Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh Khiêm Huy - Bác sĩ hồi sức tim - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Hội chứng chèn ép tim là một rối loạn nghiêm trọng cản trở tâm thất giãn dẫn đến tình trạng tim không thể bơm máu đến các cơ quan trong cơ thể. Tình trạng này nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhiều khả năng sẽ dẫn đến suy tim thậm chí là tử vong.
1. Hội chứng chèn ép tim là gì?
Hội chứng chèn ép tim là tình trạng tim bị đè nén xảy ra khi máu hoặc dịch lấp đầy khoang ngoài tim ( khoang nằm giữa lớp màng mỏng bao xung quanh cơ tim và tim). Khi đó tâm thất sẽ bị cản trở giãn hoàn toàn, các cơ quan trong cơ thế không được tim bơm máu đầy đủ, dẫn đến suy các cơ quan, nặng hơn sẽ dẫn đến sốc tim và tử vong.
2. Nguyên nhân gây ra hội chứng chèn ép tim
Nguyên nhân gây ra hội chứng chèn ép tim được chia ra thành 2 loại:
2.1 Chèn ép tim cấp tính
Chèn ép tim cấp tính gây ra do các chấn thương như tai nạn hoặc vết dao đâm, vết đạn bắn.
Ngoài ra, chèn ép tim cấp tính còn do một số nguyên nhân khác có thể kể đến như : Sau cơn nhồi máu cơ tim thì cơ tim bị phá huỷ hoặc những lỗ thủng tại tim được hình thành sau những ca phẫu thuật( thông tim, chụp mạch, đặt máy tạo nhịp hoặc đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm).
2.2 Chèn ép tim mãn tính
Một số nguyên nhân thông thường gây ra tình trạng này có thể kể đến như: Ung thư( ung thư phổi, ung thư vú, ung thư hạch), lupus ban đỏ, suy thận, suy giáp, những loại nhiễm trùng có ảnh hưởng đến tim.
3. Người bị hội chứng chèn ép tim có biểu hiện gì?
Một số triệu chứng chính thường xảy ra ở những người bị chèn ép tim như:
- Huyết áp giảm, mạch yếu
- Đau ngực, đau nhẹ ở cổ, vai ,lưng, bụng
- Đánh trống ngực
- Sưng vùng bụng hoặc một số vùng khác
- Khó thở hoặc thở nhanh
- Chóng mặt, ngất xỉu, choáng váng
- Cảm thấy lo lắng, bồn chồn
- Khó chịu, có thể giảm khi ngồi thẳng hoặc nghiêng về phía trước
4. Phương pháp điều trị hội chứng chèn ép tim
Bác sĩ sẽ thông qua việc khám lâm sàng và thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán xác định người bệnh có bị chèn ép tim hay không. Hội chứng chèn ép tim là một cấp cứu y khoa cần được điều trị tích cực tại bệnh viện.
Phương pháp điều trị nhằm 2 mục tiêu:
- Đầu tiên sẽ sử dụng các phương pháp làm giảm sự đè ép lên tim . Đối với tình trạng cấp tính, khi có hiện tượng tràn dịch màng tim gây ra chèn ép tim thì bác sĩ phải sử dụng ngay các thủ thuật để lấy đi các chất dịch quanh tim càng nhanh càng tốt .Thủ thuật được sử dụng là chọc hút dẫn lưu màng ngoài tim. Bệnh nhân có thể dễ dàng tử vong vì vậy thủ thuật cần được tiến hành nhanh chóng và đúng kỹ thuật để cứu sống người bệnh và giảm thiểu biến cố. Ngoài ra cho bệnh nhân thở oxy, sử dụng thuốc tăng huyết áp, truyền dịch.
- Sau đó khi tình trạng của người bệnh ổn định, bác sĩ sẽ tiến hành thêm một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân. Việc tìm ra nguyên nhân là rất quan trọng trong việc điều trị hoàn toàn chứng chèn ép tim.
Tiên lượng của việc điều trị phụ thuộc chủ yếu vào 2 yếu tố: Thời điểm bạn được chẩn đoán bệnh và nguyên nhân gây ra bệnh. Vì vậy, việc phát hiện ra bệnh kịp thời và nhanh chóng là rất quan trọng.
5. Thói quen sinh hoạt như thế nào sẽ giúp người bệnh hạn chế diễn tiến hội chứng chèn ép tim?
Sau khi được điều trị ở thể ổn định, bạn nên thực hiện theo những điều dưới đây để kiểm soát tình trạng hồi phục của mình:
- Thực hiện tái khám theo đúng lịch hẹn
- Không được tự ý bỏ thuốc hoặc sử dụng thuốc ngoài đơn được kê
- Gọi cấp cứu hoặc ngay lập tức đến bệnh viện nếu thấy các triệu chứng của bệnh diễn tiến nặng thêm.
- Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn nên tham khảo ý kiến các chuyên gia y tế để được tư vấn chuẩn xác nhất.
Hội chứng chèn ép tim là bệnh khá hiếm gặp, khoảng 1000 người sẽ có khoảng 2 người gặp phải tình trạng này nhưng đây là bệnh có nguy cơ tử vong cao. Hiểu rõ về bệnh, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ, tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào sẽ giúp bạn tránh khỏi nguy cơ tử vong, hạn chế biến chứng và nhanh chóng hồi phục.