một cơn đau tim (nhồi máu cơ tim) - khi tế bào chết dẫn đến mô tim bị tổn thương hoặc bị phá hủy. Ngay cả khi hội chứng mạch vành cấp tính không gây chết tế bào, lưu lượng máu giảm sẽ thay đổi phương thức/ cách thức hoạt động của tim và là dấu hiệu của nguy cơ đau tim cao.

Hội chứng mạch vành cấp tính thường gây đau ngực hoặc khó chịu nghiêm trọng. Đây là trường hợp khẩn cấp, đòi hỏi chẩn đoán và chăm sóc kịp thời. Mục tiêu của điều trị bệnh bao gồm cải thiện lưu lượng máu, điều trị các biến chứng và ngăn ngừa các vấn đề khác trong tương lai.


Hội chứng mạch vành cấp gây lên các cơn đau ngực
Hội chứng mạch vành cấp gây lên các cơn đau ngực

2. Triệu chứng hội chứng mạch vành cấp

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh mạch vành cấp thường bắt đầu đột ngột, bao gồm:

  • Đau ngực (đau thắt ngực) hoặc khó chịu, thường được mô tả là đau, áp lực, căng hoặc nóng rát;
  • Đau lan từ ngực đến vai, cánh tay, bụng trên, lưng, cổ hoặc hàm;
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa;
  • Khó tiêu;
  • Khó thở;
  • Đột ngột, đổ mồ hôi nhiều (cơ hoành);
  • Chóng mặt, choáng hoặc ngất xỉu;
  • Mệt mỏi bất thường hoặc không rõ nguyên nhân;
  • Cảm thấy bồn chồn và khó chịu.

Đau ngực và khó chịu là triệu chứng phổ biến nhất. Tuy nhiên, các dấu hiệu và triệu chứng có thể thay đổi đáng kể tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và các bệnh lý khác. Bệnh nhân có nhiều khả năng xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng khác nếu là phụ nữ, người lớn tuổi hoặc người bệnh tiểu đường.

Hội chứng mạch vành cấp tính là tình huống khẩn cấp, cần được cấp cứu ngay. Đau thắt ngực hoặc khó chịu bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng, đe dọa tính mạng. Hãy nhờ người thân đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán kịp thời và điều trị thích hợp. Không nên tự lái xe hoặc tự di chuyển đến bệnh viện.

3. Nguyên nhân gây ra bệnh mạch vành cấp

Hội chứng mạch vành cấp tính thường là kết quả do sự tích tụ các chất béo (mảng bám) trong và trên thành của các động mạch vành, các mạch máu cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho cơ tim.

Khi một mảng bám sắp vỡ hoặc vỡ ra, huyết khối sẽ hình thành. Cục máu đông này ngăn chặn dòng chảy của máu đến cơ tim. Khi việc cung cấp oxy cho các tế bào quá thấp, các tế bào của cơ tim có thể bị hủy hoại. Việc này dẫn đến tổn thương các mô cơ và tạo ra một cơn đau tim (nhồi máu cơ tim).

Ngay cả khi không có tế bào bị chết, việc giảm oxy vẫn dẫn đến cơ tim không hoạt động được. Sự thay đổi này có thể là tạm thời hoặc thậm chí là vĩnh viễn. Khi tình trạng này không dẫn đến chết tế bào ở tim thì nó được gọi là đau thắt ngực không ổn định.

4. Các yếu tố rủi ro dẫn đến bệnh mạch vành cấp

Các yếu tố nguy cơ của hội chứng mạch vành cấp tính cũng giống như đối với các loại bệnh tim khác. Các yếu tố nguy cơ hội chứng mạch vành cấp tính bao gồm:

  • Sự lão hóa;
  • Huyết áp cao;
  • Cholesterol trong máu cao;
  • Hút thuốc lá;
  • Thiếu các hoạt động thể chất;
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh;
  • Béo phì hoặc thừa cân;
  • Bệnh tiểu đường;
  • Tiền sử trong gia đình có người bị đau ngực, bệnh tim hoặc đột quỵ;
  • Tiền sử người mắc huyết áp cao, tiền sản giật hoặc tiểu đường khi mang thai.

Béo phì là nguyên nhân gây bệnh mạch vành cấp
Béo phì là nguyên nhân gây bệnh mạch vành cấp

Để kiểm soát tốt bệnh mạch vành cấp, bệnh nhân cần lưu ý việc tái khám đúng định kỳ, tuân thủ hướng dẫn điều trị và hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ.

Thạc sĩ. Bác sĩ Huỳnh Khiêm Huy đã có hơn 11 kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực gây mê hồi sức tim mạch; khám, điều trị hồi sức sau mổ các bệnh lý tim mạch người lớn và trẻ em. Bác sĩ Huy nguyên phó trưởng khoa Hồi Sức Ngoại bệnh viện Tim Tâm Đức trước khi là bác sĩ hồi sức tim khoa ngoại tim mạch, Trung tâm tim mạch - Bệnh Viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe