Hội chứng bìu cấp: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Võ Thiện Ngôn - Bác sĩ Ngoại tiết niệu, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Hội chứng bìu cấp là tình trạng sưng bìu kèm theo đỏ, đau vùng bìu, có thể kèm theo triệu chứng toàn thân. Bệnh có thể gây hoại tử tinh hoàn, vì vậy, nhiều trường hợp cần mổ cấp cứu sớm mới cứu được tinh hoàn.

1. Nguyên nhân gây hội chứng bìu cấp

Nguyên nhân gây hội chứng bìu cấp bao gồm:

  • Xoắn phần phụ tinh hoàn
  • Viêm mào tinh, tinh hoàn
  • Chấn thương tinh hoàn
  • Thoát vị bẹn
  • Tràn dịch tinh mạc cấp
  • Bướu tinh hoàn
  • Giãn tĩnh mạch tinh,
  • Xoắn thừng tinh
  • Phù nề bìu vô căn
  • Henoch – Scholein

Trong đó, xoắn tinh hoàn chiếm tỷ lệ cao và là bệnh lý là nguy hiểm nhất vì có thể gây tổn thương tinh hoàn không hồi phục đe dọa gây tổn thương tinh hoàn không hồi phục nếu bị xoắn kéo dài trên 8 giờ nên phải được theo dõi cấp cứu cho đến khi loại trừ được hoàn toàn. Do đó, trong hội chứng bìu cấp, thầy thuốc và bệnh nhân phải theo dõi cấp cứu cho đến khi loại trừ xoắn tinh hoàn.


Xoắn tinh hoàn là bệnh lý là nguy hiểm nhất vì có thể gây tổn thương tinh hoàn không hồi phục
Xoắn tinh hoàn là bệnh lý là nguy hiểm nhất vì có thể gây tổn thương tinh hoàn không hồi phục

2. Triệu chứng của hội chứng bìu cấp

2.1. Triệu chứng cơ năng

  • Cơn đau đột ngột, dữ dội và tăng dần, đặc biệt khởi phát từ ban đêm cần nghĩ đến nguyên nhân xoắn tinh hoàn.
  • Đau đột ngột dữ dội vùng bẹn, bìu. Đau khu trú hay lan dọc theo ống bẹn lên hố chậu cùng bên. Đau làm trẻ có xu hướng gấp đùi lại và ít cử động. Trẻ lớn thường tự xác định được vị trí đau. Với trẻ sơ sinh và bú mẹ thì có biểu hiện quấy khóc nhiều.
  • Sưng bìu to và ống bẹn nề, đau. Nếu thời gian bị bệnh lâu thì da có thể có màu đỏ.
  • Nếu có sốt, nhiễm trùng tiểu gợi ý viêm mào tinh hoàn.

2.2. Triệu chứng thực thể

  • Tinh hoàn sưng to, nằm cao và trục xoay ngang, kéo tinh hoàn xuống thấp gây đau nhiều hơn.
  • Tinh hoàn ẩn xoắn bệnh nhân đau vùng ống bẹn, khối phồng ở vùng này, ấn đau và bìu cùng bên không sờ thấy tinh hoàn.
  • Xuất hiện một khối u ở tinh hoàn và cảm thấy đau ở tinh hoàn hay bìu.
  • Mất phản xạ da bìu là dấu hiệu có giá trị cao trong xoắn tinh hoàn.
  • Đau giới hạn ở vị trí cực trên tinh hoàn gợi ý xoắn phần phụ tinh hoàn, thăm khám có thể tìm thấy một đốm xanh sậm màu xuyên qua da bìu (blue dot sign).
  • Biến dạng bell- clapper là do sự biến đổi của tinh mạc ở vị trí bám vào tinh hoàn. Ở những bệnh nhân bị biến dạng này, tinh hoàn nằm ngang và có trục dọc theo hướng trước- sau. Biến dạng này luôn ở hai bên.

3. Nhận diện hội chứng bìu cấp

Phân biệt hội chứng bìu cấp với xoắn phần phụ tinh hoàn

Phản xạ da bìu vẫn còn và tinh hoàn vẫn di động. Đau khu trú ở cực trên tinh hoàn hoặc mào tinh, đau thường khởi phát dần hơn là cấp tính và không kèm theo nôn, ói, đau bụng. Dấu hiệu blue dot sign là dấu đặc hiệu của xoắn phần phụ tinh hoàn, tuy nhiên “blue dot sign” chỉ phát hiện được ở 20% các trường hợp bệnh nhân bị xoắn phần phụ tinh hoàn. Xoắn phần phụ tinh hoàn không đòi hỏi phẫu thuật nếu được chẩn đoán chính xác.

Phân biệt hội chứng bìu cấp với viêm mào tinh hoàn

Cơn đau khởi phát từ từ, sốt và tiểu đau hay đi kèm theo. Hay gặp từ 9-14 tuổi. Ở trẻ nhỏ hơn bệnh nhi kèm dị dạng hậu môn trực tràng hay dị dạng tiết niệu sinh dục.

Phân biệt hội chứng bìu cấp với viêm tinh hoàn

Có thể là nhiễm trùng hay viêm, là do ảnh hưởng trực tiếp từ viêm mào tinh. Nhiễm trùng chỉ ảnh hưởng đến tinh hoàn hiếm gặp ở trẻ em, đây là hậu quả của vi trùng lan tỏa theo đường máu hoặc sau khi bị quai bị.

Phân biệt hội chứng bìu cấp với chấn thương bìu

Chấn thương bìu có thể gây ra tụ máu trong bìu, chảy máu trong tinh hoàn hoặc rách màng bao tinh hoàn, tinh hoàn lộ ra ngoài bìu. Siêu âm là phương tiện chẩn đoán tốt nhất. Nếu có vỡ tinh hoàn (rách màng bao) là có chỉ định phẫu thuật.

4. Làm gì để tránh bị hội chứng bìu cấp?


Phòng tránh quai bị bằng cách tiêm chủng cho trẻ ngay từ giai đoạn còn nhỏ
Phòng tránh quai bị bằng cách tiêm chủng cho trẻ ngay từ giai đoạn còn nhỏ

  • Tiêm phòng quai bị

Phòng tránh hội chứng bìu cấp bằng cách tiêm chủng cho trẻ ngay từ giai đoạn còn nhỏ. Thường sau khi phát quai bị không lâu sẽ xuất hiện viêm tinh hoàn do virus trực tiếp xâm nhập vào tinh hoàn. Để ngừa bệnh, trẻ em dưới một tuổi cần tiêm chủng để phòng ngừa. Tác dụng của vắc xin là tăng cường khả năng tự miễn của cơ thể. Có thể nói tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu nhất trong việc phòng bệnh quai bị và viêm tinh hoàn sau này.

  • Hình thành thói quen lành mạnh

Xây dựng những thói quen tốt trong cuộc sống như: không hút thuốc, không uống rượu bia, không ngồi hay đứng quá lâu một chỗ, không quan hệ tình dục quá độ không lạm dụng thủ dâm.

Ngoài ra, bạn nên ăn nhiều rau quả tươi và tăng cường lượng vitamin trong cơ thể, nhất là vitamin C giúp tăng khả năng miễn dịch, và đồng thời nên hạn chế đồ chua cay nóng.

  • Kiểm tra tinh hoàn

Có thể áp dụng phương pháp xoa bóp tinh hoàn trước khi ngủ hoặc tranh thủ khi tắm. Dùng ngón tay cái ấn nhẹ tinh hoàn theo chiều kim đồng hồ, sau đó ngược chiều kim đồng hồ mỗi lần 10 phút. Nếu trong quá trình xoa bóp thấy cảm giác đau lạ, có khả năng bạn đã bị sưng bìu tinh hoàn hoặc viêm mào tinh hoàn. Khi đó, bạn cần đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.

Đi cấp cứu ngay nếu bạn phát triển đau đột ngột trong bìu. Một số tình trạng cần điều trị kịp thời để tránh tổn thương vĩnh viễn cho tinh hoàn. Đi khám bác sĩ nếu bạn phát hiện một khối u trong bìu, ngay cả khi nó không đau hoặc nhạy cảm hoặc nếu bạn có các triệu chứng khác của khối bìu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe