Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Tai Mũi Họng - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Loạn cảm họng là triệu chứng khiến người bệnh khó nuốt như có vật chen ngang cổ họng, đặc biệt khi nuốt không thể hít được không khí vào phổi khiến người bệnh phải khạc nhổ liên tục. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra và thường chẩn đoán nhầm lẫn với các bệnh lý tai mũi họng khác.
1. Loạn cảm họng là gì?
Loạn cảm họng (hay là dị cảm họng) được định nghĩa là một hội chứng gây ra bởi nhiều bệnh lý khác nhau, dễ chẩn đoán nhầm lẫn với việc mắc xương hoặc các bệnh lý như viêm Amidan, viêm họng... Do khó được chẩn đoán chính xác nên việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn, bệnh kéo dài làm người bệnh càng thêm lo lắng hơn.
Loạn cảm họng làm người bệnh có cảm giác chủ quan giống như có dị vật mắc lại ở vùng họng (cảm giác bị hóc xương) hoặc có một u nhú phát triển gây chèn ép vùng họng (ám ảnh sợ ung thư). Tuy nhiên, cảm giác chủ quan này chỉ xuất hiện khi nuốt nước bọt, ngược lại khi ăn uống lại hoàn toàn bình thường, không bị vướng hay nghẹn ở họng.
2. Nguyên nhân gây loạn cảm họng
Nguyên nhân gặp nhiều nhất của hội chứng này là sự rối loạn chức năng của dạ dày (như bệnh viêm loét dạ dày), viêm xoang mạn, rối loạn nội tiết mãn kinh hoặc do các thay đổi tâm lý (stress).
Những nguyên nhân ít gặp hơn như bất thường giải phẫu làm mỏm trâm dài, bất thường thanh quản, cơ nhẫn họng co thắt, thiểu năng tuyến giáp, viêm khớp thái dương hàm, viêm đau dây thần kinh số IX và bệnh lý hoang tưởng.
Do đó, chứng loạn cảm họng có nhiều nguyên nhân gây ra nhưng nguyên nhân chính yếu nhất vẫn là các bệnh lý dạ dày. Khi bệnh nhân bị đau ở họng, bác sĩ sẽ thăm khám thật kỹ càng để có chẩn đoán chính xác về nguyên nhân gây bệnh.
3. Loạn cảm họng hay gặp ở đối tượng nào?
Loạn cảm họng thường gặp ở phụ nữ tuổi 40 - 50, đây là giai đoạn tiền mãn kinh hoặc ở những nam giới hay hút thuốc lá và uống rượu. Bệnh nhân có tiền sử bệnh dạ dày cũng là đối tượng hay mắc hội chứng loạn cảm họng.
4. Triệu chứng của loạn cảm họng
Triệu chứng của bệnh loạn cảm họng khiến bệnh nhân thường cảm thấy vướng họng, đau rát họng, đôi khi lại đau góc hàm, đau trước cổ, đau hai bên cổ. Đây chỉ là cảm giác chủ quan khi nuốt nước miếng suông, còn khi nuốt thức ăn (cơm, bánh, trái cây...) hoặc uống nước lại bình thường, không đau. Bên cạnh đó, người bệnh loạn cảm họng còn có các dấu hiệu khác như ngứa họng, đau mỏi cổ, tê vai gáy, ợ hơi, đầy bụng, ăn kém ngon, trầm cảm hoặc cảm thấy tức ngực...
5. Chẩn đoán loạn cảm họng như thế nào?
Để chẩn đoán chính xác thì bác sĩ cần thăm khám và hỏi bệnh thật kỹ lưỡng, mục đích là loại trừ các bệnh lý vùng tai mũi họng hoặc dạ dày trước khi chẩn đoán loạn cảm họng.
5.1. Khám Tai Mũi họng
- Khám miệng và họng: Bác sĩ quan sát vùng miệng họng, kết hợp sử dụng các dụng cụ thông thường hoặc nội soi để thấy miệng và họng bình thường. Việc này chỉ hỗ trợ chẩn đoán loại trừ các bệnh lý khác như viêm Amidan sinh mủ, hóc xương dăm nhỏ ở họng hoặc amidan, viêm họng với sự tân sinh các hạt ở thành sau của họng.
- Khám mũi xoang: Nếu bệnh nhân vướng họng kèm theo nhức đầu, khịt mũi hoặc ho nhiều để tống chất nhầy dính vùng mũi - họng xuống miệng rồi khạc ra ngoài thì bác sĩ sẽ nghĩ nhiều đến bệnh lý mũi xoang. Khi đó, bác sĩ chỉ định soi mũi bằng banh thông thường và ống nội soi mũi tìm dịch nhầy, mủ, polyp ở các khe mũi, ở lỗ thông các xoang.
- Soi dạ dày - thực quản: Nội soi thực quản bằng ống soi cứng (dài 40cm) để thấy thực quản bình thường, trong đa số bệnh nhân một số ít có sung huyết vùng niêm mạc tâm vị của dạ dày. Nội soi dạ dày cho thấy viêm trợt niêm mạc hoặc loét dạ dày. Test HP đôi khi dương tính.
5.2. Hỏi tiền sử bệnh
Hỏi tiền sử giúp bác sĩ nghĩ đến những nguyên nhân gây bệnh ngoài phạm vi Tai Mũi họng. Cụ thể:
- Rối loạn chức năng dạ dày: Nhiều bệnh nhân đã được chẩn đoán viêm loét dạ dày qua nội soi trước đây. Nguyên nhân gây hội chứng loạn cảm họng là do lượng acid dịch vị tiết ra nhiều hơn bình thường hoặc trào ngược của dịch vị qua lỗ tâm vị lên thực quản làm cho bệnh nhân có cảm giác vướng, đau ở họng, ăn khó tiêu. Bên cạnh đó, loạn cảm họng cũng được xem là một thể bệnh nhẹ của hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản.
- Rối loạn nội tiết tố ở phụ nữ mãn kinh: Phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh hoặc tiền mãn kinh thường thay đổi tính khí như dễ bực bội, cáu gắt kèm theo cảm giác lạ như nóng phừng mặt, ớn lạnh xương sống và vướng họng. Nếu đối tượng này kèm theo tiền sử bệnh lý dạ dày thì hội chứng loạn cảm họng rất dễ xảy ra, khiến họ hay than phiền là bị nghẹt họng, khó hít thở.
- Căng thẳng tâm lý (stress): Những thay đổi trong tâm lý quá mạnh như tang tóc, thất tình, phá sản... cũng có thể làm co thắt cơ vùng hầu họng trong một thời gian ngắn gây cứng họng và không nuốt được. Nếu sự phiền muộn kéo dài, bệnh nhân có thể sẽ rơi vào trạng thái trầm cảm, không muốn ăn uống, bệnh nhân có cảm giác nuốt vướng tuy rằng vùng họng và thực quản bình thường.
6. Điều trị loạn cảm họng
Điều trị nguyên nhân là yếu tố quyết định sự thành công của việc chữa trị hội chứng loạn cảm họng. Việc thăm khám toàn diện kết hợp hỏi tiền sử bệnh giúp xác định nguyên nhân rõ ràng. Nếu nguyên nhân gây ra loạn cảm họng là viêm amidan mãn tính, dài mỏm trâm... thì việc điều trị bằng phẫu thuật giúp loại bỏ các nguyên nhân, giúp bệnh nhân khỏi bệnh.
Nếu chưa tìm được nguyên nhân, các phương pháp điều trị nội khoa bao gồm các thuốc giảm viêm, phù nề kết hợp với các thuốc giảm đau, an thần, đồng thời bổ sung nội tiết tố nữ ở phụ nữ mãn kinh... sẽ được xem xét.
Ngoài ra, nguyên nhân tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành bệnh. Do đó, tâm lý liệu pháp được cân nhắc áp dụng ở các đối tượng có hội chứng loạn cảm họng mà nguyên do là sự chấn động tâm lý quá mức.
Để đảm bảo sức khỏe thì khi gặp các triệu chứng của hội chứng loạn cảm họng, bạn nên đi khám tại chuyên khoa Tai mũi họng tại các cơ sở điều trị để được các bác sĩ chẩn đoán, đồng thời thực hiện thăm khám cận lâm sàng, từ đó đưa ra hướng điều trị bệnh hiệu quả nhất.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ điều trị theo tiêu chuẩn quốc tế với cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn, giàu kinh nghiệm, thực hiện điều trị nhiều ca phẫu thuật khó, trong đó có các bệnh lý tiêu hóa và bệnh tai mũi họng. Đặc biệt để nâng cao chất lượng dịch vụ, hiện nay Vinmec còn triển khai nhiều các sản phẩm, gói dịch vụ y tế đi kèm, đem lại sự tiện ích và kết quả điều trị tối ưu cho người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.